Chuyển đổi số là câu chuyện được đặt ra, và trở thành bức thiết, đối với nhiều ngành nghề, trong đó có báo chí. Ở Việt Nam, những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, câu chuyện chuyển đổi số đã được nhiều cơ quan báo chí quan tâm. Làm sao để phụng sự bạn đọc được tốt hơn, làm sao để thực hiện được tôn chỉ “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”?
Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy; không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh
1.Các chuyên gia ở lĩnh vực truyền thông đã khẳng định, chuyển đổi số là một xu hướng không thể đảo ngược mà tất cả các cơ quan báo chí phải thực hiện càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, dường như chúng ta vẫn chưa phân biệt rõ ràng giữa khái niệm “số hóa” - digitalization và “chuyển đổi số” - digital transformation.
Ngay cả nhiều người trong làng báo vẫn nghĩ về chuyển đổi số rất đơn giản, rất sơ khởi. Ví như cho rằng, chuyển đổi số là giảm bớt sự tập trung vào truyền thông truyền thống, đưa báo lên online và sử dụng các hệ thống CMS để điều tiết hoạt động và kiểm soát nội dung trong tòa soạn, sử dụng các công nghệ kết nối, quản lý khách hàng hay là công nghệ để tác nghiệp như mobile phone… Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group of Companies, điều này “đúng, nhưng chắc là không đủ”.
“Chúng ta hãy nhìn lại những công nghệ tiên phong đang được ứng dụng vào báo chí. Ví dụ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với cô Sophia - robot thông minh giống con người nhất trên thế giới hiện nay của Hanson Robotics (Hong Kong); hoặc công nghệ Augmented Reality (thực tại tăng cường) từng được sử dụng để quảng bá Disneyland ở quảng trường Times Square, New York…
Một vài tờ báo thử nghiệm robot viết báo như Washington Post. Hiện tại, robot có thể viết được những mẩu tin hoàn chỉnh kiểu fact và figures (những sự thật và số liệu) hay xào xáo dữ liệu cũ để tạo ra một bài viết mới. Gần đây, còn có công ty ứng dụng AI và công nghệ chuyển chữ viết thành giọng nói và tạo ra các đoạn tin tức truyền hình với MC ảo được nhân bản từ hình ảnh con người thật và giọng nói thật. Mặc dù vậy, robot hiện chưa thể viết những bài báo hàm chứa tư duy trừu tượng như con người”, ông Lê Quốc Vinh phân tích.
Là người tham gia thử nghiệm các giải pháp số hóa ở Việt Nam từ khá sớm, khi xu hướng công nghệ còn chưa rõ ràng, đồng thời cũng chứng kiến sự thăng trầm của báo in trước sự soán ngôi của báo điện tử, ông Vinh cho rằng, tất cả những gì mà chúng ta nhìn thấy, hiện hữu xung quanh, là minh chứng cho khả năng phát triển thần tốc của công nghệ số. Bên cạnh đó, sự thay đổi chóng mặt của báo chí quốc tế khiến chúng ta cảm giác là nếu không hành động, không thay đổi thì có thể bị vượt mặt và bị bỏ quên. “FOMO (fear of missing out), sợ hãi bị bỏ qua trong cơn lốc công nghệ là loại tâm lý mà tôi có thể hiểu được, là thứ làm cho nhất loạt chúng ta hôm nay cùng nói về chuyển đổi số cho báo chí”, ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia truyền thông này, chúng ta đang bối rối vì có quá nhiều loại công nghệ, không biết phải ứng dụng loại công nghệ nào cho công cuộc chuyển đổi số báo chí. Đầu tư vào đâu, và cần đầu tư bao nhiêu tiền? Tất nhiên, như bất cứ một người ứng dụng công nghệ trong truyền thông, marketing, tôi cho rằng sử dụng các công nghệ có sẵn là giải pháp an toàn và tiết kiệm so với xây dựng các nền tảng công nghệ riêng, đặc biệt đối với các công nghệ AI và machine learning, quản trị cơ sở dữ liệu, tạo ra trải nghiệm cá nhân, các ứng dụng hội thoại và mạng xã hội cho video và voice. Ngay cả việc dựa vào các frenemy - những kẻ thù thân thiện như Google, Apple, Facebook, YouTube,… cũng không phải là không được.
