Ngày 20/10, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Nhiều nội dung liên quan đến thuế suất tiêu thụ đặc biệt ô tô cũng như kiến nghị cơ chế giá đối với học phí và viện phí.
Viện phí luôn nhận được sự quan tâm của người dân.
Ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Theo nội dung mới nhất vừa được Chính phủ trình Quốc hội, cơ quan quản lý dự kiến sẽ giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt các dòng xe ôtô dung tích dưới 2 lít trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0% theo các cam kết hội nhập.
Ngược lại, Chính phủ quyết định tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt cao với dòng ôtô nhập khẩu dung tích lớn trên 3 lít, thuế đối với một số loại xe có thể tăng gấp đôi so với trước.
Việc giảm thuế sẽ được thực hiện theo lộ trình, cụ thể trong 2 năm 2016, 2017, thuế suất tiêu thụ đặc biệt cho xe dưới 1 lít sẽ giảm 5% về 40%; năm 2018 giảm tiếp về 30% và năm 2019 chỉ còn 20%.
Tại cuộc họp báo, một số ý kiến đề nghị không chuyển học phí và viện phí sang cơ chế giá, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục và Luật Giá, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước đã được chuyển sang cơ chế giá và đang được Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế... theo đó, đã quy định rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
Đồng thời, để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo khi chuyển sang thực hiện cơ chế giá không gây khó khăn, bất lợi cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.
Đặc biệt về việc kiến nghị không thu phí lòng đường, hè phố. Có ý kiến nhất trí cho phép thu nhưng đề nghị cần rà soát kỹ, quản lý chặt chẽ, tránh quy định không rõ ràng, dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, gây thất thoát nguồn thu cho NSNN, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định: Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác như điểm đỗ xe ô tô, xe máy... đang là nhu cầu phát sinh từ cuộc sống và được nhiều nước trên thế giới thực hiện để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày.
Do vậy, dự kiến giữ lại khoản phí này trong Danh mục và yêu cầu các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn cần tăng cường công tác quản lý, quy định cụ thể từng khu vực, từng tuyến phố được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và tăng cường công tác quản lý khoản thu này bảo đảm công khai, minh bạch.