Dư luận cho rằng, việc giải quyết chậm trễ của cơ quan chức năng trong đó có dấu hiệu bao che của cán bộ khiến cho các quan thôn này “nhờn thuốc” và xem thường người dân, xem thường dân chủ ở cơ sở.
Bà Đặng Thị Hiền 78 tuổi chỉ mong có sổ hộ nghèo
để đi khám bệnh còn được chút ưu tiên.
Nhiều sai phạm
Nhiều việc như xà xẻo gạo cứu đói, cấp sổ hộ nghèo cho em trưởng thôn không qua tổ chức nào xem xét trong khi nhiều hộ khác khó khăn nhưng không được cấp; thu chi các khoản ngân sách không công khai trước dân, nhiều khoản thu không biên lai giấy tờ... đã được người dân, trong đó có các ông: Trần Văn Kỳ, Cao Khả Quang, Trần Văn Tường và Đinh Hữu Phước (thường trú tại thôn Thác Đá) đứng đơn tố cáo hơn 13 năm nay và được xác minh làm rõ trong Báo cáo số 12/BC-TTr ngày 27/5/2002 của Đoàn Thanh tra huyện Cư M’gar, trong đó đề nghị truy thu, xử lý trách nhiệm từng cá nhân. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà những đối tượng này vẫn yên ổn.
Ông Cao Khả Quang nguyên là cán bộ HĐND xã, người từng bị cán bộ thôn vu cáo lấy cắp TV của thôn, nhưng xác minh đó chỉ là vu khống đến nay vẫn chưa nhận được lời xin lỗi, bức xúc cho rằng, sai phạm của các ông này rất rõ nhưng đến nay gạo không thấy thu lại, tiền cũng không nộp lại mặc dù gia đình họ hiện nay kinh tế rất giàu.
Trước những việc làm không kiên quyết của huyện Cư M’gar và UBND xã Ea Kuêh khiến cho các cán bộ sai phạm không chỉ coi thường kỷ cương phép nước mà còn cấu kết tự ý đề ra các khoản thu trái quy định ép người dân trong thôn phải đóng tiền mà không qua họp dân. Cụ thể theo ông đơn khiếu nại, tố cáo của các ông Kỳ, Quang, Tường, Phước thì lấy cớ làm đường nghĩa địa đã bắt người dân mỗi hộ đóng 60.000 đồng, thế nhưng sau khi bắt người dân đóng các ông này chỉ mua được 1 xe đá rải đường và không công khai tài chính. Các cán bộ thôn này còn tự ý nâng quỹ thôn từ 25.000 lên 50.000 đồng nhưng không thông qua dân…
Thậm chí các cán bộ thôn này còn tìm cách trả đũa những người tố cáo. Ông Trần Văn Kỳ cho biết, ngày 4/6/2016 các ông Đinh Văn Cương, Nguyễn Văn Thắng, Văn Đức Tuấn, chi hội nông dân, phụ nữ, người cao tuổi tự ý họp bàn và trích biên bản làm giả nói là văn bản họp thôn gửi lên Đảng ủy, Trạm Y tế xã đề nghị thay thế vị trí cán bộ y tế thôn của ông. Tuy nhiên Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar không chấp nhận yêu sách này.
Đáng chú ý, theo ông Cao Khả Quang khoản tiền một năm xã cấp kinh phí cho Mặt trận thôn 2,7 triệu đồng để hoạt động nhưng 5 năm nay không thấy kinh tế công khai và chi vào đâu. Bên cạnh đó, mỗi năm xã cấp kinh phí cho thôn 2,7 triệu đồng nhưng nhiều năm nay cũng không công khai trước dân.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Mặc dù người dân đã có đơn thư gửi lên UBND huyện Cư M’gar và xã Ea Kuêh nhưng cho đến nay thì những sự việc do Đoàn Thanh tra số 477 huyện Cư M’gar kết luận, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm vẫn chưa được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc khiến cho người dân cho người dân mất niềm tin với chính quyền và dư luận bất bình.
Cụ thể theo Thông báo số 217/TB-UBND ngày 31/12/2015 của UBND huyện Cư M’gar thì năm 2006, xã Ea Kuêh được thành lập nhưng vụ việc thi hành Kết luận và kiến nghị của Đoàn thanh tra huyện không được UBND xã Ea Kiết (thôn Thác Đá trước thuộc xã Ea Kiết) bàn giao cho UBND xã Ea Kuêh, do đó UBND xã Ea Kuêh không biết vụ việc. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của ông Quang thì xã Ea Kuêh đã kiểm tra, sà soát và ra quyết định thu hồi số tiền 1,326 triệu đồng của ông Nguyễn Văn Thắng nguyên thôn trưởng thôn Thác Đá năm 2002 đã chiếm giữ; thu hồi 27.000 đồng của ông Nguyễn Danh Thuận nộp ngân sách xã và thu hồi 17kg gạo theo giá hiện hành của ông Đinh Văn Cương nguyên Bí thư thôn năm 2002 còn giữ chưa phát cho dân.
Dư luận cho rằng, việc giải quyết chậm trễ của cơ quan chức năng trong đó có dấu hiệu bao che của cán bộ khiến cho các quan thôn này “nhờn thuốc” và xem thường người dân, xem thường dân chủ ở cơ sở.
Nói như ông Bùi Huy Hùng- Chủ tịch UBND xã thì UBND xã có nhận được đơn thư của người dân thôn Thác Đá; có nghe các đơn vị sử dụng chung nghĩa trang báo lại và đã đề nghị 3 đơn vị sử dụng nghĩa trang trong đó có thôn Thác Đá phải họp cấp ủy lại, nhưng đến nay chưa thấy các thôn, buôn có phản hồi (mặc dù sự việc này đã diễn ra gần 2 năm nay). Đối với quỹ công chuyên dùng thì thôn đã nộp cho xã và có biên lai; còn việc thu quỹ thôn thì phải căn cứ vào họp dân, thu hay chi phải công khai trước dân và phải thông qua HĐND xã giám sát.
Những việc ông Hùng trao đổi là hợp tình hợp lý, tuy nhiên chính sự thiếu giám sát của Đảng ủy, chính quyền địa phương và của MTTQ xã đã tạo kẽ hở cho một số cán bộ có dấu hiệu vi phạm ở thôn Thác Đá lộng hành xem thường và nhũng nhiễu nhân dân, gây mất đoàn kết, mất dân chủ.
Trước những khúc mắc và sai phạm ở thôn Thác Đá, hi vọng huyện Cư M’gar và tỉnh Đắk Lắk cần sớm vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm không để một vết xám “làng Nhô” tồn tại ở một thôn nghèo xã vùng xa Ea Kuêh, khiến người dân mất niềm tin.