Nguyễn Thị Lụa đã trở thành đô vật đầu tiên của Việt Nam 2 lần liên tiếp giành vé trực tiếp tham dự Olympic. Ít người biết, đằng sau “cú đúp” dự Olympic đó, nữ đô vật người Quốc Oai (Hà Nội) đã phải nếm trải không ít cay đắng khi liên tiếp mất những tấm HCV SEA Games, đồng nghĩa với việc không có tiền thưởng mang về gia đình sau cả năm trời tập luyện, thi đấu.
Thế nhưng, nỗi cay đắng “độc cô cầu bại” Nguyễn Thị Lụa ở sân chơi “ao làng” SEA Games, đã giúp cô có thêm động lực để mang về cho thể thao Việt Nam những chiến tích ngoạn mục.
Đô vật Nguyễn Thị Lụa.
Không được làm đẹp, 5 lần làm lại răng
Sinh ra và lớn lên ở thôn Yên Nội, xã Ðồng Quang, huyện Quốc Oai. Thôn Yên Nội là mảnh đất nổi tiếng miền Bắc có truyền thống về vật. Cũng như bao đứa trẻ khác, từ nhỏ Lụa đã ham chơi vật khi đi chăn trâu, cắt cỏ với chúng bạn.
Bố Lụa cũng là một đô vật có hạng của làng, trong khi người chú ruột là vận động viên từng giành huy chương quốc gia môn vật. Lụa tỏ ra có năng khiếu đặc biệt bởi có sức mạnh và sự nhanh nhẹn hiếm có ngay sau khi nhập môn và trở thành một trong những tài năng trẻ của làng vật Việt Nam.
Trong số các VĐV cùng trang lứa, Lụa là số ít theo được môn vật đến tận bây giờ. Song có lẽ vì thế, mà Lụa đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ những chuyện nhỏ như “làm duyên làm dáng của phái nữ”, chuyện tình cảm, xa gia đình...
Để mang vinh quang về cho Tổ quốc, các VĐV trong đó có Lụa phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Sau hơn chục năm theo nghiệp VĐV chuyên nghiệp, nữ đô vật 26 tuổi mang trên người nhiều chấn hương: đứt dây chằng, rách bao ổ khớp ở gối, vai… Ngay đến hàm răng của Lụa cũng chẳng còn nguyên vẹn bởi cô từng bị gãy và phải thay răng tới 5 lần.
Ở tuyển vật, Lụa là VĐV giàu thành tích nhất nhưng cũng là người mang nhiều chấn thương nhất. “Mỗi lần đến Bệnh viện Thể thao là các bác sỹ lại lắc đầu ngán ngẩm vì… nhẵn mặt. Nhiều chấn thương chỉ có thể phẫu thuật, em mới mong không ảnh hưởng tới sức khỏe sau này. Nhưng cứ biết thế, giờ còn thi đấu đã”, Lụa lạc quan chia sẻ.
Bên cạnh chấn thương, điều khiến những VĐV nữ theo môn vật cảm thấy thiệt thòi và tự ti nhất chính là việc họ chẳng bao giờ được làm đẹp, được điệu đà giống như bao người con gái khác: “Bọn em gần như chẳng bao giờ biết đến trang điểm. Ở trên tuyển thì suốt ngày chưng bộ đồ thể thao. Thi thoảng tranh thủ về nhà được chốc lát rồi lại phải trở lại đội, lại cắm đầu xuống thảm, muốn diện cũng chẳng biết diện với ai.
Các VĐV điền kinh hay nhiều môn đối kháng như võ thuật, dù ít nhưng dẫu sao các bạn vẫn còn có thời gian để làm đẹp. Chứ như tụi em, chẳng đứa nào biết tới đánh phấn, làm tóc, sơn móng tay… bao giờ. Bọn em cũng thích đi mua sắm quần áo, thi thoảng có thời gian cũng rủ nhau đi mua nhưng xong rồi lại cất ở phòng vì chẳng có thời gian mặc”.
“Thi thoảng, mấy chị em hay đùa với nhau rằng chắc sắm quần áo đẹp về chỉ để chụp ảnh trong phòng. Còn chuyện đi guốc thì không dám mơ vì cổ chân đứa nào cũng bị lật hay lỏng. Bạn nào bị nhẹ thì sau giải nghệ 3-4 năm mới đi guốc được còn với chấn thương của em, chỉ có phẫu thuật mới dám mơ đến chuyện đi guốc”, Lụa nói tiếp với khuôn mặt buồn buồn.
Thiệt thòi hơn nữa cho Lụa là da cô thường xuyên bị dị ứng. Cứ tập luyện dưới thảm vật bẩn và nhất là sau mỗi chuyến tập huấn nước ngoài, Lụa lại phải đi bệnh viện da liễu điều trị mất vài tháng vì da nổi mẩn do lạ nước, dị ứng. Song tất cả những thiệt thòi đó không làm Nguyễn Thị Lụa nản lòng, bởi với cô, đã đam mê là phải theo đuổi tới tận cùng.
