Xuất hiện chừng gần chục năm trở lại đây, những quán cà phê võng có dịch vụ ngủ qua đêm nằm trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người lao động, người nghèo, người lỡ độ đường...
Ở đó, chỉ mất có 15 đến 20 ngàn đồng, họ sẽ có điểm dừng chân, có chỗ ngủ và cả ly nước uống để qua đêm. Thậm chí có quán võng đêm còn cho cả khách tắm ở phía sau. Những ngày cuối năm, nằm trên chiếc võng giản đơn, nhìn những phận người tha phương chìm vào giấc ngủ chập chờn mà thấy buồn vui lẫn lộn.
Giấc ngủ nhọc nhằn
Với nhiều người, đặc biệt là khách du lịch thì Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh về đêm mang một vẻ lãng mạn, yên bình. Nhưng với nhiều người khác, ban đêm ở thành phố này là một cuộc mưu sinh. Ở đó, không chỉ có ánh đèn mà có cả nước mắt.
Bởi, không có điều gì vất vả hơn khi ban đêm, nhất là những ngày cuối năm, người ta vẫn phải bươn chải ngoài đường. Anh Đặng Văn Hùng, 32 tuổi ở xã Long Thạnh (huyện Thủ Thừa, Long An) cho biết, anh làm nghề chạy xe grab mấy năm nay. Hàng ngày, anh từ dưới nhà lên khu Bình Chánh, Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) để đón khách.
“Bình thường, khoảng 6-7 giờ tối là mình khóa mạng để chạy xe về nhà. Quãng đường không xa lắm, chỉ khoảng gần 50 chục cây số nên 8 giờ tối là tới nhà. Nhưng nhiều khi khách đặt cuốc xe xa, như qua quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè rồi lại có khách nổ tiếp, không kịp để về nhà thì mình đành ghé quán võng ở đây để ngủ. Chỉ mất 20 ngàn đồng mà có chỗ gửi xe, uống nước và ngủ khá tiện ích. Rẻ hơn rất nhiều so với nhà nghỉ (qua đêm thường 150 ngàn đồng)”, anh Hùng kể.
Cũng theo người đàn ông này, từ ngày có dịch vụ ngủ võng đêm, anh cảm thấy an tâm và thoải mái chạy xe vì trước kia, thường chiều tối là anh lo chạy về quê vì lỡ ngủ lại thành phố, thuê nhà nghỉ sẽ mất cả tiền lời lãi một ngày. Nếu vạ vật ngủ lề đường, vỉa hè thì cũng mệt mỏi, ngày mai sẽ khó lòng mà chạy xe tiếp được. Còn chạy xe từ thành phố về quê ban đêm rất nguy hiểm, đường vắng không an tâm.
Một khách ghé quán võng đêm khác, anh Đặng Văn Quang, 28 tuổi quê ở dưới Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) buồn buồn bảo mấy năm nay anh cùng bạn trong ấp lên thành phố làm nghề sơn nước. “Trước kia mình làm công trình bên Thủ Đức cũng có thuê nhà trọ với mấy bạn nhưng tuần trước có người gọi làm công trình ở bên phường Tân Tạo này.
Công trình này nhỏ, hai người làm chỉ 2 tuần là xong nên không muốn thuê phòng trọ vì gần Tết rồi. Làm xong cái này là về quê luôn. Năm nay ít việc, chẳng dư dả gì nên giờ bỏ ra mỗi người tám trăm ngàn thuê phòng trọ cũng chỉ tối về ngủ mà qua Tết chủ nhà vẫn tính tiền thì tiếc lắm. Thế nên hai anh em đi làm sơn, ăn cơm hộp rồi tối ra đây gọi ly cà phê uống rồi ngủ.
Ngày mai lại đi làm tiếp. Mấy hôm đầu thấy cũng bất tiện nhưng giờ cũng quen. Hết tuần tới xong việc là chạy xe về quê luôn”, anh Quang kể. Cũng theo người đàn ông này, cả năm đi làm sơn nước trên thành phố nhưng do dịch bệnh, anh hầu như không dư tiền. Cuối năm có công trình, anh cố làm chăm chỉ và tiết kiệm với hy vọng để dư khoảng ba bốn triệu đem về cho vợ con dưới quê có cái Tết tươm tất.
Thực tế, hầu hết những khách ghé quán võng đêm đều chỉ có một mục đích duy nhất là ngủ. Dường như, họ đã có một ngày dài mệt nhọc và những cánh võng kia là điều mà nhiều người mong chờ. Đó là lý do mà những dãy võng dài kê san sát nhau, chúng tôi chỉ thấy những phận người chìm vào giấc ngủ giữa tiếng quạt máy kêu vo vo đều đặn.
