Nếu hóa chất sau khi phun xong chỉ có tác dụng diệt muỗi trong một hai giờ đồng hồ, như lời ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hà Nội, vừa nói trong báo cáo tại cuộc giao ban trực tuyến của thành phố Hà Nội về phòng chống sốt xuất huyết, thì người dân có quyền băn khoăn có nên tốn tiền phun thuốc diệt muỗi nữa hay không?
Phun thuốc diệt muỗi.
Chưa có bằng chứng cụ thể về việc có sự gian lận nào đó khiến hóa chất diệt muỗi không đảm bảo chất lượng, nhưng dư luận đang khá băn khoăn.
Khi mà thành phố rầm rộ phun thuốc diệt muỗi ở diệt rộng, nhưng cho đến chiều 24/8, trong cuộc họp về phòng chống sốt xuất huyết, thông tin chính thức được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra là: “chưa có dấu hiệu nào cho thấy thành phố Hà Nội đã kiểm soát được dịch sốt xuất huyết”.
Ở vào gần cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, ngay giữa trung tâm Thủ đô, mà sau mấy tháng trời loay hoay triển khai nhiều chiến dịch cao điểm, huy động đến cả lực lượng quân đội tham gia, tốn khá nhiều tiền ngân sách, Hà Nội vẫn chưa thể nào kiểm soát nổi một dịch bệnh thông thường là sốt xuất huyết!?
Hà Nội hiện đứng đầu cả nước về số ca mắc, mà Bộ Y tế đánh giá, theo phát ngôn của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, là dịch “rất đáng quan ngại”.
Đã đến lúc cần đặt những câu hỏi nghiêm túc và những biện pháp xử lý nghiêm túc, để chấn chỉnh ngay cách phòng chống dịch trong những ngày qua.
Nếu quả thật, có những vấn đề như dư luận đang bình luận râm ran, thì bất cứ một hành vi trục lợi nào từ việc phòng chống dịch, cũng là một sự bất lương đối với sức khỏe của cả cộng đồng.
Băn khoăn về chất lượng thuốc phun diệt muỗi thậm chí không phải chỉ ở trong dư luận, mà ngay chính Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã đề cập đến vấn đề này.
Câu hỏi ông Chung đặt ra thông qua phản ánh từ dư luận nhân dân “chất lượng hoá chất hoà vào nước phun diệt muỗi không đảm bảo dẫn đến con muỗi không chết” và yêu cầu làm rõ: “Việc này có hay không?”.
Trả lời câu hỏi của người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hà Nội, giải thích: hoá chất chỉ diệt muỗi có virus sốt xuất huyết và một hai tiếng sau khi phun là không còn tác dụng. Cho nên theo lý giải của ông Cảm, việc nghi ngại của người dân là đúng vì chỉ phun thuốc hôm trước hôm sau lại thấy có muỗi. Ông Cảm còn dẫn ra việc TP HCM từng đổ 100 tấn hoá chất xuống kênh Nhiêu Lộc cũng không diệt được hết muỗi.
Đã đành, ông Cảm nói đúng, phun thuốc chỉ là phần ngọn, cái gốc để phòng chống sốt xuất huyết là đảm bảo môi trường. Nhưng đó là chuyện lâu dài.
Còn hiện nay đang ở đỉnh điểm của dịch, thì việc đầu tiên là phải dập dịch đã. Với cách trả lời của ông, thì dư luận sẽ đặt vấn đề ngược lại: Nếu thuốc phun xong không đạt mục đích diệt muỗi (phun xong lại có muỗi) thì có nên tiếp tục triển khai việc phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch hay không? Tại sao lại tiếp tục đổ tiền cho một việc biết trước là không đạt hiệu quả? Có loại hóa chất nào khác đạt hiệu quả hơn không? Tại sao ngành y tế đã không tìm cách khác, thật sự hiệu quả?...
Dịch sốt xuất huyết đang hoành hành ở Hà Nội gây tốn kém và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân, thậm chí là cả tính mạng. Rất nhiều cơ quan bị ảnh hưởng tới hiệu quả công việc do số cán bộ công nhân viên bị mắc dịch khá đông.
Kiểm soát dịch sốt xuất huyết hiện nay cũng đang cần kíp như cứu hỏa. Bởi vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải tìm mọi cách để dập dịch.
Chứ không phải chỉ là làm việc này một cách hình thức, để báo cáo thành tích và để tiêu tiền ngân sách, nhân danh phòng chống dịch.
Ví dụ như đã triển khai phun thuốc diệt muỗi trên toàn thành phố nhưng nếu chỉ để diệt muỗi trong vòng một hai tiếng rồi báo cáo rằng hóa chất chỉ có tác dụng như vậy thì hoàn toàn là một việc làm hình thức, tốn kém, vô trách nhiệm.
Nói như ông Nguyễn Đức Chung, thì người dân nghi ngại chất lượng hóa chất có phần đúng, vì tại sao những năm trước đây sau khi phun thuốc mấy ngày sau vẫn không có muỗi mà năm nay, giữa lúc nước sôi lửa bỏng, thuốc phun ngày hôm trước nhưng ngày hôm sau lại có muỗi.
Cũng như, ông Chung đã nói thẳng thắn, hóa chất nếu chỉ có tác dụng diệt muỗi trong vòng một hai tiếng thì “không ổn lắm”, cần đặt vấn đề xem thuốc hòa nước để phun có đúng tỷ lệ hay không?
Người Việt hay có thói quen ví von những việc gì đơn giản, dễ dàng là việc nhỏ như con muỗi. Giờ thì chuyện con muỗi không nhỏ chút nào rồi.
Bằng chứng là hóa chất phun xong một vài giờ đồng hồ muỗi lại sinh sôi. Muỗi giờ thành chuyện lớn khi dịch sốt xuất huyết vẫn đang hoành hành giữa Thủ đô, số ca mắc đứng đầu cả nước, 7 ca tử vong.
Giữa đỉnh dịch, dư luận râm ran ở nhiều xã phường, có tình trạng người dân phải có tiền cán bộ mới đến nhà phun thuốc, hoặc nơi có ổ dịch thì không được phun, thuốc ấy được tuồn ra ngoài để bán?
Những chuyện đồn ấy, không nhỏ như con muỗi, mà thấy quá đáng buồn khi mà dấu hiệu trục lợi xuất hiện ngay cả trong những việc như phòng chống dịch, vốn đang cần thiết và cấp bách.
Càng vào mùa mưa, dịch bệnh càng khó kiểm soát. Những tính mạng người vẫn chưa đủ để thấy hết sự nguy hiểm của dịch bệnh hay sao khi mà phòng chống dịch vẫn chỉ diễn ra ở phòng họp và ở những cách làm ít đạt được hiệu quả.
Hà Nội cần cấp bách kiểm soát được dịch. Nếu hóa chất này không hiệu quả thì thay bằng hóa chất khác, nếu có dấu hiệu làm sai cần phải xử lý thật nghiêm khắc để dập tắt những nghi ngại của nhân dân. Chống dịch chỉ hiệu quả bằng trách nhiệm, lương tâm của những người chịu trách nhiệm trong phòng chống dịch.