Cứ đến SEA Games là... khóc
Trong lịch sử tham dự SEA Games, không có tuyển thủ Việt Nam nào phải chịu nhiều ấm ức như cô gái đất vật Hà Nội này. Lụa sớm đạt tới đẳng cấp vô đối so với các đối thủ cả trong nước lẫn khu vực, nhưng lại luôn không có duyên với đấu trường được ví như “ao làng”.
Từ kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2007, Lụa cứ đến rồi lại về trong sự uất ức, đầy nước mắt. Như ở SEA Games 25 diễn ra tại Lào năm 2009, các đối thủ thấy có tên Lụa đăng ký so tài, nên biết không có “cửa” tranh huy chương và đồng loạt rút tên tham dự, khiến hạng cân của Lụa thiếu vận động viên, phải hủy bỏ.
Trong những kỳ SEA Games sau đó, Nguyễn Thị Lụa cũng chỉ có thể thể hiện tài năng một lần (năm 2013) rồi giành chức vô địch, bởi SEA Games 2011 và 2015 nội dung vật nữ không có trong chương trình thi đấu. Tính đến SEA Games 2015, Lụa coi như đã bị mất trắng 4 tấm HCV, hầu hết vì lý do đối thủ bỏ cuộc hay BTC nước chủ nhà không tổ chức môn vật vì Việt Nam... quá mạnh.
Mất HCV nhiều đã thành quen, nhưng điều cay đắng và chạnh lòng nhất với nữ đô vật người Hà Nội, là cô không thể mang về gia đình những phần thưởng từ thành tích để trang trải cuộc sống vốn rất nghèo khó.
Riêng tiền thưởng thành tích, vốn là nguồn thu nhập chính của VĐV Việt Nam, Lụa chỉ nhận được bằng một phần nhỏ so với đồng nghiệp môn khác có đẳng cấp thua mình nhiều. Do gần như “mất trắng” SEA Games nên nhiều năm qua, thu nhập của Lụa chỉ trông chờ cả vào mức tiền công tập luyện hàng ngày, cộng thêm khoản tiền thưởng thi thoảng mới có khi xuất sắc đoạt huy chương Asiad hay giải vô địch châu Á. Tính từ Asiad 2014 đến giờ, khoản thưởng duy nhất mà Lụa nhận được chỉ là 25 triệu đồng cho HCB giải vô địch châu Á 2016.
Nụ cười Olympic
Bi kịch SEA Games kéo dài gần chục năm, những đánh đổi, sự hi sinh, lại trở thành một động lực mãnh liệt để Nguyễn Thị Lụa vượt lên. Tại vòng loại Olympic 2016 khu vực châu Á diễn ra tại Kazakhstan hồi đầu năm, cô gái đất vật Yên Nội đã giành quyền dự Olympic 2016 và đi vào lịch sử môn vật với tư cách là VĐV đầu tiên 2 lần liên tiếp giành vé chính thức tham dự Olympic.
Ở lần dự Olympic 2012, cô đã để thua ngay tại vòng đấu đầu tiên, chỉ sau chưa đầy một phút thi đấu. Trận thua ấy còn ám ảnh Lụa và các nhà quản lý thể thao Hà Nội đến tận bây giờ. Vì thế, lần tham dự Thế vận hội năm nay Nguyễn Thị Lụa đã được đầu tư đặc biệt, quyết làm được “cái gì đó” ở sân chơi số 1 hành tinh.
Cụ thể, Lụa đã trải qua 3 tháng sang Trung Quốc rèn giũa xuyên qua Tết Nguyên đán. Đặc biệt, cô gái người Hà Nội đã chấp nhận thay đổi hoàn toàn những thói quen sinh hoạt, tập luyện để đôn lên hạng 51 rồi 53 kg, điều khó hơn nhiều lần so với việc giảm cân.
“Dù mỗi lần nghĩ SEA Games, tôi lại rơi nước mắt. Tuy nhiên, đến giờ tôi lại thấy mình phải cám ơn những nỗi đau đó, bởi có lẽ một phần quan trọng nhờ mình biết đứng lên từ đó nên mới có được 2 suất Olympic, 1 tấm HCB Asiad”, Lụa tâm sự.
Cái tên Nguyễn Thị Lụa lại được nhắc đến với thể thao Việt Nam như một biểu tượng của sức chiến đấu bền bỉ, ý chí vươn lên đáng khâm phục. Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo khó như bao VĐV Việt Nam khác, lại theo môn vật vốn đầy khắc nghiệt và thiệt thòi, nhưng với cô gái quê Hà Tây cũ, “có công mài sắt, có ngày nên kim”, đã giúp Lụa đạt được giấc mơ tham dự Olympic tới 2 lần. Lụa có thể tự hào và mỉm cười về chiến tích đó, nhưng chắc chắn phía trước vẫn còn nhiều đỉnh cao phải chinh phục.