Truyền thông quốc tế cho rằng, chuyến công du đầu tiên của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đến châu Âu mang tính biểu tượng “nước Mỹ đã trở lại”.
Trước chuyến công du dài 8 ngày, ông Biden cho biết mục tiêu là củng cố liên minh Mỹ và châu Âu bền chặt. Truyền thông quốc tế cho rằng, chuyến công du đầu tiên của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đến châu Âu mang tính biểu tượng “nước Mỹ đã trở lại”. Ngày 9/6, ngay khi tới Anh, ông Joe Biden đã gặp gỡ và phát biểu trước các quân nhân thuộc Không quân Mỹ tại căn cứ RAF Mildenhall. Tại đây, ông Biden nói rằng, mối quan hệ xuyên Đại Tây dương giữa Mỹ và châu Âu đã mạnh mẽ trở lại mặc dù vẫn còn gặp thách thức.
Theo New York Times, “ông ấy đã chuẩn bị cho chuyến đi này 50 năm” - ý nói ngay từ khi còn trẻ mới bước chân vào các hoạt động chính trị thì ông Joe Biden đã nhen nhóm ý tưởng đồng minh chặt chẽ Mỹ - châu Âu, và tới nay trong vị trí Tổng thống, ông Biden mới có điều kiện hiện thực hóa ý tưởng đó.
Nhưng, không phải quốc gia châu Âu nào cũng tin rằng “Mỹ đã quay lại mãi mãi”, vì trên thực tế đã có những khúc quanh buồn giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), mà điều đó thì không dễ đã nguôi ngoai. Vì thế ông Biden phải làm rất nhiều để liên kết với EU trong một “mặt trận chung”, cũng như tìm tiếng nói chung như về thương mại và những vấn đề mang tính toàn cầu.
Lịch trình 8 ngày của Tổng thống Mỹ
- Ngày 9/6: Ông Biden và Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden khởi hành từ Washington D.C. Điểm dừng chân đầu tiên của ông ở Anh là căn cứ RAF Mildenhall của Không quân Hoàng gia Anh tại Suffolk. Ông gặp mặt các quân nhân thuộc Không quân Mỹ đóng tại đây.
- Ngày 10/6: Ông Biden gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson ở Cornwall, Anh.
- Ngày 11 tới 13/6: Ông Biden cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 trong 3 ngày.
- Ngày 13/6: Ông Biden và Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài Windsor. Sau đó, ông Biden lên đường tới Brussels (Bỉ).
- Ngày 14/6: Ông Biden dự cuộc gặp với các lãnh đạo NATO; gặp riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
- Ngày 15/6: Ông Biden tiếp tục dự các cuộc gặp của NATO và sau đó bay tới Geneva (Thụy Sĩ).
-Ngày 16/6: Ông Biden gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ; sau đó lên đường trở về Mỹ.
Mục tiêu hàng đầu: Củng cố liên minh xuyên Đại Tây dương
Ron Klain - Chánh văn phòng Nhà Trắng, phụ tá lâu năm của ông Biden cho biết dù trọng tâm của vị Tổng thống thứ 46 trong những tháng đầu nhiệm kỳ là giải quyết các vấn đề bên trong lãnh thổ Mỹ, chủ yếu là đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, nhưng chính sách đối ngoại vẫn luôn là một trong những ưu tiên. Thời còn làm Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama, ông Biden đã có các chuyến công cán tới hơn 50 nước trên thế giới, với tổng quãng đường di chuyển trên 1,9 triệu km, đủ để đưa ông đi vòng quanh Trái Đất 48 lần.
Củng cố liên minh truyền thống - đó là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ông Joe Biden khi ở vị trí người ra được quyết sách của nước Mỹ. Còn nhớ, trong một bài phát biểu không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1, ông Biden đã tuyên bố với các đồng minh và đối tác rằng: "Liên minh xuyên Đại Tây dương đã trở lại. Chúng ta không nhìn lại phía sau. Chúng sẽ cùng nhau hướng nhìn về phía trước".
Vì thế, công du châu Âu lần này của ông Biden được cho là đặc biệt quan tọng với Mỹ cũng như EU, và nói như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đó là điều châu Âu đã chờ đợi từ lâu. Về phần mình, ông Biden không quên khẳng định rằng củng cố liên minh với châu Âu là vấn đề ưu tiên có tính chiến lược và xuyên suốt của Nhà Trắng, khi quan hệ giữa Mỹ - châu Âu bền chặt thì G7 sẽ tiến bước.
