Chuyện phong 'hàm': Không truy đến cùng thì khó làm gương

Nhóm PV (thực hiện) 18/11/2015 11:00

Ngày 17/11, trước vấn đề ĐĐK đặt ra, việc phong chức danh hàm là không đúng quy định của pháp luật, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch đề nghị: Phải truy đến cùng trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong việc để chức danh hàm tồn tại nhiều năm trong bộ máy. 

Chuyện phong 'hàm': Không truy đến cùng thì khó làm gương

Ông Trần Du Lịch.

PV: Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, việc phong chức danh hàm là không có trong quy định pháp luật. Nhưng thực tế thời gian qua chúng ta vẫn trả lương, phụ cấp đối với chức danh này. Nếu vậy, có truy thu được không, thưa ông?

Ông Trần Du Lịch: Nguyên tắc là cơ quan hành chính nhà nước chỉ được làm những gì mà luật cho phép. Không có chuyện nói rằng luật không quy định thì tôi làm. Đáng lý ra Bộ Nội vụ phải trình Chính phủ rằng tất cả các cơ quan đã phong chức danh hàm, phong lương như vậy là sai quy định và phải bỏ cái đó chứ không phải tạm ngưng. Bởi vì một nguyên tắc là luật không cho phép thì không được làm chứ không phải luật không cấm. Còn khi có quyết định thì dĩ nhiên chúng ta không thể hồi tố. Muốn chấm dứt tình trạng này thì chúng ta không thừa nhận cái đã làm sai chứ không đặt vấn đề hồi tố, đi thu lại phụ cấp. Nhưng nếu thừa nhận thì lại là vi phạm nguyên tắc trong quy định cứ luật không cấm là tôi làm. Từ đó gây bức xúc trong cử tri và nhân dân.

Vậy trách nhiệm thuộc về ai khi ĐBQH đã phản ánh vấn đề này từ đầu nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm?

-Thực tế thì chuyện này diễn ra nhiều năm rồi, có những người họ không trực tiếp quản lý cấp Vụ nhưng với vị trí công tác thì rõ ràng họ tương xứng, nhiều nhất là vị trí thư ký của lãnh đạo. Thành ra chúng ta phải xem xét, quy định lại các chức danh. Ví dụ, thư ký của cấp nào đó chức danh tương đương cái nào, chúng ta cứ bổ nhiệm thẳng chức danh đó chứ không phải hàm. Do đó chúng ta cần sửa đồng bộ vì trên thực tế khó nói rằng không có chức danh như vậy.

Tôi biết tại một số nước, ở cấp Bộ họ còn có chức danh công cán ủy viên, nó không phải Vụ nào cả nhưng nó tương đương một Vụ trưởng. Họ thay mặt Bộ trưởng đi kiểm tra thì như thế phải có quy định trước. Do bộ máy hành chính của mình không quy định những loại chức danh có quyền tương đương để thực thi công vụ, vì thế chúng ta cần đồng bộ tất cả để tránh bức xúc không đáng có.

Thưa ông, vậy thì ai có lỗi trong chuyện này?

-Tôi nghĩ rằng lỗi không phải do những người được nhận chức danh hàm. Đó là do cơ chế của chúng ta chứ họ không có lỗi. Anh không thể nào một tháng trả thêm cho tôi ít tiền rồi bây giờ lại bảo tôi trả lại. Cho nên tôi nghĩ rằng không nên đặt vấn đề hủy rồi truy thu, mà có lẽ nên nghiên cứu trong nền hành chính của ta những chức danh phù hợp để thuận tiện trong công việc.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện phong 'hàm': Không truy đến cùng thì khó làm gương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO