Chuyện ghi ở Hải Thịnh

Trần Duy Hưng 25/07/2016 16:37

Trong không khí cả nước hướng về Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7) với nhiều hoạt động thiết thực tưởng nhớ, tri ân, cuối tuần qua, Đoàn Thanh niên cơ quan Báo Đại Đoàn Kết đã có chuyến về thăm, tặng quà một số gia đình Thương binh-Liệt sỹ trên tuyến biên phòng thuộc huyện ven biển Hải Hậu (Nam Định)…

Chuyện ghi ở Hải Thịnh

Tuổi trẻ Báo Đại Đoàn Kết tới thăm, tặng quà
gia đình thương binh Phạm Văn Cán
.

1. Nằm ven biển và ngay cạnh cửa sông Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (tên cũ là xã Hải Thịnh) khá hiền hòa, sạch đẹp; đường xá, nhà cửa được quy hoạch, xây dựng gọn gàng, ngăn nắp. Nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ được mệnh danh là “Cồn Cỏ của miền Bắc” khi là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.

Sử sách ghi lại, khi đó, Mỹ đã trút xuống mảnh đất ven biển này hơn 700 tấn bom đạn. Trong cơn điên cuồng bắn phá, giặc Mỹ đã vấp phải sự chống trả kiên cường của quân và dân nơi đây. Theo đó, trong hơn 500 trận đánh trả quân dân nơi đây đã bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ, phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi, bắn cháy 6 máy bay khác và 1 tàu chiến Mỹ.

Bức ảnh nổi tiếng “Sự trừng phạt đích đáng” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Văn, ghi lại hình ảnh nữ dân quân Hải Thịnh Hà Thị Nhiên kéo lê cánh máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bãi biễn Hải Thịnh đã nói lên điều đó. Không chỉ có vậy, trong các cuộc kháng chiến, gần 3.000 con em quê hương Thịnh Long đã nhập ngũ, ra trận, chiến đấu ở khắp các chiến trường. Trong số này, 240 người mãi mãi không trở về; 300 người phải để lại một phần xương máu. Với những hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xã Hải Thịnh xưa, thị trấn Thịnh Long ngày nay đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chuyện ghi ở Hải Thịnh - 1

Đoàn thanh niên báo Đại Đoàn Kết trao quà đến thương binh Phạm Văn Tình.

2. Hiểu được lịch sử, truyền thống hào hùng của quân dân Thịnh Long, trong chuyến đi, các đoàn viên, thanh niên của Báo Đại Đoàn Kết đều có chung cảm nhận mình đang được trở về nguồn, về với “một địa chỉ đỏ”, về với mảnh đất một thời phải chịu nhiều hy sinh, mất mát nhưng cũng rất đỗi kiên cường, bất khuất…

Tới thăm gia đình thương binh Phạm Văn Cán ở khu phố số 22, cả đoàn không khỏi bùi ngùi khi biết ông giờ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, không thể trò chuyện, gần 2 năm nay phải nằm liệt trên giường. Qua cán bộ Đồn biên phòng Hải thịnh và qua người thân, chúng tôi được biết ông Cán là thương binh thời kỳ chống Pháp, từng là Đồn trưởng đồn biên phòng Hải Thịnh. Nhìn những những tấm huân, huy chương, bằng khen ông Cán được tặng thưởng, treo rất nhiều trên tường nhà, trong đó có tấm Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng chúng tôi cảm nhận được tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết cùng những đóng góp của ông cho quê hương, đất nước. Dù cũng không còn khỏe nhưng khi chúng tôi đến thăm, thương binh Phạm Văn Tình ở khu phố 11 vẫn có thể ngồi để trò chuyện. Biết có đoàn thanh niên của Báo Đại Đoàn Kết đến thăm, ông rưng rưng xúc động nói lời cảm ơn dù chưa có ai trong đoàn kịp mở lời.

