Bất kể nắng mưa, sóng to gió lớn, chỉ nghe “đò ơi” là những người chèo đò trên bến Yến, chùa Hương lại vội vã quay mái chèo đón khách, chở hàng.
Lam lũ nghề chèo đò
6h sáng, khu vực quanh đền Trình từng tốp người đứng ngồi sát mép nước chờ đợi. Mặt nước chênh chao, chiếc đò nhấp nhô theo từng con sóng, người lái đò nhỏ thó đang gò lưng, căng hai chân đạp mái chèo đưa đò vào bờ. Vừa cập bến, đưa tay quệt ngang vệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, cô Nhật lái đò bảo: "Lên đò cô chở nhé".
Theo tìm hiểu, cô Lê Thị Nhật, 51 tuổi, quê ở Hội Xá, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Cô đã làm nghề lái đò này từ khi mới 15 tuổi. Cô Nhật kể, ngày còn nhỏ, cô chỉ đi dẫn khách cho mẹ thôi. Nhưng từ 15 tuổi là cô đã đi làm đò cho đến tận bây giờ.
Cô bộc bạch : “Nghề lái đò này cũng khá nguy hiểm nhưng cô trong nghề đã mấy chục năm nay rồi. Tất nhiên trong việc lái đò là mình phải đảm bảo an toàn cho mình mình và cho khách. Đò của cô trọng tải 10 người thì cô chỉ chở 10 người hoặc 8-9 người thôi chứ không chở hơn. Kể cả đông thì cô sẽ chia thuyền làm đôi chứ không chở vượt”.
“Mình phải lấy lòng tin và uy tín, năm nay, còn sang năm nữa. Nếu khách không muốn tách đò thì cô lại phải gọi cái đò to hơn. Mặc dù mình mất tiền thuê đò to hơn nhưng chở được khách đi vui vẻ và an toàn. Chở khách đi mà không có bực tức trong người, đi lễ vui vẻ”, cô Nhật nói thêm.
Việc mưu sinh bằng nghề chèo đò ở chùa Hương đã không còn là chuyện hiếm. Nơi đây có rất nhiều chị em phụ nữ sống bằng nghề đưa đò.
Câu chuyện bị ngắt quãng khi 1 chiếc thuyền chạy song song, người phụ nữ chèo đò thuyền bên hỏi vọng sang: “Sáng giờ chở được nhiều chưa? Tôi hôm nay ế quá”. Tôi kịp nhìn qua để bắt chuyện với cô: “Cháu sẽ trả tiền, cô cùng đi trò chuyện cho vui”.
Được lời như cởi tấm lòng, cô Tiến cười bảo: “Tôi năm nay 65 tuổi rồi, làm nghề chèo đò gần 50 năm”. Vừa nói, tay cô vừa gỡ chiếc khẩu trang ra. Nhìn tấm thân gầy, đôi mắt thâm sâu vì nhiều đêm mất ngủ của cô, tôi hiểu rằng cuộc sống của cô cũng chẳng yên bình.
Tranh thủ cơ hội tiếp chuyện với cô Tiến (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), công việc chính của cô là làm ruộng, vào ngày hội thì cô đi chèo đò thuê, có khách quen thì cô chèo, không thì chèo thuê. Cô thủ thỉ vào tai tôi: “Cô già rồi nên mỗi ngày cô chỉ đi một chuyến thôi. Có khách nào xộp thì người ta bồi dưỡng cho 100-200k, khách người ta ít tiền thì người ta chỉ cho vài chục thôi”.
“Có khách cũng ghê lắm, lái đò chèo thuê, xin cốc nước bồi dưỡng, có người không xin cũng cho mà có người xin cũng không cho, người ta bảo, cho nhiều rồi”. Nhưng mà người chủ nhà đó đón khách người ta được, chứ lái đò được trả theo ngày công có đáng là bao nhiêu đâu”, cô cho hay.
Những ngày hội này, mức độ cạnh tranh giữa những người lái đò rất lớn. Cô Nhật và cô Tiến đều chia sẻ: “Chúng tôi chèo đò mỗi ngày thì ước lượng được thu nhập được vài trăm nghìn/ngày, cũng có những ngày âm. Mà có khi còn gặp công an, rồi đi làm mãi mới bù được. Trừ các chi phí thì về nhà cũng chỉ còn vài chục một ngày, vất vả lắm”.
Hơn cả, vì ảnh hưởng dịch Covid 19 nên dịch vụ và công việc của người dân nơi đây cũng bị ảnh hưởng phần nhiều.
