Với hàng chục ngàn ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận chủ yếu trong vòng 1 tháng trở lại đây, nhiều tỉnh thành ở khu vực phía Nam đang có chiến lược chuyển hướng sang tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thay vì phát hiện, truy vết, phong tỏa thì nay tập trung chủ yếu nguồn nhân lực, vật lực để cứu chữa những ca F0 trở nặng với ưu tiên là nguồn cung ôxy, giường điều trị, máy thở, bệnh viện hồi sức Covid-19... Đặc biệt, lượng lớn nhân viên y tế sẽ được huy động để vào cuộc tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực thời gian tới.
Tại Long An, nơi chiếm khoảng 40% số ca nhiễm Covid-19 của toàn vùng Tây Nam bộ, nhiều bệnh viện (BV) dã chiến, BV hồi sức Covid-19 đã được thành lập khoảng 1 tuần trở lại đây. Hiện nay tỉnh Long An đang có gần 20 BV dã chiến cùng một số BV đa khoa khu vực... có chức năng tiếp, điều trị nhận bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, tỉnh Long An còn có 2 BV hồi sức Covid-19, nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Đầu tiên là BV hồi sức tại BV đa khoa Hậu Nghĩa (xã Hòa Khánh Tây, Đức Hòa) với quy mô 300 giường được thành lập hồi cuối tháng 7 vừa qua. Đây cũng là BV hồi sức Covid-19 đầu tiên ở tỉnh Long An. Ngoài ra, BV hồi sức Covid-19 tại thành phố Tân An được chuyển công năng từ Nhà khách công đoàn có sức chứa 500 giường cũng đã được Bộ Y tế phối hợp xây dựng, cung cấp máy móc, dự kiến có thể hoàn thành trong ngày 5/8.
Tỉnh Long An hiện chia 3 tầng để điều trị các ca nhiễm Covid-19. Với những bệnh nhân nặng sẽ điều trị tại BV đa khoa khu vực hoặc BV hồi sức Covid-19. Những bệnh nhân tầng trung, triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị, theo dõi ở các BV dã chiến. Ngoài ra, các F0 không triệu chứng được cách ly tập trung tại trường học, hoặc có thể là BV dã chiến nhằm tránh lây lan nguồn bệnh ra cộng đồng. Năng lực điều trị và tiếp nhận của tỉnh Long An có thể lên đến 10.000 bệnh nhân Covid-19.
Được biết, hiện tỉnh Long An cũng đã có kế hoạch tiêm 1,3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 ngay từ tuần tới, với chiến lược ưu tiên 5 địa phương có số ca nhiễm nhiều là huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, Bến Lức và thành phố Tân An. Việc tiêm dự kiến kéo dài khoảng 1 tháng, với việc phân loại các đối tượng ưu tiên như người già, người bệnh nền, người có nguy cơ nhiễm cao...
Trong khi đó Tiền Giang là một trong những tỉnh bùng phát dịch sớm nhất ở khu vực Tây Nam bộ, song song thời gian với địa bàn TP HCM. Hiện tỉnh này ghi nhận 3.355 ca nhiễm Covid-19, với khoảng 1.200 ca ở thành phố Mỹ Tho. Đại diện tỉnh Tiền Giang cho biết, trong cuộc chiến chống Covid-19, công tác khoanh vùng, truy vết, cách ly... các ca F0 vẫn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên ưu tiên của Tiền Giang hiện nay là điều trị các bệnh nhân nặng. Hiện tỉnh này ghi nhận gần 60 trường hợp tử vong vì Covid-19 (khoảng 1,8%), cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác.
Cũng như Long An, Tiền Giang hiện chia cấp độ người nhiễm Covid-19 thành 3 tầng, tập trung điều trị bệnh nhân nặng ở BV dã chiến số 2 (tuyến cuối) và Trung tâm hồi sức Covid-19 được thành lập từ BV Y học cổ truyền Tiền Giang với gần 100 giường. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng chuẩn bị có kế hoạch tiêm 2,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ. Hiện tỉnh này đã tiêm được khoảng 66.300 liều, chiếm tỷ lệ khá thấp so với số lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ là gần 235.000 liều. Tỉnh vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh, dồn nguồn nhân lực y tế để tiêm vaccine với những địa phương có nguy cơ cao, nhóm người có nguy cơ với mục đích nhanh nhất đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, do nguồn lực nhân viên y tế còn hạn chế, tỉnh Tiền Giang hiện chỉ có 187 điểm tiêm chủng ở toàn bộ địa bàn.
Trong khi đó, một số địa phương cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm như Đồng Tháp (3.419 ca), Cần Thơ (1.281), Vĩnh Long (1.034 ca), Bến Tre (912 ca) - tính đến ngày 3/8, cũng đang khẩn trương thành lập các trung tâm điều trị Covid-19 cùng việc đẩy nhanh các khu vực tiêm vaccine. Hầu hết các tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ bước vào chiến lược tiêm vaccine đại trà toàn dân bắt đầu từ giữa tháng 8 này.