Chuyện của Lụa

An Chi 25/12/2016 09:50

Ánh mắt nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa buồn hẳn khi chúng tôi hỏi về những chấn thương mà cô phải chịu đựng suốt chục năm qua. Lụa bảo, cô gần như phải “sống chung với lũ”, vì nếu phẫu thuật, có khi mất luôn sự nghiệp. Đời VĐV cũng chỉ kéo dài hơn chục năm, nên tranh thủ thi đấu để có chút tiền thưởng thành tích mang về cho gia đình, chứ giờ mà nghỉ thì coi như tay trắng...

Chuyện của Lụa

Đô vật Nguyễn Thị Lụa trong một trận thi đấu.

Đô vật nữ

Bẵng đi một thời gian dài từ Olympic 2016, chúng tôi gặp Lụa tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội. Vẫn khuôn mặt có nét khắc khổ ấy, vẫn dáng người trông rất nặng nề của một VĐV vật ấy, nhưng Lụa yếu hơn nhiều so với trước kia. Hỏi ra mới biết cô gái quê Hà Tây (cũ) vừa tiến hành phẫu thuật dây chằng đầu gối.

Nhưng dây chằng mới chỉ là vấn đề nhỏ của mức chấn thương phức tạp của Á quân ASIAD 2014. Lụa vẫn chưa thể xử lý dứt điểm cái đầu gối, cụ thể là chấn thương sụn.

Đây là chấn thương thường thấy của các VĐV cũng như cầu thủ bóng đá, nhưng không phải ai cũng được chữa trị tốt nhất bởi chi phí cao và rủi ro cũng nhiều.

“Tôi bị đứt dây chằng chéo trước từ năm 2009, bác sĩ khi đó đã chỉ định phải mổ. Tuy nhiên, rất nhiều vận động viên sau khi phẫu thuật không thể trở lại thi đấu đỉnh cao nên tôi sợ, chấp nhận cảnh vừa chấn thương vừa tập luyện và thi đấu”, Nguyễn Thị Lụa chia sẻ.

Mới quyết định lên bàn mổ cách đây 1 tuần, Lụa bảo rằng do năm tới SEA Games không có môn vật nên cô quyết định xử lý dứt điểm chấn thương dây chằng. Tuy nhiên, vẫn còn những chấn thương khác đáng ngại hơn đang chờ hướng xử lý.

Hiện tại, Lụa vẫn chung sống với chấn thương vai và gối (sụn). Các bác sĩ từng chẩn đoán Lụa phải phẫu thuật gấp nếu muốn sau này không có hệ lụy.

Tuy nhiên, cô gái sinh năm 1991 xác định rằng nếu phẫu thuật bây giờ thì có thể sự nghiệp sẽ kết thúc. Lụa cho biết: “Nếu mổ, tôi sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi, do đó sẽ ảnh hưởng đến tập luyện và khó có cơ hội lấy lại được phong độ như ban đầu. Khi đó, rất có thể đã chẳng thể giành vé đến Rio. Tôi quyết định sẽ mổ vào thời điểm giải nghệ...”.

Nói là nói vậy, nhưng nếu có cơ hội, Lụa vẫn muốn xử lý dứt điểm để chuẩn bị cho tương lai của mình, có thể là sẽ làm HLV sau khi nghỉ thi đấu.

Theo HLV trưởng đội tuyển vật Đới Đăng Hỷ, chấn thương đầu gối của Lụa rất phức tạp và cần được kiểm tra, theo dõi kỹ. Trước khi phẫu thuật lần 2 để xử lý sụn, các bác sĩ sẽ phải hội ý thông quá các hình ảnh chụp phim.

Về vấn đề kinh phí, ông Hỷ mong rằng Tổng cục TDTT cũng như Trung tâm HLTTQG sẽ có sự hỗ trợ cao nhất có thể bởi Lụa là VĐV hàng đầu khu vực, từng giành nhiều huy chương trên đấu trường quốc tế cho vật Việt Nam.

Ai tập môn vật cũng đều dính chấn thương, nhẹ thì đau vai, đau khớp... nặng thì gãy cột sống, bại liệt. Lụa thì dính đủ loại chấn thương nặng nhẹ khác nhau.

Môn vật thi đấu đối kháng, chưa kể các VĐV tập luyện rất khắc nghiệt nên không tránh khỏi chấn thương. Có một chấn thương mà cứ mỗi lần nhắc lại Lụa đều cười ngượng ngùng.

Số là trong lần tập luyện, Lụa bị đồng đội lao đầu vào nên gãy đến 4 cái răng. Chấn thương được coi là khá năng và ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe cũng như nhan sắc của Lụa. Từng được đưa đi làm lại răng, nhưng trong quá trình tập luyện căng thẳng, Lụa lại bị vỡ chính những cái răng đó.

Từ chuyện chấn thương của Lụa mới thấy, dù có là VĐV trọng điểm của ĐTQG, thì cô vẫn chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi. Ở đội tuyển vật chẳng ai là không dính vài ba chấn thương,và hầu hết đều chỉ biết chấp nhận, hoặc đứng giữa hai lựa chọn mổ có nguy cơ giải nghệ hoặc chịu những cơn đau hành hạ hết năm này sang năm khác nhưng không bị... thất nghiệp.

Lại mất huy chương vì... quá mạnh

Hai lần giành vé tham dự Olympic, đoạt ngôi Á quân ASIAD, giành vô số thành tích ở giải khu vực, châu lục và cả thế giới, vì thế mà mỗi khi SEA Games diễn ra, Nguyễn Thị Lụa vẫn được gọi là “độc cô cầu bại”.

Cũng vì không có đối thủ nên Lụa không ít lần mất huy chương ở giải đấu “ao làng” theo những kịch bản cười ra nước mắt. Tính đến SEA Games 2015, chị coi như đã bị mất trắng 4 tấm HCV ở 4 kỳ SEA Games vì đủ các lý do.

Nghịch cảnh bắt đầu từ SEA Games 2007 khi Lụa sớm thể hiện sự vượt trội với một đồng đội cùng hạng cân 48kg nhưng đến khi công bố danh sách dự SEA Games ở Thái Lan lại không có tên một cách khó hiểu.

Trong 2 kỳ SEA Games 2009 và 2011 do nội dung của Lụa không được tổ chức. “Đen” nhất là tại SEA Games 2009 khi các đối thủ nhìn thấy Lụa đăng ký ở hạng 48kg đều “bỏ chạy” lên đăng ký ở hạng 51kg khiến hạng cân này phải hủy bỏ.

Phải đến mãi SEA Games 2013, Lụa chuyển lên thi đấu ở hạng 51kg để… “giải đen” và thành công với quyết định này. Dù phải đôn lên 3kg nhưng đấu trường Đông Nam Á vẫn quá nhỏ so với tài năng của Lụa nên thắng tuyệt đối tất cả đối thủ ở cùng hạng cân, trong đó có trận chung kết chỉ mất đúng 33 giây.

Thế nhưng sự đen đủi vẫn không tha Lụa bởi SEA Games 2015, nước chủ nhà Singapore lại loại cả môn vật ra khỏi chương trình thi đấu. Rồi đến năm 2017, môn vật tiếp tục không có trong chương trình thi đấu vì Lụa và các VĐV vật Việt Nam quá mạnh.

Điều này cũng có nghĩa, tấm huy chương mang lại số tiền thưởng lớn nhất trong năm của Lụa sẽ phải đợi thêm 2 năm nữa, nhưng cũng chẳng biết BTC nước chủ nhà có tiếp tục loại môn vật hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện của Lụa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO