Bão Goni khi vào Biển Đông sẽ gặp những điều kiện không thuận lợi để tăng cường độ. Do đó, các chuyên gia khí tượng nhận định, khi ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam, bão chỉ còn ở cấp 8-9.
Liên quan đến cơn bão Goni đang đổ bộ vào miền Trung Philippines, Thạc sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định: Bão số 10 (bão Goni khi vào Biển Đông) chỉ mạnh trước khi đổ bộ vào Philippines. Do hoàn lưu bão số 10 nhỏ nên ma sát với địa hình ở Philippines nên sẽ giảm cường độ.
"Khi vào Biển Đông bão Goni gặp điều kiện không thuận lợi như: nhiệt độ bề mặt nước biển (SST) lạnh, không khí khô, hoàn lưu nhỏ cùng với tương tác với bão Atsani phía ngoài nên không có khả năng tái cấu trúc lại hoàn lưu tốt như bão số 9. Bão Goni đổi hướng nhiều lần và di chuyển chậm hơn bão số 9 nên khi cập bờ khả năng chỉ có cường độ cấp 8-9, thậm chí suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Kiên nhận định.
Làm sao biết được cường độ bão ở vùng biển ngoài khơi xa xôi?
Trước câu hỏi về việc làm sao biết được thời điểm bão hình thành, cường độ của bão khi chúng ở vùng biển ngoài đại dương xa xôi?
Trả lời câu hỏi trên, dự báo viên Nguyễn Thanh Bình của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Những cơn bão dù hình thành ngoài đại dương mênh mông tới đâu cũng không thoát được “con mắt thần” của các nhà khí tượng, đó chính là những bức ảnh vệ tinh.
Ngày nay, những bức ảnh chụp từ vệ tinh liên tục rất nhiều lần trong ngày với nhiều dải phổ khác nhau sẽ luôn giám sát được sự hình thành và phát triển của các vùng mây trên đại dương. Tất nhiên, trong con mắt các chuyên gia, họ không xem nó như một bức ảnh thông thường. Có những kỹ thuật phân tích ảnh sử dụng những phần mềm chuyên dụng giúp họ xác định vị trí tâm bão, phạm vi vùng nguy hiểm của bão cũng như cường độ của bão.
Ngoài ra thông tin từ vệ tinh cũng được đưa vào hệ thống các siêu máy tính để làm thông tin cho các mô hình mô phỏng và dự báo về cơn bão trong thời gian tới.
"Hiện ở Việt Nam chúng ta đang sử dụng các bức ảnh chụp từ vệ tinh Himawari của Nhật với tần suất 10 phút một lần và quan trắc tới 16 kênh phổ một lần chụp. Như vậy, các bạn đã hiểu được tại sao chỉ ngồi ở tại trung tâm dự báo tại Hà Nội mà các dự báo viên luôn cập nhật được hàng giờ các thông tin về cơn bão", bà Bình giải thích.