Chút hồi ức và nghĩ về nghề

LÊ QUANG TRANG (Nguyên Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết) 02/01/2022 09:00

Năm 2001, tôi đang là Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần của báo Nhân Dân. Một hôm, Tổng biên tập Đinh Thế Huynh, mời tôi lên thông báo: Sáng nay họp, gặp anh Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, hiện là Chủ tịch Mặt trận) ngỏ ý muốn xin anh về báo Đại Đoàn Kết.

Ý anh thế nào? Anh ấy cũng đã trao đổi sơ bộ với anh Nguyễn Khoa Điềm (Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương). Bây giờ “quả bóng” trong chân anh, anh suy nghĩ và cho biết ý kiến sớm với Ban Biên tập và bên Mặt trận.

Nhà báo Lê Quang Trang (thứ hai từ phải sang) cùng cán bộ, phóng viên báo Đại Đoàn Kết trong một lần về nơi báo Cứu Quốc ra đời ở làng Xuân Kỳ, xã Đông Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh tư liệu.

Tôi về suy nghĩ, biết sở trường của mình là yêu thích và quen viết về mảng văn học nghệ thuật. Được giao phụ trách Nhân Dân cuối tuần, tuy nội dung mở ra, nhưng cốt lõi vẫn là văn hóa văn nghệ. Hơn nữa, việc của tôi hiện tại chủ yếu lo nội dung, ít phải bận tâm về nhân sự, kinh doanh. Nếu chuyển sang báo Đại Đoàn Kết thì công việc mở rộng hơn, bỡ ngỡ là quản lý kinh tế đơn vị. Lại nghĩ thêm, tin cậy, người ta mới xin, cũng không nên phụ lòng tốt.

Tôi để tâm tìm hiểu báo Đại Đoàn Kết, cả hai nhánh tiền thân, là báo Cứu Quốc và Giải Phóng. Tôi gặp những lãnh đạo báo mà mình quen biết như anh Lê Quang Cảnh mới nghỉ hưu, anh Lê Truyền, Ủy viên Ban Thường trực vừa được cử kiêm nhiệm Tổng biên tập. Tôi cũng tìm hiểu qua bạn bè từng cộng tác hay đang là phóng viên của báo. Đặc biệt, trao đổi nhiều với anh Nguyễn Túc, Ủy viên Ban Thường trực, nhà văn hóa, từng công tác lâu, hiểu sâu về công tác và báo của Mặt trận. Anh Túc khuyên tôi gặp anh Phạm Thế Duyệt.

Hôm gặp nhau, sau khi “xem mặt” và nghe tôi tâm sự về hoạt động ở chiến trường, quá trình làm báo, có lẽ anh Phạm Thế Duyệt cũng “thấy được”, nên lúc chia tay, anh đùa vui: “Nếu cậu không về, lấy nguyên tắc Đảng ra vận dụng, tôi có thể kỷ luật cậu”.

Tôi biết lúc đó trong một văn bản Đảng mới ban hành có nội dung quy định đảng viên phải tuân thủ sự phân công, điều động của tổ chức. Sau đó tôi về báo Đại Đoàn Kết, tất nhiên có thời gian làm thủ tục.

Tôi chính thức về báo cuối tháng 5/2002, nghỉ chế độ vào tháng 6/2006. Gần 2.000 ngày làm việc ở cơ quan báo mới, với hơn sáu chục người, tuổi tác, trình độ, cá tính khác nhau, để lại trong tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc. Tôi trưởng thành nhiều về nghề, về quản lý nhân sự, định hướng bài vở, in ấn, phát hành. Trên cương vị Tổng biên tập, tôi có vài lần dẫn đoàn của báo thăm và tặng quà nơi báo Cứu Quốc ra đời ở làng Xuân Kỳ, xã Đông Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), rồi lên nơi báo đóng trụ sở thời kháng chiến 9 năm ở Tuyên Quang, Bắc Giang; về cơ sở cũ báo Giải Phóng thời chống Mỹ, cho tôi hiểu tình cảm sâu nặng và tấm lòng tuyệt vời của nhân dân với các thế hệ nhà báo và báo chí cách mạng. Những cuộc tổ chức Liên hoan con cháu hiếu thảo cũng để lại nhiều ấn tượng sâu đậm về tình người, đạo đức xã hội, về sự năng động của nhiều nhà báo trong tổ chức sự kiện và mối quan hệ tốt đẹp giữa báo với các địa phương. Nhân kỷ niệm 80 năm báo, xin nêu vài suy nghĩ về nghề.

