Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Việt Nam nằm trong khu vực nội mảng của các ranh giới lục địa và cũng không có vành đai lửa nên thường ít xảy ra động đất lớn hơn so với nhiều quốc gia khác.
Trận động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ sáng ngày 6/2 đã làm rung chuyển miền Nam nước này, ảnh hưởng tới cả các quốc gia xung quanh như Syria, Lebanon và Cyprus và khiến hơn 17.000 người thiệt mạng tính tới ngày 9/2.
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá, trên thế giới hàng năm chỉ xảy ra một vài trận động đất có độ lớn cao. Với độ lớn lên đến 7,8 độ Richter, năng lượng phát sinh của trận động đất là rất lớn, để lại nhiều dư chấn và có sức tàn phá nghiêm trọng.
Một trong những hậu quả nặng nề là tổng số người thiệt mạng đang gia tăng và đến nay vẫn chưa được tìm thấy hoàn toàn tìm thấy hết. TS Xuân Anh nhận định, trận động đất này rơi vào khu vực đông dân cư, có nhiều nhà cửa, công trình được xây dựng kháng chấn kém chưa đạt tiêu chuẩn, thời gian xảy ra động đất vào buổi sáng sớm (lúc 4h sáng giờ địa phương) khi người dân chủ yếu ngủ trong nhà, nên dẫn tới thiệt hại rất lớn.
Trước đây, tại quốc gia này cũng đã từng xảy ra nhiều trận động đất rất lớn, nguyên nhân do Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong ranh giới các mảng kiến tạo có khả năng sinh ra các trận động đất này. Mặc dù liên tục đối mặt với thảm hoạ thiên nhiên nhưng công tác kháng chấn cho các công trình giao thông, nhà ở tại nơi xảy ra động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được quan tâm đúng mực.
Nhìn lại về Việt Nam, nước ta trước đây cũng đã từng chứng kiến các trận động đất lớn, đặc biệt là tại Tỉnh Điện Biên. Vào năm 1935, lòng chảo Điện Biên từng chứng kiến trận động đất lên tới 6,9 độ Richter, đây cũng là trận động đất được ghi nhận có độ cường độ lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam gây thiệt hại về tài sản nhưng chưa có báo cáo mất mát về người.
Một trong những nguyên nhân khiến thiệt hại do động đất rất lớn là người ta không thể dự báo được động đất mà chỉ có thể cảnh báo dựa trên chu kỳ xuất hiện các trận động đất lớn, tuy nhiên để làm giảm những thiệt hại mất mát to lớn, theo TS Nguyễn Xuân Anh, chúng ta cần xây dựng nhà cửa kháng chấn được những trận động đất có độ Richter lớn.
Thông thường, những trận động đất lớn sẽ nằm ở những khu vực ranh giới các mảng lục địa như mảng Âu Á, mảng Ấn Độ. Khi các mảng xô húc với nhau gây ra động đất khủng khiếp. Hay ở các vành đai lửa như Nhật Bản, Philippines, Indonesia... thường xảy ra động đất mạnh. Có thể dự báo được các trận động đất lớn nhưng công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo được thời điểm chính xác xảy ra các trận động đất này.
Trong khi Việt Nam nằm trong khu vực ít xảy ra động đất và nếu có thì thường chỉ tập trung tại nơi dân cư thưa thớt. Tuy nhiên trong thời gian mà kinh tế ngày càng phát triển nếu có những trận động đất xảy ra lên tới 6,7 - 6,8 độ Richter trở lên thì thiệt hại là khó tránh nếu như Việt Nam không xây dựng nhà kháng chấn.
Do đó, TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng, dù Việt Nam khó xảy ra những trận động đất lớn nhưng tiêu chuẩn phòng trống kháng chấn cho nhà cửa, hạ tầng cũng cần phải chú ý vì động đất xảy ra là việc không thể đoán trước.
"Đối với mỗi quốc gia đều có sự nghiên cứu, đánh giá quy mô xảy ra động đất trên cả nước. Tại Viện Vật lý Địa cầu cũng có xây dựng bản đồ về động đất cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Qua đó xây dựng những cơ sở khác nhau, đặc biệt là với những công trình quan trọng hay nơi đông dân cư đều phải có những kịch bản riêng biệt", TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành những tiêu chuẩn quy định về kháng chấn và tiêu chuẩn về động đất cũng như tổ chức diễn tập phòng chống động đất, sóng thần để chống thảm hoạ xảy ra. Hàng năm các cơ quan chính quyền phải rà soát, tổ chức diễn tập phòng chống động đất thường xuyên ở các nơi có nguy cơ cao. Chính phủ đã ban hành quy chế chống thảm họa động đất, trong đó có các kịch bản phù hợp.
TS Nguyễn Xuân Anh cũng chia sẻ thêm, một trận động đất lớn luôn có tiền chấn và dư chấn, điều đó có nghĩa là trước trận động đất lớn đó đã có những trận động đất nhỏ báo trước. Và sau trận động đất lớn nhất sẽ luôn có dư chấn là các trận động đất nhỏ hơn. Dư chấn này là bình thường, bởi khi có kích động chính sẽ gây tác động đến khu vực lân cận, dẫn tới động đất liên hoàn.
Theo phân loại của các trận động đất, những trận động đất có độ lớn M=4-5 là những trận động đất nhẹ. Những trận động đất từ M=5-6 là những trận động đất trung bình. Những trận động đất từ M=6-7 độ là những trận động đất mạnh, những trận động đất từ M=7-8 là những trận động đất lớn, những trận động đất từ M=8-9 là những trận động đất hủy diệt.