Chuyện ở ngã ba Đông Dương

Hà Văn Đạo 07/08/2015 09:14

“Lại có thêm thằng Y Mung kéo bạn bè đến cướp chiêng đi bán, phá rừng nữa rồi. Chân nó bị cây đè gãy luôn rồi…” - Tiếng kêu thảng thốt của già làng Thao Hinh dội vào không gian bảng lảng của chiều biên giới Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum cách đây hơn mười năm cứ ám ảnh tôi mãi. Ám ảnh hơn nữa là những buôn làng thuộc các xã Bờ Y, Sa Lon, Đắk Xú, Đắk Ang… trải dài rằng rặc trong sự tĩnh mịch, lạc hậu và đói nghèo. Khi ấy, mỗi câu chuyện ở ngã ba Đông Dương này đều như một cuốn phim buồn khiến người chứn

Chuyện ở ngã ba Đông Dương

Những buôn làng nghèo nhất cũng đã có nhà kiên cố và cuộc sống bình yên

1. Cứ ngỡ mình đang mơ. Câu nói buột miệng của kỹ sư Trần Trọng Lịch người đã có mặt đầu tiên ở vùng đất này sau ngày giải phóng khiến cho chúng tôi bừng tỉnh khi chiếc xe chuẩn bị chạm cột mốc biên giới. Nhìn những con đường nhựa thẳng tắp, những dãy nhà kiên cố nối tiếp nhau, ông Lịch thổn thức, “những năm 1980, tôi là cán bộ trẻ năng động và hừng hực khí thế muốn đổi thay vùng đất này”. Bao người ngăn cản, ông Lịch vẫn quyết đi, trong đầu ông lúc nào cũng chỉ nung nấu một ý định, tất cả rồi sẽ khác, mà đầu tiên phải làm cuộc cách mạng tư duy. Ăn với dân buôn, ngủ với dân buôn, cầm tay dân buôn chỉ việc, chẳng mấy chốc hơn 2.000 hộ dân các dân tộc Banar, Xê Đắng, B’râu… vùng biên giới này đã biết làm lúa rẫy, biết trồng cây lương thực theo kỹ thuật, trẻ con biết học chữ.

Rồi con trâu, con bò trong tiềm thức từ thuở hồng hoang của dân tộc Giẻ Chiêng, Bờ Râu, Xê Đăng… chỉ dùng để tế thần. Thế mà ông Lịch mang ra cày, kéo. Người dân các bản làng ngơ ngác nhìn. Họ bảo ông Lịch chán sống rồi sao mà dám làm ngược lại thần linh. Vàng thật không sợ lửa, dù ngày mưa tuôn hay nắng cháy ông Lịch cũng mang trâu ra cày cho dân xem, năng xuất gấp 10 lầm làm ruộng bằng tay không. Hiệu quả ấy đã xua tan nỗi lo âu, lấn bấn của đồng bào bản địa. Trên chuyến xe hôm ấy, ông Nguyễn Trọng Hảo-Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế Kon Tum cũng ngỡ ngàng. Ông bảo, anh thấy đấy sức vươn của một vùng đất từng là hoang tàn đến rợn người bây giờ đã bung bật một màu no ấm, căng tràn. Tôi phỏng đoán chưa đầy 6 năm nữa, cả vùng này sẽ là đô thị loại III. Với những gì đang diễn ra thì phỏng đoán của ông Hảo không có gì là xa vời cả. Ông Hảo là thế hệ cán bộ tiếp nối của ông Lịch. Cùng với các đường lối, quyết sách về nông nghiệp thì việc ra đời hàng loạt khu công nghiệp đã đưa vùng đất này chạm ngưỡng đô thị. Làm được điều ấy, lòng những người như ông Hảo phải không ngừng trăn trở. Ông trải lòng mình: Thấy mỗi khu công nghiệp hoạt động yếu, thu hút được ít công nhân địa phương là lòng đau lắm. Bởi công nghiệp và kinh tế không phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc dân địa phương ít thu nhập, sẽ nghèo.

Chuyện ở ngã ba Đông Dương - 1

Siêu thị và khách sạn cũng đã mọc lên trên mảnh đất xưa kia chỉ là hoang vu

2. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tiến Tùng (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói với tôi rằng, nếu đi tìm nét độc đáo trong lễ hội của dân tộc bản địa Tây Nguyên mà không đến ngã ba Đông Dương thì coi như chưa nghiên cứu được gì.

Phải lòng với cồng chiêng và các đêm hội. Ông Nguyễn Tiến Tùng quả quyết vậy khi mỗi năm ông đều dành vài tháng đến với ngã ba Đông Dương này.