New York Times cho rằng, dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng ông Biden vẫn còn phải nỗ lực hơn nữa để “thuyết phục châu Âu, nhất là vấn đề niềm tin cũng như phải nhanh chóng tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề về thương mại, thuế quan, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, hay là đóng góp của các nước thành viên cho NATO...”
Tìm tiếng nói chung trong “chính sách vaccine”
Trong chuyến công du của ông Biden sang châu Âu, có một nhân vật khá đặc biệt đi cùng là Jeff Zients - một trong những cố vấn chống đại dịch hàng đầu của Nhà Trắng. Điều đó cho thấy ông Biden rất quan tâm tới sự hợp tác của G7 trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mang tính toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh Delta, biến thể virus hết sức nguy hiểm hơn, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ nhưng đang là thủ phạm chính khiến dịch lây lan ở rất nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, ông Biden đã xóa được mối nguy ngờ của người châu Âu với việc Mỹ tích trữ dư thừa vaccine nhưng chậm trễ chia sẻ với thế giới. CNN cho rằng, ông Biden đã trấn an các đồng minh về vai trò của Mỹ trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 và trên thực tế đã đưa ra sáng kiến 1 tỷ liều vaccine cho toàn thế giới. Washington Post và New York Times cho biết, Nhà Trắng đã lên kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/bioNTech để tài trợ cho gần 100 quốc gia trong 2 năm tới mà không đi kèm với bất kỳ ràng buộc nào, đồng thời hứa hẹn về tạm hoãn bản quyền sáng chế với vaccine Covid-19 để dẫn dắt thế giới vượt qua đại dịch.
Theo đó, G7 đặt ra mục tiêu chấm dứt đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho tương lai thông qua việc ngay lập tức tăng cường nỗ lực quốc tế nhằm thực hiện chương trình tiêm chủng toàn cầu bằng cách tiêm các loại vaccine an toàn cho càng nhiều người, càng nhanh càng tốt. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, G7 đã cam kết cung cấp hơn 2 tỷ liều vaccine. Trong đó, có các cam kết kể từ khi G7 nhóm họp lần gần đây nhất (vào tháng 2 vừa qua) cho đến Hội nghị cấp cao lần này (11 đến 13/6 tại Carbis, Anh).
Cam kết về vaccine ngừa Covid-19 nằm trong số những thông tin nổi bật trong nỗ lực của G7 để cùng nhau chấm dứt đại dịch được nêu ra trong thông cáo chung công bố cuối hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày. Straits Times đưa ra nhận định, Covid-19 rõ ràng là vấn đề được ưu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. Thông cáo của G7 cho biết, kể từ khi bắt đầu đại dịch, các quốc gia G7 sẽ cung cấp hơn 2 tỷ liều vaccine. Con số tổng thể này bao gồm 700 triệu liều đã được xuất khẩu hoặc sẽ xuất khẩu trong năm nay. Trên hết, G7 đang cam kết chia sẻ trực tiếp ít nhất 870 triệu liều.
Thông cáo nêu rõ: “Tổng số hơn 2 tỷ liều vaccine trong tổng các cam kết của G7 kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong đó có các cam kết kể từ lần gần đây nhất chúng ta gặp nhau vào tháng 2/2021, bao gồm cả ở đây, ở Vịnh Carbis, cung cấp hơn 1 tỷ liều trong năm sau".
Theo giới chức châu Âu, con số hơn 2 tỷ liều bao gồm nhiều khoản đóng góp đã được đưa ra cũng như sẽ xuất khẩu trong tương lai.
Các cam kết mới và hiện có bao gồm: 500 triệu liều Pfizer/bioNTech do Mỹ cam kết, bắt đầu giao hàng từ tháng 8 và đến hết năm 2022, ngoài 80 triệu liều ông Tổng thống Joe Biden đã công bố trước đó; 100 triệu liều do Anh cam kết từ nhiều nhà sản xuất; 100 triệu liều được Canada cam kết khi kết thúc G7; 100 triệu liều được EU cam kết tại cuộc họp tháng trước, bao gồm 75 triệu liều từ Đức, Pháp và Italy các thành viên G7 ở EU.
