Chuyển đổi số, số hóa trong hoạt động thư viện

Hoàng Vân 17/07/2023 14:00

Trong chuyển đổi số trong ngành thư viện, phát triển thư viện số được gắn chặt với việc tạo lập, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số trong các thư viện. Tất cả các nội dung đều có liên quan đến việc thực thi quyền tác giả trong thư viện. Vì vậy tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ là nguyên tắc hoạt động của thư viện.

Nhiều khó khăn, thử thách

Hoạt động chuyển đổi số, số hóa trong thư viện hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh:MH.

Nhìn nhận từ các chuyên gia thư viện, việc chuyển đổi số thư viện sẽ khó thành công nếu thiếu việc xây dựng nguồn tài nguyên thông tin mới, mà nòng cốt là nguồn tài nguyên số. Các thư viện nhất thiết phải xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đăc biệt là xây dựng các bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu cùng với các siêu dữ liệu có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thư viện thì mới có thể giữ được vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức.

Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng tài nguyên thông tin điện tử/số trong các thư viện ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, một số thư viện công cộng đã có những bước phát triển vượt bậc trong tạo dựng nguồn tài nguyên thông tin số nhưng vẫn còn một số rất lớn các thư viện chưa thể thực hiện được và chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

Bên cạnh đó, có rất nhiều thách thức đặt ra cho quá trình này như thiếu ngân sách đầu tư, thiếu nền tảng nhân lực cần thiết hay giải pháp công nghệ phù hợp, và trong đó bao gồm cả thách thức từ việc thực thi bản quyền một cách đúng, phù hợp trong hoạt động thư viện.

Một số nơi lại rơi vào tình huống khác, đó là có nhiều loại hình tài liệu có giá trị nghiên cứu khoa học cao - như tại Viện Thông tin Khoa học xã hội (đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ do các đơn vị trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thực hiện, tạp chí do các đơn vị trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xuất bản, tài liệu của Viện Thông tin KHXH sở hữu…) lại chưa thể đưa vào phục vụ bản số vì chưa có kinh phí để trang bị thiết bị, phần mềm có thể hỗ trợ quản lý truy cập tài liệu số đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) với các tài liệu này.

Cơ hội ở đâu?

Việc chuyển đổi số ngành Thư viện là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, tiết kiệm thời gian cho độc giả. Ảnh: Đỗ Tâm.

ThS. Lưu Quang Đà, công tác tại Viện Thông tin Khoa học, Thư viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số là thời cơ cho hoạt động xuất bản phát triển nhưng cũng đi cùng với rất nhiều thách thức. Thời cơ và thách thức xen kẽ nhau để thúc đẩy nội lực của xuất bản đổi mới, đảm bảo sản phẩm của xuất bản phục vụ tốt nhất với bạn đọc, trong đó có hệ thống thư viện.

“Trên thực tế, thời gian qua, việc chuyển đổi các sách xuất bản trong nước sang định dạng dễ tiếp cận có thể nhận được sự cảm thông của một số nhà xuất bản nhưng cũng đã gặp sự không đồng ý của một số khác. Đặc biệt, với các sách có nguồn gốc từ nước ngoài thì đây là một trở ngại lớn. Từ đó, một số tổ chức đã mất cơ hội nhận được các nguồn tài trợ để thực hiện chuyển đổi định dạng tác phẩm, sách giáo khoa cho người khuyết tật nhìn… Bên cạnh đó, việc không có quy định về cho phép chia sẻ tài liệu cũng ảnh hưởng đến số lượng các tác phẩm đã chuyển đổi mà người khuyết tật có thể sử dụng và gây lãng phí về thời gian, công sức khi nhiều tổ chức cùng chuyển đổi một tác phẩm sang cùng một định dạng.

Ngay cả khi các quy định ngoại lệ về bản quyền đã có hiệu lực, một số tác giả vẫn chưa muốn chia sẻ các bản sao ở định dạng dễ tiếp cận do quan ngại về việc các bản sao này được các đối tượng không phải người khuyết tật sử dụng, ảnh hưởng đến chủ sở hữu bản quyền”, THS. Lưu Quang Đà nói.

Đi cùng với xu hướng số hóa, việc xây dựng thư viện số - bộ sưu tập số ngày càng được quan tâm nhiều hơn bởi khả năng lưu trữ thông tin lớn và sự thuận tiện cho cả công tác quản lý lẫn người sử dụng. Tuy nhiên, sự ràng buộc về bản quyền tác giả cũng là một rào cản không nhỏ trong quá trình xây dựng và vận hành thư viện số.

ThS. Vĩnh Quốc Bảo, Phó giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM chia sẻ: "Ngày nay, với sự phát triển của internet và công nghệ số hóa đã mở rộng khả năng truy cập tới các nguồn tài nguyên thông tin dạng số vượt không gian và thời gian.

Với hoạt động thư viện công cộng, số hóa tài liệu và từng bước xây dựng thư viện số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác chuyển đổi số lĩnh vực thư viện, tài liệu số mở rộng khả năng truy cập và chia sẻ tài nguyên thông tin phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu và giải trí của cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền tài liệu trong hoạt động số hóa và khai thác tài liệu số là vấn đề quan trọng để các thư viện thực hiện xây dựng thư viện số phục vụ cộng đồng.

Các thư viện cần có những hướng dẫn cụ thể hơn nhằm giúp thư viện phục vụ, chia sẻ tài liệu số hiệu quả và đúng theo luật định. Đề xuất giải pháp - Tổ chức tập huấn các chuyên đề liên quan Luật Sở hữu trí tuệ (Vụ Thư viện nên phối hợp cũng các cơ quan liên quan), với các trường hợp cụ thể: Ví dụ: đối với tài liệu Hán Nôm; tài liệu quý hiếm; tài liệu địa chí; tài liệu cho người khiếm thị; vấn đề chia sẻ giữa các thư viện Thư viện số đối với các nước không mới vì điều kiện, cách tiếp cận với dịch vụ công nghệ mới đã phát triển trước chúng ta một giai đoạn dài, còn với Việt Nam đây mới là điểm xuất phát, để xây dựng và phát triển được “thư viện số và cung cấp dịch vụ thư viện số” là cả một vấn phức tạp, ràng buộc nhiều quy định của pháp luật liên quan.

Thực tế cho thấy, không có một thư viện nào có đủ kinh phí để bổ sung tất cả các nguồn tài nguyên dưới dạng in cũng như nguồn tài nguyên số để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Vì vậy, xây dựng thư viện số không phải là xây dựng một cơ sở thư viện mà là xây dựng một nền tảng công nghệ để tiến đến giai đoạn quản lý tri thức. Nền tảng công nghệ này được xây dựng trên một cơ sở thư viện mà cơ sở thư viện này được xây dựng trên một nền tảng thư viện truyền thống. Để xây dựng được thư viện số, trước hết phải củng cố nền tảng thư viện truyền thống, tuân thủ những tiêu chuẩn nghiệp vụ căn bản và thay đổi một số giá trị cũ cho phù hợp với việc ứng dụng công nghệ mới".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số, số hóa trong hoạt động thư viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO