Chuyển biến tích cực qua thực hiện công tác đào tạo nghề

Gianh Lam 14/11/2018 08:00

Qua thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nhận thức của người lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực, xác định sự cần thiết của công tác đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động để tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Chuyển biến tích cực qua thực hiện công tác đào tạo nghề

Nghề sửa chữa ô tô, xe máy thu hút nhiều học viên tham gia.

Quan tâm sâu sát

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban chỉ đạo đề án của quận Ninh Kiều ngày càng được kiện toàn, triển khai nhiều kế hoạch, đưa chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của quận và 13 phường. Kịp thời triển khai rà soát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề năm 2018 sát với tình hình, nhu cầu của địa phương.

Thường xuyên kiểm tra các lớp dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, cụ thể như kiểm tra về công tác tổ chức lớp, nội dung chương trình, duy trì số lượng học viên, việc cấp giấy chứng nhận, việc kết nối các doanh nghiệp giải quyết việc làm sau đào tạo, giám sát phúc tra, điều tra cung cầu lao động, nhu cầu học nghề tại 13 phường. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và các kỹ năng trong công tác quản lý đào tạo nghề cho cán bộ ban ngành, đoàn thể quận và các phường, cấp sổ tay tuyên truyền công tác đào tạo nghề đến 13 phường.

Theo Ban chỉ đạo đề án đào tạo nghề quận Ninh Kiều, để đảm bảo được mục tiêu dạy nghề, đảm bảo tính thực tiễn, tính linh hoạt theo nhu cầu của thị trường lao động, quy trình xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình, học liệu của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận luôn được tìm hiểu thực tế ở một số doanh nghiệp, nhà quản lý lao động, các tài liệu chuyên ngành, tiêu chuẩn cấp bậc thợ của các bộ, ngành, tham khảo chương trình của một số trường, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nghề để xây dựng chương trình giảng dạy riêng.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý giáo viên cơ hữu của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận đều đạt chuẩn, cán bộ quản lý tích cực tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng về công tác đào tạo nghề, giáo viên dạy nghề được tập huấn nghiệp vụ sư phạm do các cấp tổ chức.

Đảm bảo chất lượng các lớp nghề

Từ đầu năm đến nay, quận đã thực hiện gần 15 lớp dạy nghề, với số lượng gần 500 học viên, gồm các lớp như pha chế, thiết kế đồ họa quảng cáo, trang điểm, may gia dụng, nề (kỹ thuật xây dựng), lái xe... Các lớp nghề được các trung tâm dạy nghề trên địa bàn quận đảm nhiệm. Tiêu biểu như Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành. Từ cách thức lựa chọn học viên trực tiếp theo quy định, ưu tiên cho các đối tượng 1 và 2 theo quy định của đề án 1956, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở nhiều lớp dạy các nghề nghề như pha chế thức uống, thiết kế đồ họa quảng cáo..., qua đó, đã cấp chứng chỉ cho hàng trăm học viên.

Ông Nguyễn Thành Quý- Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành cho biết chương trình đào tạo nghề được Trung tâm xây dựng và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề, sử dụng giáo trình được biên soạn theo chương trình. Người giảng dạy là giáo viên dạy giỏi ngành dạy nghề cấp thành phố, có bằng kỹ sư, tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ sư phạm dạy nghề theo đúng qui định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với lớp pha chế, giáo viên là người có nhiều kinh nghiệm trong ngành ẩm thực, có bằng thạc sỹ nữ công gia chánh, tốt nghiệp đại học Sư phạm Kỹ thuật (trên chuẩn quy định về giáo viên dạy nghề sơ cấp theo quy định hiện hành).

“Đơn vị phối hợp với Quận Đoàn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều cùng các đơn vị ở địa phương đã xây dựng mô hình phù hợp cho các đối tượng tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp cũng như công tác giới thiệu việc làm cho các học viên đến các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với nghề đào tạo”- ông Quý chia sẻ.

Ông Trần Thanh Bình- Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều cho biết: Công tác đào tạo nghề đã được sự quan tâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các phường, sự cố gắng nỗ lực của cán bộ từ quận đến phường. Ban chỉ đạo đề án đã kịp thời triển khai phân bổ các lớp đào tạo nghề năm 2018 cho các phường và trung tâm dạy nghề, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị phối hợp thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhận thức của người lao động đã có chuyển biến tích cực, xác định sự cần thiết của công tác đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động để tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Ông Trần Thanh Bình cho rằng: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các phường đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa dạy nghề, giải quyết việc làm, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia vào công tác dạy nghề, tạo việc làm, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động sau khi học nghề...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển biến tích cực qua thực hiện công tác đào tạo nghề