Chuyên gia ngành bán lẻ, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú, trong cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về việc tiêu thụ nông sản đã khẳng định: Vấn đề quan trọng nhất là phải chuyên nghiệp hoá quá trình tiêu thụ nông sản, nâng cao kỹ năng sản xuất cho nông dân.
PV:Thưa ông, mặt hàng nông, thủy sản ở Việt Nam vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng lúc dư thừa, phải đổ bỏ hoặc bán dưới giá thành. Trong khi đó, người tiêu dùng lại phải mua hàng với giá cao?
Ông Vũ Vinh Phú: Vấn đề cung - cầu hàng nông sản luôn mất cân đối. Một mặt do sức mua trong nước còn yếu, sản phẩm làm ra chưa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng ở đây tôi muốn nói rõ hơn về sự yếu kém của hệ thống phân phối hàng hóa, đặc biệt là phân phối hàng nông sản.
Hiện nay chỉ có khoảng 7% hàng nông sản vào được hệ thống phân phối chính thức (siêu thị) còn lại 93% sản lượng đưa ra thị trường tự do. Mà ở thị trường tự do thì hàng chất lượng hay không đều bị ép giá.
Thực tế người tiêu dùng vẫn phải mua hàng giá cao trong khi giá tại nơi sản xuất rẻ là do hàng hoá phải qua quá nhiều khâu trung gian. Mà vấn đề ở đây là hạ tầng hệ thống phân phối của thương mại bán lẻ chưa chuyên nghiệp. Thế nên mới có chuyện một kg hàng chuyển từ Ecuado về Việt Nam có chi phí vận chuyển và logistic thấp hơn chi phí từ TP HCM ra Hà Nội. Một con lợn quá trình “đi” từ chăn nuôi đến giết mổ và tiêu thụ phải chịu 51 loại phí, một quả trứng chịu 13 loại phí… là những minh chứng rõ nét cho vấn đề hạ tầng và chi phí sản xuất kinh doanh ở nước ta còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, hàng hóa trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ còn chịu nhiều chi phí vô lý do hệ thống giao thông, kho bãi chưa đồng bộ, từ đó giá bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, hàng hóa cũng bị tăng chi phí, tăng tỷ lệ hao hụt sản phẩm nuôi trồng và đánh bắt khi làm ra không có kho dự trữ chiến lược, dễ bị xuống cấp, ép giá.
Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản, cần nhìn nhận vai trò của hệ thống các siêu thị?
- Khi hàng loạt các chợ dân sinh tạm thời đóng cửa do dịch Covid-19 thì kênh siêu thị, sàn thương mại điện tử là hai “địa chỉ vàng” tiêu thụ hàng nông sản. Nhưng các siêu thị cần tăng cường vấn đề dự trữ hàng hóa, tổ chức bán hàng hợp lý, đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung.
Bên cạnh đó Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên trong tất cả các khâu từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, thị trường tiêu thụ đều gặp khó khăn… Do đó, các địa phương cần xây dựng các kịch bản thu hoạch, tập kết nông sản tạo thuận lợi cho các DN ngành bán lẻ.
Nhưng các siêu thị phản ánh, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc giúp người dân tiêu thụ nông sản nhưng tỷ lệ nông sản vào hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm chưa đến 10%?
- Muốn khắc phục vấn đề này đòi hỏi cơ quan quản lý như Sở Công Thương, Sở NN&PTNT phải tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói… qua đó đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh đơn lẻ phát triển thành nhóm, tổ sản xuất. Qua đó tham gia vào chuỗi cung ứng bán lẻ hiện đại, góp phần ổn định giá cả thị trường. Ngoài ra, cơ quan quản lý nên thường xuyên tổ chức hoạt động kết nối giữa các siêu thị với đơn vị sản xuất, từ đó người sản xuất nắm bắt những quy định, tiêu chuẩn cung ứng nông sản, cách thức đưa nông sản vào hệ thống siêu thị. Ở chiều ngược lại, chính người nông dân phải đảm bảo chặt chẽ quy trình sản xuất, chất lượng uy tín sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Nhiều năm nay người nông dân luôn ở tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Theo ông, làm sao để khắc phục vấn đề này?
- Những năm gần đây, nông dân đã được hỗ trợ cơ sở hạ tầng, khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn... để sản xuất hàng hóa với trình độ ngày một cao hơn, hiệu quả hơn, có thu nhập ngày càng khá giả. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung trên thế giới và khu vực, hiện nay nông dân Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa. Họ vẫn thiếu kiến thức về tổ chức sản xuất quy mô lớn, về khoa học - công nghệ, về thị trường... Chúng ta không thể phát triển một nền nông nghiệp chỉ với những hộ nông dân đơn lẻ, sản xuất nhỏ, thiếu gắn kết với thị trường.
Để giải quyết, trước hết, chúng ta phải sản xuất phải theo quy hoạch, tổ chức các cánh đồng mẫu lớn, sớm hình thành các chuỗi sản xuất và phân phối hoạt động hiệu quả, phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Nên hỗ trợ và khuyến khích người nông dân trở thành các cổ đông của DN nông nghiệp. Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đất nước cần nhiều hơn những tập đoàn, DN lớn đủ sức dẫn dắt thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!