1. Đánh giá một tờ báo là chuyện không đơn giản. Không chỉ dày hay mỏng, bán được ít hay nhiều (tiêu chí quan trọng) mà là giá trị của nó trong đời sống xã hội. Tiền thân trước hết của Đại Đoàn Kết, là Cứu Quốc, có lúc chỉ có 2 trang, hoặc 4 trang, phát hành không nhiều, nhưng là một tờ báo rất giá trị trong đời sống, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh. Vì sao vậy?

Đúng là tờ báo lúc ấy còn đơn giản, thô sơ, nhưng rất tự hào vì đáp ứng xuất sắc được nhiệm vụ cách mạng. Thời kỳ này, trọng tâm là giải phóng dân tộc, tập hợp mọi lực lượng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong lúc báo chí cách mạng rất thưa mỏng, báo Cứu Quốc đã làm tốt, góp phần làm nên một cao trào cách mạng.

Báo đã nói đúng và trúng nỗi lòng của nhân dân, bằng các thông tin, hình thức, thể loại phù hợp. Báo là nơi quy tụ nhiều nhà báo tài năng, tâm huyết với cách mạng, vững về lập trường, tinh thông về nghề nghiệp, bên cạnh đó còn tập hợp được nhiều trí thức, văn nghệ sĩ mà nhân dân tin tưởng, ngưỡng mộ.

Báo Giải Phóng ra đời sau và hoạt động trong chiến khu thời kháng chiến chống Mỹ, chịu đựng ác liệt hơn, khó khăn hơn, cách đóng góp vào thắng lợi của cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có khác so với đồng nghiệp, nhưng cũng rất đặc sắc trong chức năng nhiệm vụ của mình.

Đáp ứng nhiệm vụ cách mạng theo chức năng, nhiệm vụ, nhưng phải trúng và đúng, báo mới có giá trị. Làm cách nào thì còn tùy từng giai đoạn, điều kiện cụ thể. Về sau, báo chí được giao vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa tự hạch toán kinh doanh, cũng là thử thách không dễ vượt, đòi hỏi nhiều tâm huyết, năng động sáng tạo, mới có thể tạo được sự phát triển hài hòa.

2. Khi tôi về Đại Đoàn Kết, việc chống tiêu cực xem ra đã tạm lắng, không hút khách như mươi năm trước. Người đọc đòi hỏi thông tin nhanh và phong phú hơn. Việc cấm kỵ cũng đã cởi mở hơn. Tin bản báo được coi trọng. Nhưng Đại Đoàn Kết là báo tuần, sau tăng lên tuần 3 số, thông tin không thể nhanh bằng truyền hình, phát thanh hay nhật báo có hỗ trợ của internet.

Vậy đâu là điểm mạnh để phát huy? Chúng tôi bàn nhau và thấy phải đưa được tối đa báo mình đến với bạn đọc. Không thể cạnh tranh về thông tin, vậy phải tăng cường chất lượng bình luận. Cùng với tìm kiếm những cây bút viết tốt phóng sự điều tra, cần những bình luận viên sâu sắc, khúc chiết, có phong cách. Phóng viên và cộng tác viên đều hướng theo tiêu chí này.