Chưa dừng lại, tại G7, đã soạn Hiệp ước y tế để ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Hiệp ước mang tên "Tuyên bố Vịnh Carbis" - nơi G7 họp lần này, bao gồm loạt cam kết nhằm ngăn chặn tái diễn những hệ quả như virus SARS-CoV-2 gây ra. "Lần đầu tiên chúng tôi hợp lại với nhau để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng bất ngờ nữa. Điều đó có nghĩa là học hỏi từ những bài học của 18 tháng qua và làm khác đi trong những lần tới" - Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.
Nội dung căn bản của “Tuyên bố Vịnh Carbis” là giảm thời gian phát triển và cấp phép vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho bất kỳ bệnh nào trong tương lai xuống dưới 100 ngày, đồng thời củng cố mạng lưới giám sát toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố tăng cường năng lực giải trình tự bộ gene và hỗ trợ các cải cách để củng cố Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ý tưởng xây dựng thế giới hậu Covid
Ngày 13/6 tại Vịnh Carbis, hạt Cornwall (Anh), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) kết thúc sau 3 ngày làm việc. Một thông điệp chủ đạo của Thượng đỉnh G7 tại Cornwall là “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”. Không khó để nhận ra rằng khẩu ngữ này được truyền cảm hứng từ chủ đề chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Joe Biden: “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”.
Rất quan trọng là ông Biden đã đem tới châu Âu nhận thức về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trong thế giới ngày càng biến động. Chính vì vậy, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi ông Biden là “làn gió mới”. Thủ tướng Đức Angela Merkel coi ông chủ Nhà Trắng là hiện thân của chủ nghĩa đa phương. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi nói chuyện với ông Biden trên bờ biển Vịnh Carbis đã nhắc lại nhiều lần “nước Mỹ đã trở lại”.
Về quan hệ đồng minh, trước việc Vương quốc Anh tách khỏi EU (Brexit), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với ông Biden rằng EU đã “thống nhất tuyệt đối” về Brexit và các bên cần tuân thủ những gì đã nhất trí. Điều đó cũng có nghĩa là không vì việc Anh rời khỏi EU mà Mỹ - châu Âu không thể thiết lập quan hệ đồng minh vững chãi.
Ngay sau khi Thượng đỉnh G7 kết thúc, các nhà lãnh đạo nhóm này đã ra thông cáo “Chương trình nghị sự chung về hành động toàn cầu để xây dựng lại tốt đẹp hơn”, với việc nhất trí một chương trình nghị sự chung về hành động toàn cầu.
G7 cam kết sẽ khôi phục các nền kinh tế trong khối bằng cách thúc đẩy các kế hoạch phục hồi được xây dựng dựa trên khoản tiền hỗ trợ trị giá 12.000 tỷ USD đã được đưa ra trong thời gian đại dịch bùng phát. Cùng với đó, G7 sẽ tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế thành viên chừng nào thấy cần thiết, đồng thời chuyển hướng trọng tâm từ hỗ trợ ứng phó khủng hoảng sang thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai cùng với các kế hoạch tạo việc làm, đầu tư vào kết cấu hạ tầng...
G7 cam kết bảo vệ hành tinh thông qua ủng hộ “cuộc cách mạng xanh” nhằm tạo ra việc làm, cắt giảm khí thải và ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết đưa lượng phát thải carbon dioxide về mức 0 trước năm 2050, tăng cường và phát triển tài chính khí hậu đến năm 2025, bảo tồn và bảo vệ ít nhất 30% đất liền và đại dương vào năm 2030. G7 công nhận trách nhiệm của nhóm này trong việc bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
G7 cũng nhất trí bảo đảm sự thịnh vượng trong tương lai của nhóm cũng như tăng cường quan hệ đối tác trên toàn cầu trong khuôn khổ một hệ thống dựa trên nguyên tắc đa phương.
Đáng chú ý, G7 mong muốn làm việc với các đối tác Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và các tổ chức quốc tế liên quan để bảo đảm một tương lai sạch, xanh, tự do, công bằng và an toàn hơn cho loài người và hành tinh của chúng ta.
Với tư cách là chủ nhà G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: "Bảo vệ hành tinh của chúng ta là điều quan trọng nhất mà chúng ta với tư cách là các nhà lãnh đạo có thể làm cho người dân của mình. Chúng tôi có trách nhiệm giúp các nước đang phát triển gặt hái những lợi ích của tăng trưởng sạch thông qua một hệ thống công bằng và minh bạch. G7 có cơ hội chưa từng có để thúc đẩy cách mạng công nghiệp xanh toàn cầu - tiềm năng để thay đổi cách sống".
