Có một điều kỳ lạ không cắt nghĩa được ở vùng đất cuối cùng của phương Nam (Bạc Liêu - Cà Mau) sinh ra nhiều hào kiệt mở đất, bảo vệ non sông; nhưng cũng kịp sinh ra hai bậc kỳ nhân đã trở thành huyền thoại và sống trong cõi nhân gian. Một, là Bác Ba Phi với tài kể chuyện vui cười sảng khoái bằng thủ pháp phóng đại hết kích cỡ, làm cho đời sống nhân dân bớt nhọc nhằn, u uất để có niềm tin và hi vọng. Một nữa, là công tử Bạc Liêu với những ngón ăn chơi phong lưu, phóng túng khét tiếng "đốt tiền nấu chè"... làm chấn động Sài Gòn và Lục tỉnh Nam Bộ, cũng trở thành giai thoại.
Nhưng, Công tử Bạc Liêu có phải chỉ là 1 người?
Đây là "hiện tượng sống" đại diện cho một tầng lớp xã hội nửa đầu thế kỷ 20, rất đáng để nghiên cứu về tính cách con người và suy ngẫm về chuyện "nhân tình thế thái".
Dưới thời Pháp thuộc, vào nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước chính quyền thực dân có những chính sách về điền địa, về trưng khẩn ưu ái cho người chính quốc hơn hẳn dân bản xứ. Thế là hầu hết điền chủ ở Bạc Liêu đều gia nhập quốc tịch Pháp để thừa hưởng chính sách ưu đãi này. Đương thời giới bình dân gọi là “vô dân Tây”. Đã vô dân Tây thì phải thực hiện chính sách của người Pháp là cho con cái học trường Tây để học tiếng Pháp, tiếp nhận văn hóa Pháp. Từ đó trong giới điền chủ ở Bạc Liêu có phong trào đưa con em qua Pháp quốc hoặc lên Sài Gòn học trường Tây. Đó là những cậu ấm cô chiêu con của các đại điền chủ, hội đồng thừa mứa tiền của. Họ đi học nhảy đầm, ăn chơi là chủ yếu, có người mê chơi phải mướn người khác học thay mình. Đi học mà ngủ khách sạn, ăn cao lầu, tối đi vũ trường. Chủ nhật chở nhân tình đi Cấp, Đà Lạt chơi. Họ quăng tiền qua cửa sổ theo đúng nghĩa của nó, chỉ có một người mà đi 5-7 chiếc xe kéo làm nên giai thoại.
Làm nổi đình nổi đám ở Sài Gòn và Lục tỉnh về cách ăn chơi phong lưu phóng túng như công tử. Từ đó thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” ra đời và thành ngữ đó lúc đầu để chỉ một nhóm người gồm Hai Đinh, Ba Cân, Dù Hột... chứ không phải chỉ đích danh Ba Huy như bây giờ. Thế nhưng sau đó Trần Trinh Huy ăn chơi bạo hơn với giai thoại đốt tiền nấu chè được mệnh danh là người “ngon” nhất Nam bộ, trở thành “linh hồn của nhóm” từ đó và người đời mới ngộ nhận hễ ai nói đến công tử Bạc Liêu thì như đã chỉ đích danh Trần Trinh Huy.
***
Trần Trinh Huy, sinh ngày 22/6/1900, tại làng Vĩnh Hương, quận (huyện) Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, mất năm 1973, tại Sài Gòn, táng tại Cái Dầy (chung với khu mộ Trần Trinh Trạch) thuộc xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi ngày nay.
Ngoài tên khai sinh là Trần Trinh Huy, người đời còn đặt cho ông ta nhiều tên gọi khác nhau: Ba Huy, Hội đồng Ba, (là cách gọi của tá điền hồi xưa, thật ra Trần Trinh Huy không có thành viên của Hội đồng nào cả) hoặc các tên đã trở thành giai thoại là Công tử Bạc Liêu và Hắc công tử. Tên gọi Hắc công tử ra đời từ nước da ngăm đen của ông, để phân biệt, đối xứng với Bạch công tử là con trai ông Đốc phủ Sảng, da trắng, nhà giàu, ăn chơi cũng vào “cao thủ võ lâm” ở Tiền Giang. Nếu ở miệt Hậu Giang có Hắc công tử thì ở miền Tiền Giang có Bạch công tử. Kẻ chín lạng thì người cũng nửa cân, đây là một cặp "lưỡng long tranh châu". Họ đã gặp nhau để thi thố ăn chơi, tạo nên những giai thoại nổi tiếng đến tận bây giờ, xin được nói ở phần sau.
