Chuyện nóng ở 'ao làng'

An Chi 02/07/2017 08:05

SEA Games còn 1 tháng nữa sẽ khai mạc và ngay từ bây giờ, những trò hề của sân chơi được ví với “ao làng” này, đã làm nóng các diễn đàn. Thậm chí, tới đây, nhiều khả năng sẽ có một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa nước chủ nhà Malaysia với phần còn lại…

Vì sao lại nóng?

Mới đây, Malaysia - BTC nước chủ nhà SEA Games 29, đã thông báo họ sẽ thay đổi nguyên tắc bốc thăm thông thường ở môn bóng đá nam - nữ, futsal nam – nữ và nhiều môn thi đấu khác, khiến các quốc gia tham dự từ bất ngờ tới sốc.

Đáng chú ý ở môn bóng đá nam- môn thi đấu có sự đua tranh khốc liệt nhất ở SEA Games, theo chiêu trò của Malaysia, 2 đội hạt giống số 1 là Thái Lan (HCV SEA Games 28) và Myanmar (HCB SEA Games 28) sẽ được chia vào 2 bảng lần lượt với mã số A1 và B1. 8 đội còn lại sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên vào các mã số A2, B2, A3, B3, A4, B4. Kết thúc lượt bốc thăm thứ 4, chủ nhà Malaysia sẽ được quyền chọn bảng đấu mà không qua bốc thăm. Như vậy, Malaysia sẽ tránh được bảng tử thần và có thể chọn luôn được bảng có 5 đội (chỉ phải thi đấu 4 trận).

Malaysia muốn lấy HCV SEA Games ở môn bóng đá, điều đó là rất rõ ràng. Nhưng, việc quốc gia này đè mọi quy chuẩn từ trước đến nay để đạt mục tiêu thực sự là... không thể tin nổi!

Đây không phải lần đầu với tư cách chủ nhà Malaysia can thiệp một cách phũ phàng vào đại hội thể thao lớn nhất khu vực sẽ tổ chức vào tháng 8 tới đây. Trước đó trong các kỳ họp chuẩn bị nước chủ nhà SEA Games 29 cũng đã một cách phũ phàng đưa nhiều nội dung của thể thao đỉnh cao có mặt ở Olympic ra khỏi đại hội.

Trước nguyên tắc bốc thăm kiểu “ép người quá đáng”, VFF đã đề nghị Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam cần phải có tiếng nói với nước chủ nhà SEA Games 29. Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết, ông đã trực tiếp điện đàm với Hoàng thân Imran - Chủ tịch Ủy ban Olympic Malaysia.

Ông Giang đề nghị phía Malaysia cần có động thái cần thiết nhằm tạo tính công bằng trong lễ bốc thăm sắp tới, ở tất cả các môn thi đấu chứ không chỉ riêng bóng đá nam. Với Tổng cục TDTT, cơ quan này cũng phản đối cách làm của BTC SEA Games Malaysia. Người đứng đầu Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, Tổng cục sẽ có ý kiến và văn bản gửi lại phía BTC chủ nhà Malaysia.

Về phần mình, VFF cùng với Liên đoàn Bóng đá các quốc gia thành viên trong khu vực, sẽ lên tiếng mạnh mẽ tại cuộc họp Hội đồng LĐBĐ Đông Nam Á, về vụ việc BTC nước chủ nhà SEA Games 29 Malaysia tự cho mình đặc quyền bốc thăm.
“Các quốc gia trong khu vực đều không chấp nhận cách bốc thăm của BTC nước chủ nhà. Chúng tôi sẽ có sự đoàn kết, có tiếng nói chung và rất quyết liệt về vấn đề này”, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Khó thay đổi vì...ao làng

Đang chịu nhiều sức ép từ các quốc gia trong khu vực liên quan tới vụ lùm xùm tự cho mình đặc quyền chọn bảng đấu khi bốc thăm SEA Games, Malaysia đã bắt đầu “phản công” bằng chính những chiêu trò ở sân chơi “ao làng”.

Trong phát biểu mới đây trên báo chí, Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Malaysia Sieh Kok Chi khẳng định việc chủ nhà tự chọn bảng đấu không phải là phi lý và từng có tiền lệ. Cụ thể, ông Sieh Kok Chi cho biết, trong quá khứ, chủ nhà Việt Nam tại SEA Games 22 hay Indonesia tại SEA Games 26 cũng được chấp thuận cho tự chọn bảng đấu. Đại diện BTC nước chủ nhà SEA Games 29 cho biết thêm, trước khi gửi luật sơ bộ cho Liên đoàn Bóng đá các nước trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia đã nhận được sự đồng thuận của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Như vậy, Việt Nam cùng Indonesia đã được Malaysia lôi vào vụ lùm xùm tốn nhiều giấy mực lần này. Tất nhiên, cuộc tranh cãi sẽ chưa thể kết thúc, bởi trong khi các quốc gia khu vực có tiếng nói chung thì Malaysia lại đang có lợi thế là nước chủ nhà và điều quan trọng là họ không tự đặt ra điều lệ bốc thăm “trò hề”, mà đã có tiền lệ.

Malaysia đã mang đúng cái luật “ao làng” để đối phó lại với những chỉ trích. Đây không phải là chuyện mới gì ở SEA Games, bởi quốc gia nào cũng vậy, cứ đăng cai là tự cho mình rất nhiều đặc quyền, và chuyện bốc thăm chỉ là rất nhỏ trong những câu chuyện bi hài.

SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia, hàng loạt môn được gọi là “thể thao” như đánh bài, trượt patin, leo tường… đã được nước chủ nhà đưa vào nội dung thi đấu. SEA Games 27 ở Myanmar, nước chủ nhà cũng tranh thủ đưa môn thể thao biểu diễn chilone, rồi đua ngựa băng đồng vào nội dung tranh huy chương và tất nhiên một số môn cơ bản khác đã bị loại vô lý.

Với Việt Nam, SEA Games đầu tiên chúng ta từng tổ chức, cũng xảy ra điều tương tự khi cầu chinh và lặn đã được chúng ta đưa vào để gom vàng...

Các quốc gia đang chỉ trích Malaysia, nhưng họ quên rằng chính mình cũng từng mang “trò hề”, và những chiêu trò đã thành lệ ở làng thể thao Đông Nam Á kể từ khi ra đời đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện nóng ở 'ao làng'