Kinh tế

Chuyển đổi số ngành logistics: Không thể chần chừ thêm nữa

Thanh Xuân 20/07/2024 11:31

Chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành logistics. Bởi nếu không bắt nhịp với số hóa, các doanh nghiệp ngành này sẽ bị giảm sức cạnh tranh, thậm chí mất chỗ đứng ngay trên sân nhà.

anhtren.jpg
Chuyển đổi số ngành logistics cần phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa. Ảnh: Quang Vinh.

Nhận diện thách thức

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 20 - 25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ, dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty dịch vụ logistics.

Mặc dù có nhiều điều kiện để phát triển, tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Một trong những thách thức đầu tiên được nhiều chuyên gia chỉ ra, đó là vấn đề pháp lý, do chính sách và văn bản pháp luật trong ngành logistics chưa được thực hiện một cách chi tiết và đồng nhất, gây nên sự mơ hồ và đôi khi còn gây xung đột trong thực thi.

Bên cạnh đó là hạ tầng giao thông và logistics. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ, không tạo ra hệ thống vận chuyển đa phương thức cần thiết, dẫn đến hạn chế trong trung chuyển hàng hóa giữa các phương thức vận tải. Ngoài ra, các DN logistics vẫn gặp khó khăn về quy mô hoạt động, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, gây ra sự khó khăn trong việc cạnh tranh và cung cấp dịch vụ hiệu quả.

Tất cả những điểm nghẽn nói trên khiến cho mục tiêu số hóa của ngành logistics đang gặp khá nhiều rào cản.

Một cuộc khảo sát của Bộ Công thương đưa ra những con số cho thấy, sự tiếp cận với môi trường số của các DN ngành logistics đang còn những khoảng cách khá xa. Theo đó, 90,5% các DN dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các DN đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%. Chỉ có 5% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và một con số vô cùng "khiêm tốn" 0,4% DN đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.

Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn chung, hiện tại trên thị trường, các DN dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm DN lớn. Trong khi đó, có tới 90% các DN dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Những con số biết nói

Mặc dù được lọt vào top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới song ngành logistics nước nhà được đánh giá là vẫn còn những điểm nghẽn như: Vận tải hàng hóa trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao, năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, dù chuyển đổi số có nhiều kết quả tích cực nhưng cơ bản vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Không phủ nhận, thời gian qua, nhiều DN trong ngành cũng đã nỗ lực, chú trọng mở rộng mạng lưới dịch vụ, hệ thống kho bãi, tiện ích, đẩy mạnh phát triển công nghệ, số hóa... để tăng năng suất.

Trong đó phải kể đến Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã xây dựng nền tảng bản đồ Vmap và cơ sở dữ liệu địa chỉ thời gian thực để định vị và gán mã cho địa chỉ hộ gia đình. Nền tảng mã địa chỉ bưu điện có khả năng số hóa và định vị chính xác khách hàng để cung cấp thông tin cho các DN thuộc các ngành, lĩnh vực, dịch vụ có nhu cầu tìm kiếm, góp phần tối ưu hóa việc chuyển phát từ người gửi đến người nhận của các doanh nghiệp bưu chính, vận tải, logistics và thương mại điện tử.

Với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, sau khi áp dụng thành công cảng điện tử và lệnh giao hàng điện tử, các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến, Tân Cảng Sài Gòn đã giảm 55% thời gian tàu có mặt tại cảng; thời gian giao hàng giảm còn 3/4; giảm 60% số vụ mất an toàn lao động và an toàn giao thông.

Dù vậy, do phần lớn các DN có quy mô nhỏ, nguồn vốn có hạn, nên số DN đẩy mạnh đầu tư công nghệ, số hóa là không nhiều. Nhìn toàn ngành logistics Việt Nam, tỷ lệ DN đạt được bước chuyển mình mạnh mẽ còn ít.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh, là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh “chuyển đổi số” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng... Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng DN dưới góc độ kinh tế và chất lượng dịch vụ mà còn tác động chung đến toàn ngành logistics cũng như nền kinh tế.

Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành logisitics, giới chuyên gia cho rằng, về phía Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, lãi vay để hỗ trợ các DN logistics có điều kiện đầu tư vào mạng lưới kho bãi, hệ thống phân loại hàng hóa, thiết bị tự động hóa với năng suất cao; Có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ vốn vay và lãi vay ưu đãi cho các công ty startup về giải pháp công nghệ số, nhằm giúp các DN logistics có thể mua hoặc thuê giải pháp từ các DN cung cấp phần mềm khi chưa có đủ khả năng tài chính. Đặc biệt, cần nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics...

Còn về phía DN trong ngành, cần nâng cao nhận thức về tính cấp bách của chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là tất yếu, không thể chần chừ thêm nữa nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường.

Thống kê cho thấy, Việt Nam đang có hơn 30.000 DN đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó, DN trong nước chiếm 89%, còn 10% là DN liên doanh và 1% là DN có vốn nước ngoài. Song đa phần các DN trong nước còn hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số ngành logistics: Không thể chần chừ thêm nữa