Đã bước vào tuổi 80, sức khỏe như chuyến tàu đang trượt dần về ga cuối nhưng người đàn ông, có ánh mắt sáng quắc và tinh nhanh ấy vẫn từ sáng đến đêm cần mẫn lau chùi từng chiếc chiêng, nghiên cứu từng đoạn, từng bài chiêng. Ông là Thao Linh (ở xã Đắk Ang). Ông Linh bảo, khó ai bỏ qua được sự hấp dẫn, độc đáo, kỳ bí, mênh mang, da diết... của những điệu chiêng. Vượt qua sự khó khăn của vật chất, sự khắc nghiệt của thời gian và cách trở của không gian, bằng đam mê “máu thịt” những nghệ nhân như ông Linh mới gắn bó và gìn giữ được. Theo ông Linh, những năm 1985-1990 kinh tế khó khăn, hàng loạt chiêng quý trong các buôn làng ở ngã ba Đông Dương này đều lần lượt theo lái buôn hết. Lòng ông đau như thắt. Có bao nhiêu tài sản trong nhà ông bán hết để mua chiêng về cất để sau này truyền dạy cho con cháu và cộng đồng các dân tộc ở vùng biên giới này. Có chiếc chiêng của ông được trả giá hàng trăm triệu đồng, vẫn không bán. Ở vùng biên giới này nổi tiếng còn có nghệ nhân Brôi Vẻ, Bloong Vươn.

Chuyện ở ngã ba Đông Dương - 2

Thổ cẩm - rượu cần và cồng chiêng chính là hồn vía
của văn hóa bản địa luôn được gìn giữ

Nghệ nhân BLoong Vươn thổ lộ: Nếu không có những người như chúng tôi thì không còn chiếc chiêng nào nữa rồi. Tuyên truyền, động viên mãi cho đến những năm 2007 trở lại đây, cuộc sống ấm no nên bà con mới không còn ý định để cho chiêng “chảy máu” nữa. Có chiêng lại cần rèn luyện những điệu múa và những bài diễn tấu khác nữa. Cái chiêng cất lời cũng như người ta có miệng cất tiếng hát. Khi hát thì lời có lúc phải dài như sông Đắk Bla hay trầm ấm và truyền cảm như những đêm dài kể khan trong nhà sàn. Có lúc để chiêng rót vào lòng người thì tiếng chiêng phải bát ngát như đồng cỏ mênh mông, có lúc phải cao vời, thăm thẳm như trời xanh, lại có lúc phải sâu lắng...”. Không quản đêm ngày ông Vươn, ông Vẻ, ông Linh đi từng nhà dạy chiêng cho cộng đồng người Giẻ Chiêng, Banar, B’Râu... Những buổi diễn tấu cồng chiêng lại kèm theo các điệu múa xoong. Lễ hội diễn ra trang trọng, tập trung tất cả dân trong các buôn, họ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu cho bà con trong buôn khỏe mạnh; dân buôn đoàn kết, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, không được ăn trộm ăn cắp của nhau. Trong lúc diễn ra lễ cầu, tất cả nắm chặt tay nhau như truyền đi một sức mạnh của tình đoàn kết. A Mí Thanh, người dân tộc Banar tâm sự: những lễ hội thế này đã kết nối chúng tôi lại với nhau. Sau đêm hội, tất cả cùng bàn những dự định, những kế hoạch và lập nên những bản hương ước trong các cộng đồng dân tộc của mình, cùng thi đua làm giàu và giữ gìn bản sắc văn hóa. Với những sự độc đáo này, những nghệ nhân như ông Vươn, ông Vẻ đặt kỳ vọng một ngày không xa tiếng cồng chiêng ở ngã ba Đông Dương này sẽ vang vọng khắp 5 châu.

Và, thật xúc động hơn nữa khi từ buôn này nối sang buôn khác ở hầu hết các xã ở ngã ba Đông Dương, ở những vị trí trang trọng trong nhà, đều dán dòng chữ trích từ thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Đặc biệt đoạn trích: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...” được hầu hết người dân học thuộc. Ông Thao Linh thổn thức, đó cũng là cách đồng bào mình nhớ về quá khứ hào hùng, nhớ về lãnh tụ để cùng vươn lên. Ở vùng biên giới này dù là dân tộc Banar hay Xê Đăng, B’râu… thì cũng tuyệt nhiên không ganh gét, kỳ thị mà yêu thương nhau thật cái bụng lắm. Có thế mới nhanh đổi mới được.

