Nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai, để người dân được quyền giám sát các hoạt động tiếp nhận, phân bổ tiền hàng cứu trợ, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị vừa đưa vào sử dụng Cổng thông tin Cứu trợ - thiện nguyện (gọi tắt Cổng Cứu trợ).
PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị để hiểu rõ hơn về ứng dụng này.
PV: Thưa ông, vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị đã đưa vào sử dụng ứng dụng Cổng Cứu trợ. Xuất phát từ đâu mà Mặt trận tỉnh Quảng Trị cho ra đời cổng thông tin này?
Ông Đào Mạnh Hùng: Trong năm 2020, tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra các đợt mưa lớn, lũ chồng lũ, bão chồng bão, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, ngập lụt. Thiệt hại do mưa lũ gây ra hết sức nặng nề cả về người và tài sản.
Giữa thời điểm bão lũ vừa mới qua đi, Ban cứu trợ - Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ cùng với hệ thống của mình ở cấp huyện, xã tổ chức đón tiếp và hỗ trợ cho 5.069 đoàn cứu trợ, thiện nguyện đến cứu trợ nhân dân.
Sự động viên, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân vào thời điểm đó là những tấm lòng vàng hết sức trân quý. Tuy nhiên, công tác cứu trợ, thiện nguyện trên thực tế cũng phần nào đã phát sinh nhiều bất cập như các nguồn thông tin qua mạng xã hội thiếu chính xác và không có căn cứ xác minh, kiểm chứng; hoạt động thiện nguyện ở nhiều nơi mang tính tự phát, trợ giúp chưa đến được với đối tượng đang cần.
Mặc khác, hàng hóa trợ giúp cho người dân vùng bị thiên tai thứ thì quá nhiều (mì tôm, bánh kẹo…), trong khi đó, thứ mà người dân trong vùng lũ đang rất cần sau khi mưa bão qua đi chính là kinh phí để sửa chữa nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, cây con giống… thì lại ít được quan tâm, làm cho công tác từ thiện chưa mang lại hiệu quả cao.
Do đó, để đảm bảo công tác vận động, điều phối các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện đảm bảo thống nhất, hiệu quả và minh bạch; đồng thời định hướng cho nhà hảo tâm chọn lựa đúng hàng hóa, đúng thứ người dân đang thật sự cần trợ giúp, Ban cứu trợ tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị xác định, cần phải có bộ công cụ hỗ trợ trên cơ sở ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin và các tiện ích lợi thế về chuyển đổi số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Đó là những cơ sở để chúng tôi cho ra đời Cổng Cứu trợ.
Việc đưa công nghệ 4.0 vào công tác cứu trợ nhằm tạo sự minh bạch trong công tác kêu gọi cứu trợ. Vậy khi cần người dân có thể kiểm tra, giám sát hoạt động cứu trợ của Mặt trận các cấp trên ứng dụng này được không, thưa ông?
- Hiện nay, Cổng Cứu trợ đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng trên các nền tảng máy tính và trên các thiết bị điện thoại di động chạy hệ điều hành IOS/Android đã được Sở Thông tin và truyền thông cấp phép hoạt động trên mạng internet. Người dân có thể tải ứng dụng về trên điện thoại của mình để kiểm tra, giám sát việc kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân bổ nguồn tiền, hiện vật cứu trợ của Mặt trận các cấp. Tất cả các phong trào, cuộc vận động đều được Mặt trận các cấp đăng tải, công khai.
Với Cổng Cứu trợ, chúng tôi mong muốn tạo ra một sự tương tác giữa nhà tài trợ và người dân, mà ở đó Mặt trận chính là “cầu nối”. Một khi nhà hảo tâm ủng hộ nguồn kinh phí giúp đỡ những gia đình khó khăn, thì các nhà tài trợ sẽ biết và giám sát được đồng tiền của mình đến vùng nào, hộ dân nào. Và sau một thời gian hỗ trợ cho các hộ khó khăn một ngôi nhà hay về sinh kế thì kết quả ra làm sao, sẽ được chúng tôi cập nhật để các nhà tài trợ nắm rõ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng giữa các hộ dân, Cổng Cứu trợ sẽ lưu vết trong một chiến dịch, đợt vận động người dân đã nhận được bao nhiêu tiền, những hiện vật gì để các nhà hảo tâm có phương án hỗ trợ tốt nhất, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Ngoài Cổng Cứu trợ, hiện chúng tôi cũng đã, đang và sẽ xây dựng một số kênh thông tin thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) để người dân có thể tương tác với chính quyền một cách thuận tiện nhất.
Đặc biệt, hiện Mặt trận tỉnh đang triển khai để sắp tới có thể đưa vào sử dụng một cái app có tên là “Dân nguyện”. Đây là nơi người dân có thể bày tỏ những ý kiến của mình về những vấn đề mà mọi người đang rất quan tâm. Thông qua app “Dân nguyện” để xây dựng chiếc cầu nối, tạo lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo Đảng, sự điều hành của chính quyền, MTTQ Việt Nam…
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cứu trợ sẽ giúp ích gì cho người dân cũng như những người làm công tác Mặt trận, thưa ông?
- Cổng Cứu trợ một khi được đưa vào sử dụng sẽ phục vụ cho 3 đối tượng chính. Theo đó, đối với người dân, tổ chức, đơn vị sẽ đăng thông tin về phản ánh thiên tai trên địa bàn; nhu cầu hỗ trợ, yêu cầu được hỗ trợ, nhu yếu phẩm cần thiết; kiểm tra, giám sát hoạt động cứu trợ của Mặt trận.
Đối với chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp, sẽ xác nhận thông tin về phản ánh thiên tai; bản đồ cứu trợ; nguồn lực địa phương; xác nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân; đăng thông tin cảnh báo thiên tai; cung cấp danh sách người dân cần được hỗ trợ khẩn cấp và lâu dài; điều phối, tiếp nhận hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện trên địa bàn đến các thôn, bản…
Đối với các đoàn thiện nguyện, sẽ cung cấp thông tin đoàn, tiền hoặc nhu yếu phẩm muốn hỗ trợ đến người dân; giám sát trực tuyến luồng phân bổ tiền, hàng hỗ trợ đến tận hộ dân…
Một khi đi vào hoạt động, hệ thống Cổng Cứu trợ tỉnh Quảng Trị sẽ từng bước số hoá trong công tác quản lý, điều hành hoạt động thiện nguyện. Đồng thời, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính minh bạch, kịp thời, công bằng, đúng đối tượng trong hoạt động cứu trợ, thiện nguyện trên địa bàn tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị hướng dẫn cán bộ Mặt trận cơ sở sử dụng Cổng Cứu trợ - thiện nguyện
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, điều hành của cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến xã… Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; thư điện tử công vụ; các sáng kiến, hiến kế của nhân dân và cử tri trong toàn tỉnh… đều được số hóa.