Trần Trinh Huy cao lớn khoảng 1,7m, lực lưỡng, nhưng không cục mịch; trái lại, tướng tá rất thanh thoát, sang trọng. Ba Huy đậm người, da đen, tóc đen, mày rậm…, người đầy sinh lực. Tính tình Ba Huy rất dễ dãi và hào phóng. Con cái trong nhà lầm lỗi, ông cũng ít rầy la. Bà con ở xa lên thăm cậu Ba Huy đều cho tiền. Trong các mối quan hệ, Ba Huy là người khoáng đạt, không dè dặt và chẳng mưu toan gì. Thời đó, các cậu công tử lẫn chủ điền chơi với người Pháp thì rất khúm núm nịnh nọt, gọi là “chơi thế”, còn Ba Huy thì cứ “toa... toa” “moa... moa” sòng phẳng, ngang hàng. Nếu như trong mắt giới giang hồ tứ chiếng, Ba Huy là người "ngon" nhất Nam Bộ, thì trong mắt người Pháp, Huy được nể trọng vì có vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình. Tánh của Ba Huy vị tha và coi tiền như rơm như rác. Lúc cuối đời, tài chính suy kiệt, Ba Huy từ Sài Gòn về Bạc Liêu bán một dãy phố lầu cuối cùng. Khi đến nhà băng rút tiền gặp một người quen, trước làm quản lí cho nhà họ Trần Trinh, nay làm ở ngân khố. Ông này khuyên: số tiến nhiều quá cậu Ba xài cũng không hết, thôi cứ gởi lại cho nhà băng, cần bao nhiêu thì rút bấy nhiêu, nó đẻ lời ra mà xài”. Ba Huy khoát tay: “Chút đỉnh, không cần…”, câu nói đó đã lột tả tính cách của “dân cậu”.
Ba Huy sinh hoạt cực kì sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là sáng ăn kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Món mà Ba Huy thích sáng ăn bánh mì với bơ, uống cà phê sữa, trưa ăn súp vi cá, chiều ăn cải nấu bằng hai loại cá: cá chẽm và cá chim. Ban sáng, Ba Huy chẳng có công việc làm ăn gì cả, hoặc là ở nhà đọc sách báo hoặc giao du chơi bời với tầng lớp quý tộc ở Sài Gòn lúc bấy giờ, nhưng chiều là tài xế đánh xe chở Ba Huy đi nhà hàng chơi bời đến khuya. Đến chủ nhật là ông ta đi Cấp (Vũng Tàu) hoặc Đà Lạt hay về Cần Thơ nghỉ cuối tuần.
Ba Huy là một con người luôn xê dịch, ông không ở chỗ nào quá một tuần lễ và cực kì ham vui. Riêng về phong tình thì ham hố một cách thái quá.
Ba Huy được Trần Trinh Trạch cưới cho một người vợ đầu tiên và duy nhất là bà Ngô Thị Đen. Bà này sinh trưởng tại Bạc Liêu, là em của hội đồng Điều nhà của họ hiện nay là trụ sở Sở nông Nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu. Ngày xưa, chính quyền Pháp và Mỹ ngụy cũng đã trưng dụng ngôi nhà này làm bốt, (gọi là bốt Hội đồng Điều). Bà Đen là con ông bá hộ Mín, một trong các đại diện chủ điền có số lượng điền sản lớn nhất Bạc Liêu. Bà Ngô Thị Đen thừa kế một số tài sản rất lớn từ tiến truất hữu đất của ông cha. Những người làm trong ngân khố thời Mỹ ngụy kể rằng: “Cứ cách một tuần là người ta thấy 2 trái phiếu tiền truất hữu có số lượng tiền lớn nhất trong các trái phiếu ở Bạc Liêu mang tên Trần Trinh Trạch và Ngô Thị Đen, được gởi song song với nhau”. Bà Đen ở với Trần Trinh Huy được một người con gái tên là Trần Thị Lưỡng, người bạc Liêu đương thời gọi là cô Hai Lưỡng. Bà Lưỡng lấy chồng là thư kí riêng của vua Bảo Đại.