Nhưng quan trọng là làm sao đến người đọc được nhiều. Lúc này báo in đang còn giá trị, chiếm lĩnh trận địa. Cần tăng cường công tác phát hành. Phó tổng biên tập phụ trách trị sự Bùi Thượng Toản, trưởng phòng hành chính Thu Hà, đã đưa ra nhiều sáng kiến và giải pháp để nâng số lượng. Thêm một thuận lợi là Đoàn chủ tịch Mặt trận vừa ra Nghị quyết 03 về đổi mới, nâng cao chất lượng và phát triển báo Đại Đoàn Kết, trong đó có nhấn mạnh công tác phát hành. Từ Ban trị sự ở cơ quan đến Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh, mà anh Trần Thanh Phương, Phó Tổng biên tập phụ trách, đến các phóng viên thường trú khác, đều tích cực triển khai thực hiện yêu cầu này. Ủy ban MTTQ các tỉnh nhiệt tình giúp sức và nhiều tỉnh làm tốt công tác phát hành trên địa bàn như Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ… Vì vậy, sau một hai năm, số lượng báo tăng dần, lúc cao nhất tăng gấp ba. Báo Tết cũng tăng, bán chạy. Thời điểm đó, tăng số người đọc báo in là cực kỳ quan trọng.

Nhưng bạn đọc cũng nhiều đối tượng. Số lượng yêu thích văn hóa - văn nghệ khá đông. Từ kinh nghiệm, Ban biên tập chủ trương chuyển mạnh số báo cuối tuần, cả nội dung và hình thức, với màu sắc, phong cách mới, tạo sự cuốn hút hơn, nên được bạn đọc đón nhận hơn.

Mặt khác, theo chủ trương của Đảng, cần quan tâm tới miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi nghiên cứu và cho anh em đi khảo sát, thấy nhiều tờ báo có chuyên đề dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà Mặt trận là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn nhất, quy tụ đầy đủ nhất các tổ chức, các thành phần, sao lại không có? Sau đó cho lập Dự án, hình thành Đại Đoàn Kết chuyên đề Dân tộc và miền núi của Báo Đại Đoàn Kết. Được các cơ quan liên quan nhiệt tình ủng hộ, anh chị em trong cơ quan hoan nghênh. Ban Biên tập nhanh chóng chuẩn bị lực lượng, tập dượt thử nghiệm, để ra thêm ấn phẩm này, dân có cái đọc, anh em có thêm thu nhập bằng nghề. Khi có giấy phép chính thức cũng là lúc tôi được nghỉ chế độ, các hậu nhiệm của tôi tiếp tục, đạt hiệu quả tốt.

3. Về nghỉ hưu, tôi còn thêm một số năm đi giảng dạy báo chí, qua thực tiễn và nghiên cứu, thấy báo in gặp nhiều thách thức mới. Thời tôi điều hành, vài lần họp trực tuyến với Văn phòng đại diện phía Nam tại TP Hồ Chí Minh, nhưng sóng mạng rất phập phù. Tuy không đến mức như dăm bảy năm trước, nhưng hệ thống truyền tải còn kém. Bây giờ thì hoàn toàn khác. Các phương tiện thông tin đã mạnh và cạnh tranh khốc liệt. Không kể báo in trong nước sụt giảm mạnh, ngay các nước tiên tiến, báo in cũng khó khăn, nhiều tờ báo giàu truyền thống như The New York Times, The Washington Post hay The Wall Street Journal đều giảm số lượng, sa thải bớt nhân viên, chuyển nội dung và phát hành. Người đọc cũng khác, tăng lên, nhưng báo giấy không còn độc tôn, bản in không còn quá quan trọng, vì công chúng có thể đọc, nghe, nhìn, thu nhận bằng nhiều kênh khác. Phải nghĩ sao cho thích ứng với tình hình. Đó chính là thử thách lớn với người làm báo hôm nay.

Nhân kỷ niệm 80 năm báo nhà, nhớ lại và ngẫm nghĩ, thấy nhiều điều gợi mở về nghề. Mỗi thế hệ có thời điểm của mình, làm sao thích ứng với điều kiện cụ thể, để tồn tại và phát triển, để làm nên giá trị lâu bền, mà suy rộng ra, không chỉ trong báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chút hồi ức và nghĩ về nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO