Đèo Phượng Hoàng dài 12km, nằm trên Quốc lộ 26, như một sợi dây kết nối hai tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hòa. Con đèo độc đáo bởi những thú vị, ân tình, những đổi thay cùng nếp sống của người Ê Đê và những dân tộc anh em. Dưới con đèo là thảo nguyên Ma Đ’rắc, là những cánh đồng trù phú năm này qua năm khác hiến vị ngọt ngào chắt ra từ lòng đất. Đèo như một sinh thể chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của con người, thế hệ này qua thế hệ khác.
Những ngôi nhà bên đèo Phượng Hoàng.
Đứng trên đỉnh đèo lộng gió, già làng Y Minh ở buôn Ea Bra (xã Ea Trang, huyện Ma Đ’rắk, Đắc Lắc), kể: nhà dài là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội. Nhất là những dịp Tết Độc lập mùng 2-9. Lạ thay, không cần trường lớp bài bản nhưng những tiếng hát, điệu múa và cả những câu chuyện kể của người Ê Đê trên đèo Phượng Hoàng làm say lòng người.
Ông Y Minh bảo, ngay khi bước vào nhà sẽ có hai chiếc cầu thang, một cái đực, một cái cái. Cái cầu thang cái có hai bầu ngực to để nhắc nhở mọi người rằng chúng ta sinh ra và lớn lên cũng một phần nhờ vào sự nuôi dưỡng từ bầu ngực của các bà mẹ.
Cầu thang cái chỉ dành cho những người trong dòng tộc và khách quý, cầu thang đực nhỏ hơn nép phía bên cạnh nhà thì dành cho mọi người đàn ông. “Đó không phải là phân biệt mà là nét độc đáo, mang tính giáo dục riêng của người Ê Đê đấy”- ông Y Minh nói.
Chỉ 12 km, băng qua nhiều vách núi hùng vĩ nhưng đèo Phượng Hoàng đã thể hiện tầm quan trọng mang tính chiến lược của mình đó là kết nối duyên hải miền Trung với Tây Nguyên. Cựu chiến binh Lê Nam Hải, từng tham gia chiến đấu trên cung đèo này hồi tưởng lại, kể rằng: Mỗi khi trở lại đèo Phượng Hoàng như là sự trở về của ký ức hào hùng, ký ức nguồn cội với hoài niệm.
Con đèo xưa hứng chịu bao đau thương giờ bao bọc cho nhiều buôn làng, kết nối vùng Tây Nguyên nói chung, Đắc Lắc nói riêng với miền duyên hải miền Trung. Dưới con đèo là thảo nguyên Ma Đ’rắc, là những cánh đồng trù phú như quanh năm chỉ biết tận hiến vị ngọt ngào chắt ra từ lòng đất. Đèo như một sinh thể biết chừng kiến tất thảy những đổi thay, thăng trầm của đời sống con người thế hệ này đến thế hệ khác.
Không chỉ kết nối về địa lý, hàng trăm gia đình ở Ninh Tây (huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa) đã kết nghĩa cùng những người dân ở xã Ea Trang (huyện Ma Đ’rắc, Đắc Lắc). Ông Y Liệp ở Buôn Đăng (xã Ninh Tây, Ninh Hòa) bộc bạch, người Ê Đê mình không chỉ ở buôn này mà ở hầu hết nơi khác, khi thấy có người hoạn nạn luôn sẵn sàng cứu chữa ngay.
Dẫu trải qua bao thăng trầm, có lúc buôn chìm trong khó khăn, mất mùa, thiên tai địch họa, ấy thế nhưng không có một người nào nảy sinh ý đồ xấu là đi trộm cắp hay làm việc phi pháp. Cách đây 5 năm, nhiều gia đình Buôn Đăng lên kết nghĩa với những người Ê Đê ở xã Ea Trang của Đắc Lắc để rồi có những buồn vui, trắc trở chia sẻ, đỡ đần cùng nhau.
Ông Y Nghinh ở buôn M’Hạp xã Ea Trang tự hào: mình có con gái gả cho một gia đình ở xã Ninh Tây, phía dưới thảo nguyên Ma Đ’rắc ấy nên luôn nghĩ người miền xuôi cũng là anh em, là đồng bào hết. Trên đỉnh đèo này, còn có nhiều nam thanh, nữ tú kết duyên với những người ở xã Ninh Tây lắm.
Mỗi lần có lễ, có cuộc họp buôn, những người Ê Đê dọc trên cung đèo này lại nhắc nhở với nhau rằng; mỗi khi ai đó đau ốm, hoạn nạn hoặc nhà nào có chuyện như cưới hỏi, đám tang, hãy tìm đến nhau bằng sự sẻ chia, trợ giúp.
Còn bà H’Khét ở buôn Cùi (xã Ea Trang) giãi bày, vài năm trước thôi, buôn của mình gần như bị biệt lập. Trẻ con đi ra đường còn bị người ta trêu là con cái của làng cùi, làng hủi rồi tránh xa. Trêu mãi rồi chúng sợ, tối ngày chỉ thui thủi trong làng.
Khao khát lớn nhất của bà con làng mình là không còn bị mọi người thờ ơ, kỳ thị. May quá, khao khát đã thành hiện thực khi nhiều buôn làng dưới chân đèo rồi cả những thành phố dưới xuôi nữa hay có các đoàn lên thăm, tặng quà và giao lưu nên cuộc sống buôn Cùi có thêm sinh lực hơn, vui tươi hơn, khao khát vươn lên hơn.
Vui thì vui thật, nhưng những con người sống lâu bên đèo Phượng Hoàng giờ vẫn không khỏi ấm ức. Đó là chuyện núi rừng và nguồn nước. Theo tập tục, khi vào rừng bà con chỉ chặt cái cành, thấy dòng suối trong không dám làm vẫn đục, thấy con thú, con cá cái đang mang thai không bao giờ bắt.
Nước và rừng chính là máu và thịt. Nước cạn, rừng kiệt thì đau biết mấy. Vậy mà giờ niềm đau ấy cứ như mũi tên khoan vào tim khi rừng bị thu hẹp, bị tàn sát. Suối chỗ này, chỗ kia bị ô nhiễm, bị chiếm.
Càng đau hơn khi cách đây ít tháng còn nghe thông báo nguyên Phó bí thư Đảng ủy xã Cư San và nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học ở Cư San cũng bị bắt vì phá rừng. Mà Cư San là nơi ẩn chứa những cánh rừng quý hiếm của Ma Đ’rắc. Rồi cả những cánh rừng căm-xe dưới chân đèo Phượng Hoàng thuộc xã Ninh Tây cũng chảy máu.
Đèo Phượng Hoàng vãn lừng lẫy như vậy, nhưng những gì đang diễn ra nghĩ cũng thật buồn. Vậy, phải làm cách nào đây?