Chuyên gia Media Tenor Việt Nam chia sẻ thông tin về số liệu truyền thông ngân hàng

28/12/2015 16:16

Media Tenor vừa công bố bảng thống kê và phân tích số liệu truyền thông ngành Ngân hàng trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 12/2015. Theo đó, thông tin và nhận định về ngân hàng chiếm nhiều nhất trong các ngành kinh tế trên các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam và quốc tế. Số liệu thống kê và phân tích của Media Tenor cũng chỉ ra, BIDV trở thành một trong 3 ngân hàng hàng đầu Việt Nam xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông Việt và là Ngân hàng có ít thông tin xấu nhất trong TOP 3.

Chuyên gia Media Tenor Việt Nam chia sẻ thông tin về số liệu truyền thông ngân hàng

BIDV luôn kịp thời cung cấp đến khách hàng
và truyền thông những thông tin, sản phẩm dịch vụ mới.

Media Tenor vừa công bố Bảng xếp hạng các Ngân hàng hấp dẫn truyền thông nhất trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 12/2015, vậy xin bà cho biết, những nhận định chung về ngành ngân hàng trong năm vừa qua?

Bà Nguyễn Thu Hiền: Là công ty quốc tế nghiên cứu truyền thông độc lập, hoạt động từ 1993, Media Tenor thường xuyên công bố số liệu về hình ảnh, uy tín, danh tiếng của các tổ chức, công ty, cá nhân trên truyền thông không chỉ phạm vi Việt Nam và trên quy mô toàn cầu. Media Tenor hiện là đối tác tin cậy của Liên Hợp Quốc, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), OECD, chính phủ Qatar, chính phủ Hà Lan và nhiều doanh nghiệp lớn khác như Deutsche Bank, Adidas, Otto,…

Năm 2015, dựa trên số liệu phân tích các kênh truyền thông chính thống của Việt Nam và quốc tế, Media Tenor đã công bố danh sách các Ngân hàng hấp dẫn truyền thông nhất tại Việt Nam, trong đó BIDV đã có những tiến bộ vượt bậc so với 2 năm trước đề chiếm một vị trí đáng nể.

2015 có thể nói là năm phục hồi của ngành ngân hàng Việt Nam, thể hiện đặc biệt rõ nét trên truyền thông. Thông tin ngành ngân hàng lấn át các ngành khác trên các phương tiện truyền thông như TV, báo in và báo điện tử, không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Lượng thông tin về ngân hàng khiến ai cũng phải chú ý ngành này, ở Media Tenor chúng tôi gọi đó là vượt qua “Ngưỡng nhận thức truyền thông” (awareness threshold). Hình ảnh các đơn vị trong ngành được phủ “xanh” - tích cực, không có nhiều tin xấu và scandal như năm 2013 và 2014. Chủ đề ngành của năm tập trung vào M&A với các vụ sáp nhập thành công của BIDV hay Vietinbank.

Nhìn chung tại Việt Nam, khủng hoảng đã qua nhưng rủi ro vẫn còn đó. Ngành ngân hàng đang tiếp tục là tâm điểm của truyền thông và xu hướng này được Media Tenor khẳng định trong vài năm gần đây.

Từ bảng công bố xếp hạng của Media Tenor, xin bà cho biết những tác động chung của hoạt động truyền thông đến các hoạt động của ngân hàng?

Bà Nguyễn Thu Hiền: Như Roland Schatz, người sáng lập và CEO của Media Tenor có nói: “Đã qua rồi cái thời của những anh hùng giấu mặt”. Nghĩa là, đã qua rồi cái thời mà các công ty cho rằng: Chúng tôi sản xuất ra sản phẩm tốt, qua đó mọi người biết đến công ty tôi, mà chúng tôi không cần phải làm truyền thông, PR.

Hiện nay, không chỉ đối với ngân hàng mà đối với tất cả các ngành, chưa bao giờ truyền thông có tác động lớn đến như vậy, đặc biệt là các phương tiện truyền thông hiện nay có mạng xã hội. Ví dụ gần đây nhất từ Tân Hiệp Phát cho thấy con số 2.000 tỷ là tác động của truyền thông lên một doanh nghiệp. Truyền thông tác động trực tiếp vào niềm tin của các đối tượng liên quan và từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động của đơn vị. Media Tenor đã công bố nhiều ad-hoc (nghiên cứu ngắn hạn) chứng minh rằng quản lý khủng hoảng truyền thông tốt có thể làm tăng trở lại doanh số bán hàng và giá cổ phiếu như VW năm 2005. Theo kinh nghiệm của tôi, có một điều không ai phủ nhận được là rất khó không thể “giấu mặt” được với giới truyền thông. Doanh nghiệp phải chủ động trong truyền thông, trong phòng chống và quản lý khủng hoảng, trong quản lý danh tiếng (reputation management) của đơn vị mình.

