Trong hai ngày 5 và 6/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là một chuyến thăm quan trọng, điều đó đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ với Đại Đoàn Kết bên hành lang QH sáng 3/11.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: P.Thảo).
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam trong ít ngày tới. Được biết, sau hội đàm cấp cao hai bên sẽ ký kết nhiều văn kiện quan trọng. Phó Thủ tướng có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đến giờ tôi chưa biết có bao nhiêu văn kiện sẽ ký kết trong đợt này; nhưng chắc chắn sẽ có một số văn kiện trong những lĩnh vực cụ thể. Theo nguyên tắc, trong chuyến thăm cấp cao bao giờ cũng có một Tuyên bố chung, sau đó sẽ có một số văn kiện liên quan đến những lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai nước.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn có những diễn biến phức tạp. Vậy vấn đề này sẽ được đặt ra như thế nào trong chương trình nghị sự giữa lãnh đạo hai nước?
- Các chuyến đi thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước nằm trong khuôn khổ chương trình thăm, làm việc thường xuyên giữa hai quốc gia. Trong nửa đầu năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm Trung Quốc và đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là chuyến thăm thông thường của lãnh đạo các nước với nhau mục đích là để tăng cường quan hệ.
Còn chương trình làm việc cụ thể của chuyến thăm này sẽ là trao đổi tất cả các nội dung lớn trong quan hệ giữa hai nước mang tầm chiến lược, phát triển quan hệ về kinh tế, văn hóa, thương mại. Đương nhiên không những tăng cường quan hệ hai nước trên các lĩnh vực mà những vấn đề gì trong quan hệ giữa hai bên cũng có thể trao đổi, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc đã hoạt động được một thời gian và hiệu quả của hoạt động UB này có được đặt ra trong chuyến thăm lần này để nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực và làm sao giảm thiểu những xung đột trên biển, đảm bảo hòa bình, an ninh cho khu vực, thưa Phó Thủ tướng?
- Trong cơ chế hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc có cơ chế UB Chỉ đạo quan hệ song phương giữa hai nước (Đây là UB hỗn hợp giữa hai nước). Uỷ ban này thành lập đã từ rất lâu rồi và phiên họp mới đây của UB vào tháng 7 năm nay tại Trung Quốc và năm ngoái là tại Việt Nam.
Đây là cơ chế giữa hai nước để tăng cường quan hệ trên mọi lĩnh vực, tập trung thúc đẩy những quan hệ, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Nhiệm vụ của UB hỗn hợp là hàng năm đánh giá lại các lĩnh vực thực hiện được đến đâu, lĩnh vực nào chưa thực hiện được và UB này sẽ tập trung vào nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể trong kinh tế, thương mại, đầu tư và quan hệ về văn hóa, giáo dục. Đó là những công việc thường xuyên, hàng năm đều họp.
Còn đương nhiên, việc thực hiện có hiệu quả chính là đánh giá cơ chế hoạt động của UB vì thường thì có tất cả các bộ ngành của cả hai bên tham gia UB này. Các cơ quan sẽ đánh giá những vấn đề cụ thể hơn. Vì thành viên của là các bộ ngành nên việc thực hiện hiệu quả thế nào, đến đâu thì các bộ, ngành phải triển khai.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có cơ chế nữa là hợp tác giữa các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Như thế có nghĩa là từ Trung ương đến địa phương giữa hai nước đều có cơ chế hợp tác.
Phó Thủ tướng vừa nhắc đến cơ chế hợp tác giữa các tỉnh biên giới hai nước. Vậy, vừa tổng kết 5 năm về hợp tác giữa các địa phương biên giới hai nước; kết quả đánh giá về hợp tác giữa các tỉnh biên giới là rất khả quan nhưng có một thực tế là hoạt động giao thương buôn bán giữa hai bên vẫn được nhìn nhận, đánh giá là còn nhiều điểm đáng suy nghĩ. Quan điểm của ông về vấn đề này, cái được nhất trong hoạt động hợp tác này là gì?
- Đương nhiên là lợi thế của các tỉnh biên giới giữa hai nước, Việt Nam –Trung Quốc hay Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia cũng thế, là sự thông thương, giao lưu với nhau và nhu cầu của từng địa phương cụ thể cũng khác nhau. Nếu các nước, các địa phương ở biên giới có thể mạnh, có các mặt hàng xuất khẩu được thì hoạt động này rất thuận lợi, những nhu cầu cần thiết nhập khẩu thì tăng cường nhập khẩu được.
Vấn đề là vai trò kiểm soát của các cơ quan chức năng để ngăn chặn không cho các mặt hàng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng thẩm thấu vào nội địa. Đó là vấn đề thuộc nghiệp vụ của các cơ quan chức năng và các tỉnh biên giới. Còn vấn đề xuất siêu hay nhập siêu là phụ thuộc vào nhu cầu của các tỉnh biên giới cũng như thị trường mỗi nước.
Chúng ta vẫn biết Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Chúng ta xuất sang Trung Quốc những mặt hàng có khả năng xuất được và nhập những mặt hàng cần thiết và nếu nhìn nhận cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu thì cũng có rất nhiều mặt hàng phục vụ được cho sản xuất của chúng ta.
Dư luận quốc tế đang rất chú ý đến những động thái trong mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Biển Đông không êm ả. Trong năm nay, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thăm Trung Quốc, thăm Mỹ và lịch thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc đã được ấn định. Tuy nhiên, thông tin khác gây chú ý là Tổng thống Hoa Kỳ hoãn kế hoạch thăm Việt Nam, cần nhìn nhận động thái này thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
- Phải nói là trong năm nay hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta rất sôi động, tích cực, không chỉ riêng với Trung Quốc, Hoa Kỳ. Trong năm nay, nhìn lại cả quá trình, quan hệ của Việt Nam với các nước lớn trên thế giới đều tăng cường. Lãnh đạo của nhiều nước cũng đến thăm Việt Nam.
Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nước ta cũng đến các nước quan trọng trên thế giới. Ví dụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới đây đi thăm Đức – đất nước có vai trò hết sức quan trọng với chúng ta. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đi thăm hầu hết các nước quan trọng trong năm 2015. Có thể nói trong năm nay, tất cả các mối quan hệ của ta với các nước, nhất là các nước lớn trên thế giới đều rất tích cực.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó, cũng nằm trong diễn biến là các nước lớn cũng đều chú trọng đến quan hệ với Việt Nam. Cũng theo những thông tin chúng tôi có được, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp cũng sẽ thăm Việt Nam nhưng thời điểm có thể là vào năm tới.
Có thể nói vai trò vị thế của Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế, trong khu vực tăng lên rất cao, ta thiết lập được mối quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn trên thế giới. Đó là mục tiêu chúng ta đã thực hiện được.
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!