2.Đầu tư vào đâu, con người hay công nghệ? Đó cũng là chủ đề gây tranh luận, và trở thành vấn đề của nhiều cơ quan báo chí khi tiến hành chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: Chuyển đổi số một cơ quan báo chí là tất cả mọi người trong cơ quan đó phải có tư duy số, có kỹ năng số, có cách làm số.
Tại diễn đàn "Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số" được tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2022 mới đây, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hóa.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số. “Nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy; không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn.
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong đơn vị, ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết, để có sự thay đổi về tư duy, nhận thức trong chuyển đổi số, VTV đã trải qua quá trình dài và phải mất vài năm mới có được nhận thức vấn đề và lại phải tiếp tục thay đổi theo xu thế chung. "Chúng tôi xác định, việc thay đổi tư duy trong chuyển đổi số không chỉ ở người lãnh đạo, ở bộ phận nội dung hay kỹ thuật mà tất cả đều cùng phải vào cuộc", ông Vĩnh nói.
3.Các chuyên gia truyền thông cũng khẳng định, hệ sinh thái báo chí có rất nhiều kênh như: báo in, báo điện tử, báo hình, truyền thông xã hội, sự kiện... Hầu hết các tờ báo đều tiếp cận bạn đọc bằng từng kênh riêng biệt, độc lập nên mới chia ra các ban như báo in, ban điện tử, ban truyền hình... Mỗi ban lại có một nhiệm vụ khác nhau. Nhưng nếu chúng ta tiếp cận thông minh hơn, mỗi cơ quan báo chí sẽ cần phân tích insight (sự thật ngầm hiểu) về bạn đọc của mình, định nghĩa xem họ là ai, ở đâu, là người như thế nào, có những gì đáng chú ý, làm sao để tác động đến họ. Từ đó sẽ phân tích hành trình của mỗi khách hàng từ khi họ chưa biết gì về tờ báo cho đến lúc họ biết – hiểu – sử dụng nội dung – trung thành với tờ báo.
Quan sát bức tranh chuyển đổi số của báo chí Việt Nam thời gian qua cho thấy, sự chuyển đổi số của báo chí Việt Nam còn chậm. Không phải đến thời điểm này, câu chuyện chuyển đổi số trong báo chí mới được đề cập. Thậm chí, mong muốn, kế hoạch chuyển đổi số đã xuất hiện tại nhiều cơ quan báo chí. Nhưng thực tế, khi triển khai thì còn nhiều bỡ ngỡ, vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Anh Tuấn cũng nhìn nhận, quá trình chuyển đổi số của báo chí đang chậm hơn xu thế chung. Do đó, muốn chuyển đổi số thì các cơ quan báo chí cần phải thay đổi từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người. Hiện vẫn còn tình trạng báo chí ngại thay đổi trong xu hướng chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả.
“Trong định hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí có 2 mảng việc cần thực hiện ngay. Đó là quản trị nội bộ, các vấn đề về tài chính trong báo chí và vấn đề quản lý, sản xuất và lưu trữ nội dung. Việc này cần một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Để giải quyết những khó khăn này cho các cơ quan báo chí, Bộ TT-TT đang có chủ trương xây dựng các nền tảng lớn bảo đảm độc lập chủ quyền trên không gian mạng. Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ TT-TT sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung, xác định về khoảng giá, tránh tình trạng cùng một nền tảng nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị.
Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các báo, đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư để xây dựng, phát triển nền tảng riêng. Đề án chuyển đổi số báo chí đang đợi được phê duyệt nhưng trong năm nay Bộ TT-TT sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, trong đó lĩnh vực báo chí chiếm 3.000 - 5.000 người.