Phân tích của Media Tenor tại Việt Nam cũng chỉ cho thấy nhiều đơn vị còn bị động trong truyền thông, PR, chủ yếu chạy theo events, có gì đăng nấy nên khi bị đăng tin xấu lại phải chạy theo “dập lửa”. Đến lúc tai qua nạn khỏi thì vấn đề lớn nhất tiếp nối: khách hàng giảm sút, đối tác rời bỏ vì đơn vị đã mất niềm tin, không còn danh tiếng.

Theo kinh nghiệm nhiều năm của Media Tenor, doanh nghiệp cần đảm bảo tần suất truyền thông trên “ngưỡng nhận thức”, có tỷ lệ nhận định xấu (negative tone) dưới 10% và nhận định tốt (positive tone) từ 20% để có một danh tiếng tốt.

BIDV đã nhận được đánh giá cao của giới truyền thông khi nằm trong Top 3 ngân hàng được truyền thông quan tâm nhất, vậy xin bà cho biết, kết quả đánh giá này dựa trên tiêu chí nào và những lý do cơ bản để BIDV nằm ở TOP đầu trong bảng xếp hạng?

Bà Nguyễn Thu Hiền: Như tôi đã nói, Media Tenor là đơn vị nghiên cứu truyền thông độc lập có lịch sử hơn 20 năm. Media Tenor chuyên phân tích các kênh truyền thông chính thống hàng đầu như Wall Street Journal, Financial Times, Handelsblatt, Spiegel,

Les Echo, Mint, Thời Báo Kinh tế Việt Nam, rồi như CBS, ZDF, BBC, TVE, , TF1, VTV1,…

Từ đó chúng tôi nghiên cứu, tổng hợp và đưa ra các kết quả nghiên cứu truyền thông trong đó có các bảng xếp hạng. Diễn đạt dễ hiểu hơn, đây là một dạng nghiên cứu thị trường làm trên truyền thông nên có kết quả chính thống và kịp thời vì báo đài luôn cập nhật tin mới hàng ngày, hàng giờ.

Phân tích của Media Tenor dựa trên nhiều yếu tố như tần suất truyền thông, nhận định truyền thông, bộ chỉ số 25 yếu tố hình ảnh gồm hơn 1,800 chủ đề riêng biệt từ sản phẩm, chiến lược, kết quả, đầu tư, kinh doanh đến các vụ kiện tụng hay quan hệ khách hàng, để phân tích hoạt động của đối tượng phân tích.

Một số kết quả thống kê, nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu đo lường khác cũng xếp hạng BIDV nằm trong Top 2 ngân hàng và Top 8 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2015 (đánh giá của Brand Finance); Top 3 Ngân hàng có chỉ số nhận biết quảng cáo cao nhất năm 2015 (đánh giá của Nielsen)…

Trong kỳ phân tích và báo cáo năm 2015, BIDV lọt vào top đầu (với nhiều thông tin và nhận định tốt) phần lớn nhờ tần suất truyền thông cao cộng với kết quả kinh doanh khả quan; sản phẩm và dịch vụ đột phá; và quan hệ hợp tác tốt với đối tác và khách hàng.

So với 2014, BIDV có một bước tiến lên vị trí như hiện nay cho thấy ngân hàng đã có một chiến lược bài bản và thực hiện kế hoạch truyền thông thật sự tốt. Tôi hy vọng BIDV cũng quản lý khủng hoảng truyền thông – nếu có – tốt như vậy, bởi chỉ có hai loại doanh nghiệp: đang bị khủng hoảng và sắp bị khủng hoảng.

Trong năm 2015, phân tích cho thấy thông tin tích cực chiếm đa số trong dòng thông tin về BIDV. Điều này tạo một hình ảnh tích cực về BIDV đối với khách hàng, tạo một ấn tượng tốt đẹp – một niềm tin đối với BIDV. Xây dựng niềm tin, tạo được danh tiếng sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngân hàng trong việc: 1 là hấp dẫn khách hàng mới, 2 là thu hút đầu tư, nhất là trên thị trường chứng khoán và đầu tư ra nước ngoài và 3 là thu hút và tuyển dụng được nhân tài.

Xin cảm ơn Bà đã chia sẻ thông tin!

Văn Hải (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia Media Tenor Việt Nam chia sẻ thông tin về số liệu truyền thông ngân hàng