Sống với Trần Trinh Huy - một người đàn ông phong lưu ưa thích trăng gió, dĩ nhiên là khó có được hạnh phúc. Ở với chồng một thời gian bà Đen theo gia đình qua Pháp sinh sống. Sau đó bà bị bệnh bướu não phải chở qua Thụy Sĩ phẫu thuật rồi qua đời vào năm 1972. Sau khi bà chết, gia đình bà và đứa con của Trần Trinh Huy ở với người vợ đầm mua một cái hòm tráng thủy để khâm liệm bà chở về Việt Nam. Đám tang của bà Ngô Thị Đen cũng được người Bạc Liêu truyền miệng như một giai thoại, rằng: quan tài của bà quàn tại nhà lớn (nhà Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu), người bình dân xa xôi hẻo lánh kéo ra nhà lớn ùn ùn như đi trẩy hội. Họ đến không phải để đưa đám mà để xem chiếc hòm. Nghe nói chiếc hòm được mua đến 10 triệu đồng (vào thời điểm năm 1972). Nó được thếp vàng, xung quanh có 8 quai xách, trên nắp hòm có ô cửa kính, hễ mở chìa khóa là bật ra một ô cửa nhìn vào thấy mặt người chết như nằm ngủ.
Ngoài người vợ trên, Trần Trinh Huy có nhiều con và nhiều dòng con. Hậu duệ của dòng họ Trần giờ đây cũng chỉ đếm được mấy dòng như sau: Cô Hai Lưỡng là một dòng (chỉ có dòng con này là cưới xin, có hôn thú hẳn hoi, còn các dòng còn lại do Ba Huy tự kiếm). Dòng vợ hai có con tên Nhơn, Đức. Dòng ba có con tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ… Và nhiều con rơi mà họ không nhớ tên hết.
Trong 3 người con trai thì chỉ có Trần Trinh Đinh và Trần Trinh Khương ít nhiều gì cũng giúp được Trần Trinh Trạch phát triển sự nghiệp. Trần Trinh Trạch là người Minh Hương nên tính tình rất kĩ lưỡng trong việc quản lí tiền bạc và tài sản, ông đã thực hiện chế độ tự quản đối với Đinh và Khương. Ông giao điền sản cho hai người con này cai quản rồi quy định mức thu hằng năm, năm nào thu vượt thì được thưởng, năm nào đạt thấp thì trừ vào lương. Thế nhưng, đối với Trần Trinh Huy thì Trần Trinh Trạch áp dụng “cơ chế” thoáng hơn là giao điền sản cho Ba Huy cai quản, Trạch không quy định mức thu hằng năm. Vì thế, Huy có nhiều cơ hội “moi” tiền lúa để ăn chơi. Một điều cho thấy nữa là Trần Trinh Trạch đối xử giữa các người con không công bằng, tức là thương Ba Huy hơn cả. Trần Trinh Đinh mới học chưa xong tú tài là ông đã bắt về cai quản điền sản, tiền bạc trong tay, muốn chi xuất bao nhiêu tùy thích.
Thuở nhỏ, Trần Trinh Huy sống ở Bạc Liêu, lớn lên ngay trong thời điểm phong trào Tây học thì lên Sài Gòn học đến bậc thành chung rồi sang Pháp học 3 năm. Sau Cách mạng Tháng Tám, Ba Huy lúc thì ở Bạc Liêu, khi lại lên Sài Gòn, sau đó thì ở luôn trên Sài Gòn tại căn biệt thự đường Nguyễn Du đến cuối đời cùng với một người vợ rất trẻ.