Trong chuyến đi, đoàn cũng đã đến thăm bà Nguyễn Thị Sen ở khu phố số 9, mẹ của Liệt sỹ Trần Văn Cường, hy sinh năm 1979 trong cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong câu chuyện, bà bồi hồi nhớ lại: ngày ấy khí thế chống quân xâm lược sục sôi, mới 16 tuổi anh Cường đã xung phong vào bộ đội, lên biên giới chiến đấu và hy sinh ở đây. Trên tường nhà, ngoài tấm bằng Tổ quốc ghi công Liệt sỹ Trần Văn Cường còn có cả Bằng khen thành tích trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của bà Sen. Hỏi chuyện, bà nhớ lại: trong kháng chiến chống Pháp, Hải Hậu thuộc vùng địch hậu, bị tề ngụy kiểm soát chặt chẽ. Bà Sen khi ấy còn rất trẻ đã bất chấp vất vả, hiểm nguy, sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm liên lạc, bảo vệ cho những cán bộ về hoạt động bí mật ở đây…

Chuyện ghi ở Hải Thịnh - 2

Bà Nguyễn Thị Sen, mẹ của Liệt sỹ Trần Văn Cường bồi hồi xúc động khi
Đoàn thanh niên báo Đại Đoàn kết tới thăm và tặng quà.

3. Trong chuyến hành hương, các đoàn viên, thanh niên Báo Đại Đoàn Kết cũng rất vui khi được tới thăm, giao lưu với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cảng cửa khẩu Hải Thịnh. Đến đây, ai cũng trầm trồ trước sự sạch đẹp, gọn gàng, ngăn nắp của Đồn. Mọi khoảng đất trống đều được cán bộ, chiến sỹ tận dụng trồng rau, cây ăn quả, nuôi lợn, thả cá…Đến bữa cơm, cả đoàn được thưởng thức các món ăn, từ rau, thịt, cá đều là sản phẩm cán bộ, chiến sỹ ở đây sản xuất, tăng gia được…

Trong câu chuyện với Thượng tá Nguyễn Quốc Hiếu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Đội Biên phòng tỉnh Nam Định và các cán bộ, chiến sỹ ở đây, chúng tôi được biết: tuyến biên phòng của tỉnh Nam Định trải dài trên 72km bờ biển, qua 20 xã, thị trấn. Riêng Đồn Biên phòng Hải Thịnh được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn gồm thị trấn Thịnh Long và xã Hải Hòa (Hải Hậu). Đặc điểm của tuyến là có đông đồng bào theo đạo Công giáo, bà con sinh sống chủ yếu bằng các nghề làm muối, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Ngoài ra, hoạt động du lịch, đóng tàu, vận tải thủy…cũng rất phát triển tại đây. Đi liền với đó, ANTT cũng có những diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động buôn bán ma túy, tranh chấp kinh tế trên các vùng bãi nuôi trồng, khai thác thủy hải sản…

Chuyện ghi ở Hải Thịnh - 3

Giao lưu với cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Hải Thịnh.

4. Theo các anh, để bảo vệ vững chắc chủ quyền cũng như an ninh trên tuyến ngoài trách nhiệm của các lực lượng nòng cốt, quần chúng nhân dân địa phương có vai trò rất quan trọng. Để phát huy vai trò quần chúng tham gia giữ gìn chủ quyền, an ninh vùng biên cũng như phát triển KT-XH, những năm qua Bộ đội Biên phòng tỉnh, trực tiếp là các Đồn biên phòng trên tuyến đã phối hợp với các đoàn thể chính trị ở địa phương xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả một số mô hình đoàn kết, tập hợp, vận động quần chúng như “Tổ nhóm tự quản, tự phòng trên biển”, CLB “Phụ nữ vì sự bình yên và phát triển tuyến biển”. Cũng theo các anh, ý thức được trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, quá trình hoạt động các thành viên CLB đã và đang có những đóng góp rất thiết thực, như: cung cấp cho lực lượng Biên phòng những thông tin về ANTT; vận động người thân chấp hành nghiêm pháp luật, khi tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển nếu phát hiện các hoạt động xâm phạm chủ quyền thì có trách nhiệm kịp thời báo tin cho lực lượng Biên phòng…

Những PV, BTV của Báo Đại Đoàn Kết đã rất vui khi nghe Thượng tá Nguyễn Quốc Hiếu chia sẻ: việc xây dựng các mô hình đoàn kết, tập hợp quần chúng cần có sự kiên trì, kinh nghiệm. Trong khi đó, Báo Đại Đoàn Kết là nơi thường xuyên giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm này. “Chính vì vậy đã từ lâu BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì việc trang bị báo Đại Đoàn Kết cho cán bộ, chiến sỹ ở tất cả các đồn Biên phòng trên địa bàn để làm cẩm nang cho anh em”, Thượng tá Hiếu cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ghi ở Hải Thịnh