Ngoài đường, thỉnh thoảng tiếng còi xe container như xé toang màn đêm, khiến một vài khách bị giật mình, trở ngang trên cánh võng... Chiếc võng lại đung đưa, đung đưa chìm vào giấc ngủ nhọc nhằn.
Tình người bên cánh võng
Những quán cà phê võng ở ven quốc lộ 1A này đều có đặc điểm chung là có võng mắc san sát nhau, có khoảng trống phía sau để khách cất xe và có cả chỗ cho khách tắm nếu cần. Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ một quán cà phê võng đêm ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân) chia sẻ, bà bán cà phê, nước uống cho khách ven quốc lộ 1A từ mấy chục năm nay rồi.
“Do đây là đường quốc lộ lại chạy thẳng về miền Tây nên ban đêm có rất đông người xe qua lại. Trước kia, tôi bán tới 9, 10 giờ đêm là nghỉ nhưng sau thấy có nhiều người họ ngồi ban đêm nên lại bán cả đêm. Khách ghé quán nếu gọi nước uống (giá từ 15.000 đến 20.000 đồng tùy loại) thì nằm võng ngủ miễn phí. Ngủ tới sáng hôm sau dậy cũng được”, bà Tâm cho biết.
Cũng theo chia sẻ của bà, trước kia khách ghé quán võng đêm để ngủ hầu hết chỉ là đàn ông. Ngoài những người chạy xe ôm, người bán hàng nhỏ lẻ ven thành phố lỡ đường hay những người làm việc ban đêm thì thời gian gần đây, nhiều người già, phụ nữ, trẻ em cũng ghé quán ngủ đêm.
“Đợt rồi nhiều người bị mất việc vì Covid-19, cuộc sống khó khăn. Họ phải đi làm thuê làm mướn lấy tiền về quê. Trong thời gian ấy không có chỗ ở, buổi tối họ ghé lại đây ngủ đêm vì giá rất rẻ. Có mấy gia đình bảo họ chỉ cần nán lại thành phố thêm một tuần nữa rồi về. Nhìn cảnh vợ chồng con cái ôm nhau ngủ trên võng mà tôi không cầm được nước mắt”, bà cho biết thêm.
Theo người phụ nữ hơn 60 tuổi này, do tâm lý của nhiều người khi vào quán cà phê ngủ sợ mất đồ đạc, xe cộ nên bà thuê thêm cậu cháu để phụ và trông đồ đạc cho khách. “Họ đều là người nghèo, khổ quá mới phải vào quán võng ngủ qua đêm. Nếu sáng ra mà mất đồ đạc thì tội lắm. Nên quán của tôi canh chừng rất chặt, xưa nay chưa ai kêu mất mát tý đồ đạc nào. Mấy bữa trời mưa tháng trước, muỗi nhiều mình còn phải đốt nhang muỗi ở xung quanh để khách họ ngủ ngon hơn”, bà chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những quán cà phê võng đêm này mở bán suốt ngày. Ban ngày họ vẫn bán cà phê, nước uống cho khách như bình thường. Chỉ khác là các quán thường đóng cửa lúc tối thì nhiều quán ở đây mở qua đêm. Các quán cũng ghi rõ số tiền để khách biết và an tâm hơn khi ghé quán ngủ, nghỉ và uống nước.
Đặc biệt hơn, sau khi những quán ở khu vực quốc lộ 1A đoạn qua Bình Tân thu hút rất đông khách, hiện nay dịch vụ võng ngủ đêm ở Thành phố Hồ Chí Minh được mở thêm rất nhiều. Hầu hết các quán này ở các chợ đầu mối như Bình Điền, Tam Bình, Hóc Môn...
Do đặc thù, hầu hết các chợ đêm này đều hoạt động chủ yếu ban đêm gần sáng nên những quán võng này cũng chỉ hoạt động ở thời điểm đó. Cũng khác với những quán ven quốc lộ có nhiều người ở khắp nơi thì quán ngủ đêm tại các khu chợ đầu mối chỉ có những công nhân, người buôn bán trong chợ. Họ chỉ coi quán là nơi “ngả lưng”, ngủ tạm một chút trước khi chờ bạn hàng, hoàn tất cuộc mua bán mà thôi.
Nếu ai từng lang thang những con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh vào đêm mới hiểu hết ý nghĩa của “thành phố không ngủ” khi vẫn còn hàng ngàn con người, với đủ thứ công việc mưu sinh. Với họ, những chiếc võng bình dị kia không chỉ là nơi nương náu một giấc ngủ mà còn che chở họ qua một quãng đời gian khó. Ở đó, nơi mà họ có thể an tâm ngủ sau một ngày dài mệt mỏi mưu sinh.