Chuyển đổi số và liên thông thư viện: 'Chìa khóa' tiếp cận bạn đọc

Minh Quân 31/05/2022 09:37

Chuyển đổi số và liên thông trong lĩnh vực thư viện ở Việt Nam đã được các đơn vị trong toàn ngành triển khai mạnh mẽ từ những năm đầu của thế kỷ 21. Nhưng thực tế đến nay, công tác chuyển đổi số thư viện vẫn đang gặp nhiều khó khăn và trở ngại.

Tiếp cận với chuyển đổi số, ngành thư viện sẽ đến gần hơn với bạn đọc...

Cú hích lớn

Ngày 21/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.

70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa. 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa...

Việc Thủ tướng phê duyệt chương trình đã tạo ra một “cú hích” lớn cho “cỗ máy” của toàn ngành thư viện sau một thời gian dài phải vận hành theo những cách làm xưa cũ, thủ công. Chương trình chuyển đổi số có thể xem là chiếc “chìa khoá” để thư viện Việt Nam tiến gần hơn đến bạn đọc.

Tuy nhiên, để “cỗ máy” được vận hành đúng hướng, thích ứng với sự phát triển của công nghệ, lại đang đặt ra vô vàn thử thách với những người trong ngành. Có một thực tế từ nhiều năm nay, mặc dù quá trình ứng dụng công nghệ khá dài nhưng vì nhiều lý do hạn chế, ngành thư viện đang có xu hướng thụt lùi so với các ngành, lĩnh vực khác về chuyển đổi số, liên thông.

Đơn cử về vấn đề nhân lực, với thư viện nói chung và nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng tại các thư viện còn thiếu và yếu. Đối với nhân lực làm công tác công nghệ thông tin chỉ có một số thư viện được quan tâm thì có nguồn nhân lực tốt, tập trung vào khối thư viện đại học, còn lại phần lớn nhân lực làm công nghệ được đào tạo từ ngành khác, do đó chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa thực sự đảm bảo.

Theo khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam, về nhu cầu đào tạo hoặc đào tạo lại kiến thức công nghệ thông tin, có đến 55/57 thư viện công cộng có nhu cầu (chiếm 96%); khối thư viện đại học có 68/79 thư viện có nhu cầu (chiếm tỷ lệ 86,1%); khối thư viện chuyên ngành, đa ngành có 10/15 đơn vị có nhu cầu (chiếm 66,7%); khối thư viện quân đội, công an có 2/3 thư viện có nhu cầu (chiếm 66,7%).

Qua con số thống kê trên, có thể nhận thấy bức tranh tổng thể nhân lực công nghệ thông tin tại các thư viện. Chưa kể, về nhận thức thì công tác chuyển đổi số thư viện trong thời gian qua tuy đã được quan tâm, chú ý, tuy nhiên chưa có sự cam kết mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo địa phương, ban, ngành.

Không chỉ là khẩu hiệu

Có thể thấy, việc chuyển đổi số đang một thách thức không nhỏ với nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành thư viện.

Để giải được “bài toán” này, theo Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Phạm Quốc Hùng, Bộ VHTTDL sẽ triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện. Trong đó gồm số hóa tài liệu quốc gia; Xây dựng Dự án mục lục liên hợp quốc gia; Xây dựng Dự án cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam; Xây dựng và triển khai Chương trình nâng cao trình độ nguồn lực thư viện.

Ông Hùng cũng cho rằng, chuyển đổi số và liên thông thư viện vừa là mục tiêu, định hướng nhưng cũng là nhiệm vụ được đặt ra đối với toàn ngành thư viện trong thời gian tới mà đặc biệt là đối với các thư viện có vai trò quan trọng, được nhà nước quan tâm đầu tư.

Ở đó sẽ từng bước hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số; đào tạo nguồn nhân lực; triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện hướng tới việc kết nối, chia sẻ, trao đổi nguồn dữ liệu số trong hệ thống, trong toàn ngành theo mục tiêu đã đề ra.

Dù vậy, chuyển đổi số vẫn là thách thức đối với ngành thư viện.

Đồng quan điểm, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Ngà cho rằng, các thư viện cần xây dựng chiến lược kế hoạch hành động, trong đó có lộ trình rõ ràng, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, từng mảng công việc. Chuyển đổi số sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu thư viện không có mục tiêu cụ thể và thiếu sự cam kết của các bên tham gia.

Cũng theo bà Ngà, chuyển đổi số thư viện là cơ hội để các thư viện thay đổi mô hình hoạt động, mô hình triển khai dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ trên môi trường số. Do đó các thư viện cần rà soát, đánh giá lại các dịch vụ thư viện, xác định được các dịch vụ thư viện có tính chiến lược, ưu tiên các dịch vụ có tính liên kết, liên thông cao.

Bởi liên thông, liên kết một mặt sẽ giảm chi phí hoạt động thư viện, mặt khác sẽ kết nối và tạo thêm được nhiều “khách hàng” hơn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện nói chung và hiệu quả phục vụ nói riêng.

Theo giới chuyên gia, kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc số hóa tài liệu thường giao cho một đầu mối. Đầu mối này sẽ nhận kinh phí trực tiếp từ Nhà nước, các cá nhân và tổ chức khác nhau, sau đó tiến hành hoạt động điều phối giữa các thư viện.

Cách làm này không chỉ tránh chồng chéo nguồn tài liệu mà còn quy chuẩn được các tiêu chí số hóa tài liệu, để khi cần chia sẻ tài liệu giữa các thư viện sẽ không mất thời gian xử lý lại.

Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, việc liên thông thư viện số thành hay bại phụ thuộc chủ yếu vào cơ chế hành chính. Nếu cơ chế được khơi thông thì việc kết nối theo chuẩn kỹ thuật chung để bảo đảm liên thông sẽ được công nghệ phần mềm xử lý triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số và liên thông thư viện: 'Chìa khóa' tiếp cận bạn đọc