Trước đó, tại LHQ năm 2009, các nước phát triển đã thống nhất cùng nhau đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm vào năm 2020 để tài trợ các vấn đề khí hậu cho các nước nghèo hơn, nhiều nước trong số này đang phải vật lộn với tình trạng nước biển dâng, mưa bão và hạn hán ngày càng tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Nhưng mục tiêu đó đã không đạt được, một phần do đại dịch Covid-19 khiến London phải hoãn Hội nghị Biến đổi khí hậu của LHQ (COP26) cho đến năm nay.
Ông Biden nói gì về ông Putin và ngược lại?
Trong khuôn khổ chuyến công du 8 ngày tới châu Âu, thì ngày cuối cùng, ngày 16/6, trước khi lên đường về Mỹ ông Biden gặp Tổng thống Nga Putin. Đây là cuộc gặp được giới quan sát chính trị thế giới đặt nhiều chú ý và cho rằng sẽ rất căng thẳng.
Trước đó, sau khi làm việc với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương NATO, ông Joe Biden cho biết ông sẽ vạch ra "lằn ranh đỏ" với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp giữa hai bên, đồng thời gọi ông chủ Điện Kremlin là "cứng rắn" và "một đối thủ xứng tầm".
“Cuộc gặp của chúng tôi là "quan trọng" trên tinh thần hợp tác trên các lĩnh vực cho chung lợi ích nếu Điện Kremlin lựa chọn như vậy”- ông Biden nói và cho biết thêm rằng đã nói rõ với Tổng thống Nga rằng có những lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác nếu ông Putin quyết định làm điều đó. “Tôi không tìm kiếm xung đột với Nga, nhưng chúng tôi sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục các hoạt động có hại" - ông Biden nói và trên thực tế đã làm rõ với ông Putin "đâu là lằn ranh đỏ" trong cuộc gặp ngày 16/6.
Về phần mình, ông Putin khen ông Biden là nhà đàm phán “chuyên nghiệp” và rất hiểu vấn đề. "Ông Biden là người chuyên nghiệp, và bạn cần phải hết sức cẩn thận khi làm việc với ông ấy để không bỏ sót điều gì đó" - ngày 17/6, Tổng thống Putin phát biểu trước sinh viên Nga sau khi trở về từ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Biden ở Geneva trước đó một ngày, theo CNN. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhận xét ông Biden hiểu rõ mọi vấn đề. "Ông ấy rất tập trung, ông ấy biết mình muốn điều gì và đạt được nó một cách rất khéo léo. Các bạn có thể cảm nhận được đặc điểm đó ngay lập tức" - ông Putin nói thêm.
Rất ít thông tin về cuộc gặp Thượng đỉnh Biden - Putin. Tuy nhiên theo truyền thông Mỹ, hai lãnh đạo đã thảo luận nhiều vấn đề như kiểm soát vũ khí, vấn đề an ninh mạng, tình hình chiến sự Ukraine và Syria, sự cố xung quanh nhân vật Alexei Navalny. Cuộc gặp diễn ra trong vòng 3,5 giờ, tuyên bố chính thức cho biết họ đồng ý tham gia vào một cuộc đối thoại song phương về "ổn định chiến lược" nhằm giảm nguy cơ xung đột không chủ ý và hạn chế vũ khí hạt nhân.
Nhóm G7 là 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada. Chức chủ tịch của nhóm G7 được các quốc gia thành viên lần lượt nắm giữ.
Tháng 11/1975, Hội nghị cấp cao đầu tiên của các nước giàu (sau này là G7) được tổ chức. Tham gia có Thủ tướng hoặc Tổng thống 6 nước là Anh, Pháp, Cộng hoà liên bang Đức, Italy, Mỹ và Nhật Bản. Sau đó, tháng 6/1976, cuộc họp thứ hai được tiến hành, ngoài 6 nước trên có thêm Canada. Từ đây, nhóm G7 được chính thức hình thành. G7 là một trong những tổ chức được cho là “có giá” nhất hành tinh. Hội nghị Thượng đỉnh G7 là hình thức phối hợp chính sách tác động vào đời sống kinh tế quốc tế. Mục đích chính của nhóm G7 là thảo luận, và đôi khi là phối hợp hành động để tìm ra cách giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề kinh tế.