Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Thúy Hằng 14/11/2023 18:39

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, ngành Thuế xác định chuyển đổi số bằng các giải pháp phát triển công nghệ thông tin ngành Thuế trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tích hợp, tập trung, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; 250 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện qua Cơ chế Một cửa quốc gia... Các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước và giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân; đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng…

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm cần sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương; chuyển đổi số là quyết tâm chính trị của người đứng đầu.

Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Thuế xác định các giải pháp phát triển công nghệ thông tin ngành Thuế trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tích hợp, tập trung, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

“Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. Tổng cục Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cần phải cung cấp dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để giúp họ tham gia quá trình chuyển đổi số”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Để có được sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, các yếu tố đóng vai trò quyết định, đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ; cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế. Cùng với đó là sự đồng hành của người nộp thuế trong công tác chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế.

Trong lĩnh vực hải quan, đến nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử với 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc; 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai thông quan, với thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây.

Ông Nguyễn Bắc Hà - Trưởng ban Hội viên và Đào tạo, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với ngành Thuế và Hải quan, cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự quyết tâm cao, tinh thần đổi mới sáng tạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong xây dựng và cải cách các mô hình quản lý phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin.

Theo ông Nguyễn Bắc Hà, những cải cách đó đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoàn thành các thủ tục hành chính, giảm bớt quá trình giao dịch trực tiếp giữa cán bộ ngành thuế và hải quan với người dân và doanh nghiệp, tỷ lệ các thủ tục hành chính qua nền tảng trực tuyến ngày càng tăng...

Trong khi đó chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho biết, chuyển đổi số của ngành Thuế và Hải quan đã có những tác động rất tích cực với người dân và doanh nghiệp, qua đó đã tạo ra những ấn tượng sâu sắc.

Ông Cấn Văn Lực cho biết, ngành Thuế liên quan đến 907 nghìn doanh nghiệp và khoảng 28 triệu người dân. Trong đó, lĩnh vực hải quan liên quan đến khoảng 80 nghìn doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện đã có 64,7 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký vào hệ thống dịch vụ công một cửa liên quan đến xuất nhập khẩu. Với sự ảnh hưởng này, chuyển đổi số sẽ có sự lan tỏa rất lớn và người dân sẽ được thụ hưởng từ việc này.

Theo vị chuyên gia này để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của thuế, hải quan, cần phải có chiến lược, quy trình, tự động hóa thêm và phải giảm thiểu rủi ro trong sai sót, tác nghiệp. Bên cạnh đó là giải pháp về công nghệ, chọn loại công nghệ nào và đầu tư vào công nghệ như thế nào cho phù hợp. Đây là bài toán cần phải tính toán rất kỹ lưỡng, gắn với các câu chuyện về công nghệ và an ninh mạng, do đây là vấn đề rất quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO