Chuyện dài giáo dục thể chất

Sỹ Minh 08/11/2015 09:15

Chưa có một thống kê chính thức về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất ở các nhà trường, song theo đánh giá hiện nay của đa số các trường, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho môn học Giáo dục thể chất còn nhiều hạn chế nếu không muốn nói là lạc hậu. Và dường như các trường vẫn chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của môn học này…

Không nhiều trường có sân rộng để tổ chức hoạt động thể dục, thể thao.

Những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cải cách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất (GDTC) nhưng dường như vẫn chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của môn học này. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi việc giáo dục con người toàn diện được đặt lên hàng đầu thì sức khoẻ học sinh càng cần được quan tâm.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, bài tập nghèo nàn

Chưa có một thống kê chính thức về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất ở các nhà trường song theo đánh giá hiện nay của đa số các trường, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho môn học GDTC còn nhiều hạn chế nếu không muốn nói là lạc hậu. Trước đây, khi quy hoạch và xây dựng nhà trường, người ta ít tính đến không gian dành cho học sinh tập thể dục.

Theo nhiều giáo viên môn GDTC thì khi học môn này phải có được trạng thái thoải mái, thậm chí ồn ào. Nếu chỉ có một sân trường chung, bao quanh là các lớp học thì việc tập thể dục buộc phải giữ trật tự. Chưa kể có khi 2-3 lớp cùng có tiết thể dục xuống sân, lớp này phải nhường lớp kia, nên các em chỉ có thể tập nhẹ tại chỗ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng môn học cũng như làm giảm đi tính hứng thú đối với các hoạt động thể thao.

Dù ông Nguyễn Hữu Độ- Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội khẳng định ở Hà Nội mỗi trường đều có nhà thể chất với thiết kế tiêu chuẩn. Nhưng có thể nói ở Hà Nội số trường có nhà thể chất không nhiều, thậm chí đến cả sân trường nhiều nơi còn nhỏ hẹp thì lấy đâu ra chỗ cho rèn luyện thể chất.

Hơn nữa, theo khảo sát của phóng viên, một số trường lại tận dụng nhà thể chất vào việc khác. Ví dụ Trường THPT N.P.S cho thuê phòng thể chất làm trung tâm tập bóng bàn. Học sinh trường này cho biết, chỉ ngày mưa chúng em mới vào nhà thể chất còn ngày thường thì tập ngoài sân. Trường PTCS N.Đ.C cho thuê làm phòng tập gym và dạy võ. Được biết qua sự phản ánh của dư luận, mới đây trường đã chấm dứt cho thuê, dành phòng tập cho học sinh, được các bậc phụ huynh tán thành.

Ảnh: Hồ Lài.

Tham khảo một số tiết học thể dục ở các trường mới hiểu vì sao học sinh lại không yêu thích môn học này. Vẫn những bài tập cũ như mấy chục năm về trước, đầu tiên cả lớp khởi động, tập mấy bài tập chân, tay, vai, bụng… rồi chia nhóm chạy thi cự ly ngắn, sau đó chạy quanh trường học vài vòng. Có thầy cô còn ngồi ôm điện thoại nhắn tin, lướt facebook, cử lớp trưởng đứng hô một hai ba bốn … còn các bạn uể oải khua tay, vung chân. Tập xong nghỉ tại chỗ, học sinh cũng lấy điện thoại ra chơi, loanh quanh một lát là hết tiết.

Hỏi chuyện học sinh, nhiều em cho rằng tiết thể dục đơn giản là được ra sân nói chuyện thoải mái. Nếu nhà trường tổ chức dạy Airobic, hip hop, dance sport hoặc võ thuật, bóng rổ, bơi lội… chúng em thấy thiết thực và hấp dẫn hơn. Được biết, những môn này nhiều trường cũng có dạy nhưng là tổ chức theo dạng câu lạc bộ, ai học thì đóng tiền chứ không dạy đại trà.

Về phía giáo viên, theo nhận xét của hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội, đội ngũ giáo viên trong các trường học còn thiếu và yếu, đặc biệt ở cấp tiểu học. Theo thầy giáo Hà Huy Lâm – người cả đời gắn bó với công tác thể dục thể thao, nguyên giáo viên thể dục Trường PTTH Đoàn Kết thì yêu cầu cơ bản đối với môn giáo dục thể chất là phải có chuyên môn sâu. Tuy nhiên hiện nay, theo thống kê thì chỉ có khoảng hơn 10% trường tiểu học có giáo viên chuyên trách môn thể dục. Đã có những trường hợp học sinh bị bệnh tim hay thấp khớp mà giáo viên không nắm được vẫn yêu cầu chạy tốc độ và cự ly như các bạn khác dẫn đến những tai nạn đáng tiếc mà báo chí phản ánh.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, được biết Bộ GD&ĐT đã đặt mục tiêu năm 2015 là phải chuẩn hoá giáo viên dạy GDTC, không còn giáo viên trình độ trung cấp và sơ cấp; đến năm 2020 đảm bảo 100% các trường phổ thông có giáo viên chuyên trách phụ trách môn GDTC tốt nghiệp chuyên ngành GDTC (đặc biệt đối với bậc tiểu học).

Cần coi GDTC ngang bằng các môn học khác

Trong đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” đã chỉ rõ vai trò quan trọng của giáo dục thể chất và chăm sóc Thể dục thể thao trong các trường học đối với sự phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam. Theo thông tin mới đây từ Viện dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á.

Cụ thể, trong 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng, còn một nguyên nhân rất cơ bản là do lười vận động. Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí, Viện khoa học thể dục thể thao Việt Nam cho rằng đó là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Theo ông Chí, rèn luyện thể lực không chỉ nâng cao tầm vóc mà còn rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên khi bước vào tuổi lao động, đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, hoạt động thể dục, thể thao còn giúp các em tự tin, giao tiếp tốt hơn.

Thầy Hà Huy Lâm phân tích: Các nước trên thế giới rất coi trọng rèn luyện thể chất cho học sinh. Ví dụ trong các trường công lập ở Anh, thể thao là con đường tuyệt vời để đào tạo các nhà lãnh đạo trong tương lai. Vì thế các trường công lập đều quy định vào 3 buổi chiều hàng tuần tất cả học sinh đều tham gia tập thể dục 2-3 giờ. Tất nhiên, các môn tập đều rất hấp dẫn.

Ở nước ta hiện nay, mặc dù công tác này đã có nhiều cải thiện song trên thực tế thể dục vẫn được coi là môn phụ, mỗi lớp một tuần chỉ có 1-2 tiết với các bài tập nhàm chán. Theo thầy Lâm, trong mỗi giờ lên lớp, giáo viên nên áp dụng phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu, khích lệ để các em có động lực tập luyện. Đồng thời, cũng cần đề cao vị trí môn học GDTC như những môn học khác…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ- Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu dạy học sinh thành nhân trước khi thành tài. Theo đó, tất cả các nhà trường học đều có giáo viên chuyên dạy thể chất đạt tiêu chuẩn, chú trọng đổi mới nội dung môn học.

Thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới 2015- 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, bài võ cổ truyền trong các trường phổ thông. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển giáo dục toàn diện đối với học sinh phổ thông không thể thiếu vai trò của giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, trong đó có việc duy trì đều đặn hoạt động tập thể dục, tập luyện các bài võ cổ truyền.

Xem ra giáo dục thể chất trong trường học vẫn là câu chuyện dài. Nó chỉ được giải quyết khi môn học này được đặt ngang bằng với những môn học khác. Và như thế, chúng ta mới có một nền giáo dục toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện dài giáo dục thể chất