Chuyện ở ngã ba Đông Dương - 3

Khách quốc cũng ngày càng đến ngã ba Đông Dương nhiều hơn

3. Có một nghịch lý từng diễn ra ở ngã ba Đông Dương suốt nhiều năm dài là kinh tế phát triển đến đâu, rừng bị thu hẹp lại đến đó. Nếu chiêng là hồn vía Tây Nguyên thì rừng chính là máu thịt vậy. Những bước chân lạ của kẻ xấu tìm mọi cách kéo về các buôn làng từ xã Đắk Ang, Đắk Xú cho đến Bờ Y… để dụ dỗ những thanh niên của buôn đi phá rừng. Những lâm tặc bất đắc dĩ xuất hiện. Cho đến năm 2006, rừng dần thưa thớt, đất đai cằn cỗi, thời tiết thất thường, những dòng suối hùng vỹ cũng không còn ban phát cho người dân nơi đây dòng nước mát lành, mà nổi cuồng phong. Mỗi mùa mưa lũ về, con nước lớn lại như muốn nhấn chìm đi cả những buôn làng. Bao đêm thức trắng, già làng Thao Linh đi vận động khắp buôn hãy trả lại màu xanh cho rừng và quay về với nghề thổ cẩm. Người thức tỉnh đầu tiên là K’Vanh, anh kể rằng: “Bản chất đồng bào tốt lắm, do xưa kia nông nổi, nghe kẻ xấu nên mới đua nhau đi làm lâm tặc thôi. Cứ ám ảnh mãi cái lần vào rừng chặt cây gỗ dầu cổ thụ, lúc hạ cây thì bị đè gãy tay, mấy ngày sau trời mưa bão, chạy từ rừng về lại vấp ngay vào chính gốc cây dầu đó, mặt chúi xuống những vết cưa lam nham, suýt nữa mù cả mắt. Từ đó mình không còn đi phá rừng nữa…”

Sau K’Vanh, nhiều trai tráng khác cũng thôi không làm lâm tặc nữa. Pa Them cũng vậy, do tình yêu thổ cẩm đã ăn sâu vào máu nên chỉ sau một thời gian ngắn theo chồng đi phá rừng chị đã nhớ quay quắt nghề thổ cẩm và quyết định quay về với khung dệt. Chị kể rằng: “Phá rừng thì cũng nhanh có tiền, nhưng không có cây rừng sẽ chẳng còn gì che mát cho buôn làng nữa. Thời chiến tranh, nghe kể rừng còn che bộ đội, bộ đội Cụ Hồ đánh giặc nên mới có các buôn làng no ấm như hôm nay. Bỗng thấy mình có tội lớn, nên tự nguyện đi trồng lại rừng. Theo cái chỉ tay của K’Vanh về phía mặt trời lặn, cả một khu rừng mới đang dần xanh tươi, ai cũng hy vọng rồi đây “máu thịt” Tây Nguyên lại trường tồn.

Chuyện ở ngã ba Đông Dương - 4

Sau những giờ lên rẫy lại miệt mài bên khung cửi dệt thổ cẩm

Bao năm gắn bó với vùng biên giới này, ông Nguyễn Trọng Hảo bảo, ở đây dù là dân tộc nào thì họ đều quan niệm, dệt thổ cẩm đẹp cũng là một cách đánh giá tính cách các thiếu nữ khi lập gia đình. Qua những tấm thổ cẩm người ta đoán biết người phụ nữ làm ra nó có bàn tay khéo léo, tài hoa, tâm hồn thơ mộng hay không… Và cho dù có bận rộn lên nương, lên rẫy làm cỏ, cuốc đất, nhưng đêm đến, khi mọi công việc đã xong xuôi, lúc mà mọi người nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc thì những người phụ nữ Banar, Xê Đăng, B’râu… lại cần mẫn bên khung cửi để dệt thổ cẩm. Có người vì quá say mê đã dệt thâu đêm. Còn những người đàn ông lại mang chiêng ra đánh những bản nhạc của dân tộc mình. Cứ thế, chẳng biết từ lúc nào, trong nếp nghĩ của người dân nơi đây, dệt thổ cẩm không chỉ là mưu sinh qua ngày mà đó còn là những tâm huyết bảo tồn văn hóa truyền thống. Nét văn hóa phát xuất từ tận sâu gan ruột chứ không màu mè, học đòi.

Chiều chậm trôi, mặt trời lặn dần xuống chân núi, từng buôn bắt đầu nổi lửa, không khí sôi nổi dần lên với những câu chuyện xoay quanh thổ cẩm, cồng chiêng, khi cần rượu trên những chiếc chóe vít xuống những tiếng chiêng và giọng hát, điệu múa xoong lại cất lên, ai cũng có cảm giác như “hồn” của văn hóa Tây Nguyên đang sống dậy một cách mãnh liệt...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ở ngã ba Đông Dương