Những ngày qua, dư luận nóng về việc ứng xử thế nào với cây bên Hồ Gươm. Cũng phải thôi bởi Hồ Gươm được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, nó không chỉ của Hà Nội mà còn là của cả nước, là hình ảnh đẹp của Việt Nam với thế giới.
Dư luận còn nóng về việc Hà Nội sẽ “giải quyết” những hàng cây xanh lâu năm ra sao khi phát triển cơ sở hạ tầng, mà cụ thể là hàng cây xà cừ trên đường vành đai 3.
Cây lộc vừng bên Hồ Gươm.
Chuyện cây cũng là chuyện người. Đó là thái độ của chúng ta đối với thiên nhiên, với cây xanh, nhất là trong lòng một đô thị hiện đại.
Nhiều năm qua, do buông lỏng quản lý, diện tích cây xanh che phủ dần bị thu hẹp. Quá nhiều cánh rừng ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... bị chặt hạ. Nạn lâm tặc hoành hành đục rỗng ruột những vạt rừng rộng lớn vẫn xảy ra.
Hơn năm trước, tại một hội nghị tổ chức ở Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng cửa rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ.
Chỉ đạo của Thủ tướng nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của xã hội. Nhưng cuộc chiến với lâm tặc vẫn rất căng thẳng.
Nhiều diện tích rừng vẫn biến mất, nhiều cây gỗ quý lâu năm vẫn bị đốn hạ. Cuộc chiến giữa những người bảo vệ rừng với lâm tặc vẫn rất căng thẳng.
Trong cuộc chiến ấy thấy rõ vai trò to lớn của người dân khi tố cáo lâm tặc. Nhưng khách quan cũng cho thấy sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như kiểm lâm, khi sự phát hiện rừng bị phá phần lớn đến từ phía người dân. Và khi chính quyền cùng ngành chức năng vào cuộc thì phần quý giá nhất của rừng hầu như đã bị tàn phá.
Cũng cần nhìn nhận rõ hơn trách nhiệm của những chủ đầu tư các dự án thủy điện, hồ, đập trữ nước tại những vùng rừng. Theo quy định, khi lấy đất rừng làm dự án thì chủ đầu tư phải trồng lại một diện tích rừng tương đương.
Nhưng nhiều ông chủ chỉ tính đến phần lợi của mình, bỏ mặc quyền lợi của người dân cũng như hy sinh luôn sự phát triển bền vững khi không chịu trồng lại rừng, hoặc có chăng cũng chỉ làm qua quít. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều vạt rừng biến mất, dẫn đến việc môi trường sinh thái bị biến động ngày một xấu.
Chúng ta đã nói rất nhiều về môi trường, về rừng, về cây xanh nhưng việc chuyển biến từ nhận thức đến hành động chưa rõ, hay nói cách khác là rất yếu kém.
Nhiều người không ý thức được việc phá bỏ dù chỉ là một cây thôi cũng tác động đến môi trường, khí hậu. Người ta lại càng không nhận ra việc hài hòa trong cuộc sống giữa con người với thiên nhiên, trong đó cây xanh là yếu tố hết sức quan trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa trông rộng đã phát động Tết trồng cây vào mùa xuân hàng năm để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Tới nay, phong trào vẫn được duy trì nhưng không còn sôi nổi, và đáng nói hơn là diện cây cây xanh bị chặt hạ lại luôn lớn hơn diện tích trồng mới. Đó là điều thật khó chấp nhận.
Trở lại với vấn đề cây xanh ở Hà Nội. Chiều 5/7, phát biểu trước HĐND thành phố về vấn đề dịch chuyển cây xanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu quan điểm liên quan đến đường vành đai 3, sau đó là đường vành đai 2, các bãi đỗ xe ngầm và một số tuyến đường.
Ông Chung cho biết, quan điểm nhất quán của Thường trực Thành ủy chỉ đạo thành phố, các sở ban ngành là trong quá trình thực hiện đều phải nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc bởi cây xanh cũng là chương trình thành phố quan tâm để xây dựng và phát triển.
Các đơn vị liên quan đều xem xét cẩn thận, tỉ mỉ trên tinh thần đánh giá cụ thể, chi tiết từng cây xanh, từng tuyến đường, từng dự án và những cây nào còn độ phát triển thì đánh chuyển, những cây nào cong queo, không còn phát triển nữa thì phải chặt.
Về việc di chuyển, chặt hạ gần 1.300 cây xà cừ trên đường vành đai 3, ông Chung cho biết, theo đánh giá của UBND thành phố và các nhà khoa học thì nếu đánh chuyển toàn bộ thì phải chuẩn bị diện tích 7ha bởi mỗi cây cần 50 - 60 mét vuông, phải chi 100 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng chưa kể chi phí đánh chuyển hết 60 - 70 tỷ đồng.
“Cá nhân tôi cam kết làm sao trồng cây xanh, phát triển cây xanh thật đẹp cho thành phố. Đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 10 - 11 mét vuông/ người hoàn toàn có khả thi và chúng tôi sẽ làm quyết liệt, hiệu quả nhất, tốt nhất”- ông Chung khẳng định.
Trước dư luận lo ngại sẽ thay thế cây xanh bên Hồ Gươm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, lãnh đạo Hà Nội chưa bao giờ đề cập đến việc thay thế cây xanh quanh Hồ Gươm mà chỉ là chỉnh trang cảnh quan chung quanh và cải tạo nước hồ.
Theo đó, dự định chỉnh trang Hồ Gươm gồm các hạng mục chính: một là nạo vét; hai là làm sạch lại nước hồ trên tinh thần vừa làm sạch được môi trường vừa bảo tồn được nét riêng của nước hồ; ba là chỉnh trang lại ánh sáng của Hồ Gươm cho đẹp; bốn là có tính toán ốp lát lại bằng đá tự nhiên để làm sao bảo đảm sự bền vững.
Cùng ngày 5/7, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản thông báo không có nội dung thay thế cây xanh trong dự án chỉnh trang Hồ Gươm.
Như vậy bước đầu đã thấy niềm vui khi lãnh đạo Hà Nội có thái độ rất nghiêm túc trong việc chặt cây cũ, di dời cây, trồng cây mới trong nội thành, kể cả việc chặt cây để mở rộng giao thông.
Khi mà những cánh rừng đã “vãn” cây; khi mà môi trường đô thị ngày thêm ngột ngạt thì việc dành diện tích đất thích đáng cho cây được sống cùng người, tỏa bóng mát, làm sạch không khí cho con người là điều quan trọng không chỉ trước mắt mà rất lâu dài.
Hà Nội từng nổi tiếng là thành phố cây xanh, thì nay cũng cần rất nhiều nỗ lực để giữ cho được “thương hiệu” ấy. Người ta vẫn không thôi rung động trước những đường phố Thủ đô mát rượi trưa hè do được những hàng cây sao, cây sấu, cây xà cừ, bằng lăng... che chở.
Chuyện cây xanh cũng là chuyện của con người. Một khi trong quá trình phát triển, đô thị ngày một chật chội, nhưng con người vẫn không giành đất của cây thì đó chính là một cách ứng xử văn hóa, là tầm nhìn xa trông rộng, là trách nhiệm đầy đủ với thành phố và các thế hệ công dân hôm nay và mai sau.
Đời người thường ngắn hơn đời cây, vì thế việc ứng xử với cây xanh không bao giờ là chuyện nhỏ.