Về huyện Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi nghe bà con nói đến xã Bình Giang là xã 5 không bởi ở đó có những ấp như: Mũi Tàu, Tám Ngàn, Bình Hòa, Láng Cơm hàng chục năm nay, học sinh muốn đến trường phải vượt sông qua xã Bình Sơn để học nhờ. Ngoài việc không có trường, Bình Giang còn không có đường; không có cầu bê tông; không có nước sạch dùng cho sinh hoạt hàng ngày; không có trạm y tế.
Khó khăn đường đến trường.
Hàng chục năm qua, người dân ở các ấp của xã Bình Giang mỗi lần muốn qua sông đi chợ, đi học hoặc làm bất cứ việc gì cũng đều phải lụy đò bởi ước mơ có cây cầu bắc qua sông vẫn chỉ là niềm mơ ước.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: “Bình Giang là xã anh hùng nhưng cho tới giờ vẫn chưa có cầu để nhân dân đi lại. Trước đây, dự án WB5 đến địa phương làm đường dân sinh cho bà con và trong hợp phần có xây dựng một số cầu bê-tông, nhưng do vướng khâu giải phóng mặt bằng nên dự án đã ngừng triển khai. Kể từ đó người dân lâm cảnh… thiếu đủ thứ.
Các em học sinh trong xã hàng ngày đi học phải quá giang đò hoặc nhà nào có xuồng thì đưa con em qua kênh rất nguy hiểm vì đây là tuyến đường huyết mạch nối tỉnh Kiên Giang đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Trước những khó khăn của người dân “ốc đảo”, ngày 16/3 vừa qua, Tập đoàn dược phẩm Merap - nhà phân phối thuốc nhỏ mắt Osla phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Hoàng Anh Gia Lai khởi công xây dựng công trình cầu treo Giang Sơn bắc qua kênh Tám Ngàn nối liền 2 bờ của 2 xã Bình Giang và Bình Sơn dài 66m, ngang 2,5m với tổng chi phí khoảng 1 tỷ đồng phục. Đây là cây cầu đầu tiên trong chương trình “Osla - Nhịp cầu đến trường” do Osla khởi xướng.
Có được cây cầu, bà con Bình Giang mừng lắm. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nỗi khó khăn. Mấy chục năm qua, con đường nông thôn ở xã dài khoảng 12 km thôi nhưng từ đầu kênh Tám Ngàn, xã Bình Giang đến Kênh Ranh (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vẫn đi theo đường mòn. Ông Lâm Văn Giàu, xã Bình Giang cho biết: Trước đây, xã Bình Giang, Bình Sơn thuộc xã Bình Sơn.
Nhưng từ năm 1997 được chia tách ra làm đôi và ngăn cách bởi kênh Tám Ngàn. Khi chia ra, cơ sở hạ tầng của Bình Giang vốn chẳng có gì nên nên trở thành xã… nhiều không.
Người dân muốn đi lại phải lần theo con đường mòn hoặc chỉ có thể đi lại bằng xuồng, ghe nhỏ. Những lúc trời nắng đi lại đã vất vả, mùa mưa đi lại khó khăn trăm bề.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại, nhiều gia đình ở Bình Giang cũng không có cơ hội được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, bà con phải sử dụng nước sông để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Thúy ở ấp Tám Ngàn cho biết: Đa số bà con trong xã là hộ nghèo, cận nghèo. Do vậy, ai có tiền mua bồn hứng nước mưa hoặc mua nước lọc thì còn đỡ. Những hộ nghèo như chúng tôi xuống sông, múc nước lên, lắng phèn uống, nấu ăn, tắm giặt.
Con nhỏ phải qua sông sang xã kế bên học nhờ, gặp xuồng ghe nào đi ngang thì xin quá giang sang sông. Có hôm không có xuồng nào đi ngang, tụi nhỏ bị trễ học, đành nghỉ.
Toàn xã Bình Giang có 10 ấp nhưng có đến 4 ấp 5 không (không trường, không đường, không cầu, không nước sạch, không trạm y tế) như: Tám Ngàn, Bình Hòa, Mũi Tàu và Hợp Thành.
Mấy năm gần đây, Nhà nước kéo điện nên về đêm còn đỡ khổ. Toàn xã với trên 1.300 hộ trong đó số học sinh theo học ở các điểm điểm trường Thuận Tiến, Mũi Tàu là 422 em và của xã Bình Sơn là gần 700 em.
Ông Trần Văn Bình, Trưởng ấp Mũi Tàu cho biết: Đa số người dân ở đây là hộ nghèo và cận nghèo. Nơi này được xem là “ốc đảo” bởi xung quanh toàn kênh rạch. Học sinh xã Bình Giang được hưởng chế độ 131 nhưng do học gửi nên vẫn phải đóng tiền như những nơi khác”.
Theo lời trưởng ấp Bình, cũng có vài chục hộ dân có xe gắn máy nhưng chủ yếu gửi bên kia sông với chi phí 3 ngàn một lần gửi hoặc gửi tháng cộng thêm 2 – 3 ngàn đồng cho một lượt qua sông. Trước tình trạng khó trăm bề nên đa phần các em nhỏ học hết lớp 5 rồi nghỉ dù địa phương ra sức tuyên truyền vận động.