Do ăn chơi quá độ ở Sài Gòn nên cha là Hội đồng Trạch bắt Ba Huy về cai quản mấy ngàn ha đất điền Bào Xàng để cách ly công tử Bạc Liêu với chốn ăn chơi. Buồn tình Ba Huy bày ra nhiều trò chơi nơi “khỉ ho cò gáy” để hưởng lạc thú. Đó là vào thập niên 30 của Thế kỷ 20, điền Bào Xàng là xứ quê mùa và nghèo ấp lẫm. Tá điền không biết ăn chơi cờ bạc là gì. Ba Huy về cho dọn một cái sân thật lớn (khoảng 2-3 ha) và tổ chức lễ hội Kỳ Yên, có cúng đình, hát bội và hội chợ, lại thêm trò cờ bạc như hốt me, lô tô... Đặc biệt trong lễ Kỳ Yên kéo dài 15 ngày này Ba Huy tổ chức thi hoa hậu mà lúc đó gọi là “đấu xảo sắc đẹp”. Trong con mắt người Bào Xàng và các vùng phụ cận thì đó là những trò lạ lùng mà họ chưa từng biết qua. Thế là hàng chục ngàn tá điền ùn ùn kéo đến như trẩy hội. Tại buổi đấu xảo sắc đẹp Ba Huy là chánh chủ khảo, các hương chức hội tề được mời làm thành viên ban giám khảo. Họ ngồi thành một bàn dài, hai cô gái đẹp nhất một xóm (có sơ tuyển) đi qua rồi đứng lại trước mặt cho ban giám khảo nhìn hai lượt. Qua ba vòng tuyển chọn cuối cùng ban giám khảo chọn hai á hậu và một hoa hậu. Ba người này được trao giải thường gồm 1 chiếc kiềng vàng và một khoản tiền có thể mua được cả trăm giạ lúa. Dân Bào Xàng kỳ cựu đến giờ vẫn nhớ tên những hoa hậu ấy. Sau này hầu hết những người trúng tuyển đều trở thành nhân tình, nhân ngãi của Ba Huy. Trong đó có bà D... trở thành vợ bé của công tử Bạc Liêu, sinh được một đứa con, lúc 7 tuổi bị té sông chết.
Và đó có thể coi là cuộc thi hoa hậu sớm nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Công tử Bạc Liêu ít mê cờ bạc thế nhưng có lần ghé chơi ở Đại Thế Giới - một khu cờ bạc lớn nhất nước lúc bấy giờ (vào nữa đầu thế kỷ 20) thì Ba Huy đã đánh một ván bài vang danh giang hồ. Số là hôm đó trên chiếc bạc có một phụ nữ rất đẹp, tên là Ba Trà, người làng Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh nghèo, 14 tuổi bị mẹ gả cho tây, rồi trở thành gái làng chơi hạng sang. Qua nhiều vòng tay đàn ông, son phấn và cuộc sống nhung lụa đã biến cô ba thành một phụ nữ tuyệt sắc. Có báo viết rằng : Cô Ba Trà là hoa khôi Nam kỳ, nhưng dù gì thì học giả Vương Hồng Sển đã viết về người đàn bà này như sau: “Thưa cô Ba, trong mắt tôi, trong hồn tôi, đối với tôi cô vẫn luôn luôn, vẫn là một người đẹp khuynh quốc, khuynh thành...”. Đúng là nhan sắc cô Ba Trà như bùa mê ngãi lú, ai gặp thì tâm thần lú lẫn, làm sạt nghiệp không biết bao nhiêu người. Cô đổi chồng như thay áo, cờ bạc thâu đêm. Sau này Lương Mái Chín, một triệu phú người Hoa nổi tiếng ở Chợ Lớn sáng lập ra khu ăn chơi của giới thượng lưu có tên Nguyệt Tiên Cung cưới cô làm vợ. Không ngoại lệ so với những người khác, gặp cô Ba Trà là Trần Trinh Huy công tử thần trí mê man, tứ chi bải hoải và có lẽ để lấy le với người đẹp, công tử Bạc Liêu đã đánh một ván bài trị giá 30.000 đồng. Nên nhớ rằng lúa thời đó ở Chợ Lớn giá chỉ 1,7 đồng một giạ. Lương Thống đốc Nam kỳ chưa đầy 3.000 đồng một tháng. Khi công tử Bạc Liêu đập xấp tiền xuống chiếu bạc, các con bạc lẫn tài phán đều sững sờ. Cái “đập tay” ấy còn nặng hơn búa tạ, nó lập kỷ lục trong nghề cờ bạc ở Chợ Lớn, nó lột trần tính cách của công tử Bạc Liêu, làm chấn động thế giới cờ bạc Sài Gòn. Lập tức Sáu Ngọ là vua sòng bạc Chợ Lớn, số tiền thu từ sòng bạc mỗi năm lên đến 2,5 triệu đồng liền kết giao với công tử Bạc Liêu. Và cũng lập tức cô Ba Trà đi với công tử Bạc Liêu xuống Cần Thơ chơi, ăn cá chái.