Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến tháng 5/2022 có 16 Nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử. Từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử.
Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, mặc dù đại dịch Covid-19 thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh số ngành xuất bản, nhưng đội ngũ làm xuất bản đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói..., nhờ đó đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm.
Tương tự, PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, sau đại dịch Covid-19, ngành xuất bản thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử cũng như sự thay đổi cách tiếp cận của bạn đọc đối với các xuất bản phẩm. Chuyển đổi số mang lại thời cơ lớn, song cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.
Khẳng định chuyển đổi số là “chìa khóa” tạo bước tiến mạnh cho ngành sách Việt Nam, đem lại thời cơ lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng, để chuyển đổi số thành công, phải thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, tiếp sau đó là đầu tư công nghệ và đón nhận công nghệ, đồng thời, phải vượt qua những cạnh tranh khi chuyển đổi số, nhất là vấn đề về bản quyền.
Tuy nhiên bên cạnh những bước tiến khả quan, ông Nguyên cũng chỉ ra những điểm hạn chế như: số lượng ấn bản bình quân còn thấp; cơ cấu sách còn chưa hợp lý; ít sách có giá trị cao, có sức lan tỏa, nhất là sách về lĩnh vực khoa học chính trị, khoa học công nghệ. Mặt khác, việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm. Hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản. Những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và Nhà xuất bản hầu như chưa có nhiều.
Văn hóa đọc đã có bước phát triển nhưng vẫn cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, quảng bá sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách của mỗi cá nhân, trong gia đình và cộng đồng.
Vẫn theo ông Nguyên, việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành. Để chuyển đổi số thành công, phải thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, tiếp sau đó là đầu tư công nghệ và đón nhận công nghệ, đồng thời, phải vượt qua những cạnh tranh khi chuyển đổi số, nhất là vấn đề về bản quyền.
Còn theo ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần sách điện tử Waka, thách thức lớn đối với những người làm xuất bản điện tử hiện nay là vấn đề vi phạm bản quyền và chi phí đầu tư cho công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý chung, sau đó có văn bản hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn chuyển đổi số trong nội bộ đơn vị xuất bản, chuyển đổi số trong kinh doanh xuất bản phẩm để phát triển kinh tế số.