Cô Tiến chia sẻ: “Mùa xuân hội mình bị ảnh hưởng một tháng không kiếm được tiền là ảnh hưởng lớn rồi. Còn có những người họ đã chở tất cả hàng hoá vào trong chùa rồi thuê người làm mất nhiều tiền nên rất lo lắng về việc phục vụ xuân hội. May làm sao, giờ bắt đầu mở được cửa chùa chứ không người ta lại phải thuê người vận chuyển ra. Xuân hội năm nay là quá khó khăn".
“Công việc rất khó khăn để chúng tôi làm nghề này nhưng chúng tôi cũng rất tự hào vì di tích lịch sử được nhà nước công nhận. Dù được nhiều được ít chúng tôi cũng vẫn vui vẻ vì theo thời cuộc thôi” - 2 cô cùng nói rồi bật cười hạnh phúc.
Nhọc nhằn bám trụ lấy nghề
Rất khó nhọc, nhiều người phải vào cuộc mới hiểu. Nhiều khi về mệt mỏi, chân tay mỏi như nhưng vẫn phải cố gắng. Đón được chuyến sớm thì đi được nhiều hơn chứ khách đi muộn thì lại ít. Cứ động viên nhau là phải ăn để còn có sức mai đi tiếp.
Không chỉ chèo đò đưa khách sang sông, nhiều phụ nữ còn chèo đò bán hàng, len lỏi thuyền giữa những chiếc ghe cập bến. Những mặt hàng được mang bán luôn đa dạng, phong phú. Từ chai nước lọc, bao thuốc lá, kẹo, bánh… đến gạo, mắm muối, tiêu tỏi. Bán hàng cho ghe ra khơi, ghe về lại chèo thuyền ra gom ve chai về bán. Những chiếc thuyền chở nặng những chai lọ được chuyển lên bờ mang đến các vựa ve chai đổi ra tiền.
Chị Nhung - người bán hàng trên thuyền cho biết: “Bất kể khi nào ghe gọi đều phải mang hàng ra hoặc chở hàng về kể cả đêm đã khuya lắc. Nếu không chịu khó phục vụ sẽ dễ dàng mất mối”.
Những chiếc đò nhỏ mưu sinh giữa dòng đời xuôi ngược, ai biết rằng mỗi nhịp chèo của những người phụ nữ nghèo là một nỗi niềm buồn vui khó tả. Có những gia đình vài ba đời làm nghề chèo đò. Mẹ “nối nghiệp” bà, con lại “nối nghiệp” mẹ. Phận chèo đò - như những người phụ nữ nhỏ bé ấy tâm sự, chỉ gói gọn trong vài chữ vất vả, khổ cực.
Đối với cô Nhật, kỷ niệm cô nhớ nhất là mỗi bữa ăn khi chở khách, ăn vội ăn vàng cho qua bữa. Còn có những kỉ niệm "kinh hoàng" hơn là khách bỏ trốn, không trả phí, chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt. Sau dần, rút được kinh nghiệm, mỗi chuyến chở khách cô đều cẩn thận ghi rõ từng biển số xe lại để dễ dàng nhờ chính quyền can thiệp.
Trong cuộc mưu sinh của những người chèo đò cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Lênh đênh trên sóng nước từng ngày kiếm sống để lo cho gia đình nhỏ bé sau lưng. Cô Nhật bảo: “Chèo cũng rất mệt, một tiếng mới vào đến nơi, nhiều khi cố ăn chứ cũng mệt, không muốn ăn. Đi về là hai cánh tay mỏi nhừ nhưng việc thì vẫn phải làm. Cũng chỉ có ngày hội này mới làm đò xong lại về làm ruộng chứ có nghề nghiệp gì thêm cả”.
Cuộc sống của những người chèo đò ở đây dường như tách biệt hẳn với nhịp sống náo nhiệt ngoài thành phố, nơi có những khách sạn tráng lệ, các khu vui chơi, giải trí rực rỡ ánh đèn dù chỉ cách một bờ kè… Lênh đênh trên sóng nước từng ngày kiếm sống để lo cho gia đình nhỏ bé ở phương xa nhưng nghị lực và khát vọng vươn tới một cuộc sống tươi đẹp vẫn mãnh liệt trong những người chèo đò.
Hình ảnh những người phụ nữ bé nhỏ cùng những con đò nhỏ cô đơn trên bến sông dài rộng. Dù cuộc sống của họ còn nhiều gian nan, vất vả nhưng những người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn vươn lên bằng tất cả nghị lực phi thường. Bởi sau lưng họ vẫn còn có cả một gia đình với những khát vọng vươn tới một cuộc sống tươi đẹp vẫn luôn mãnh liệt.