Ngày 30/4/1975 đã trở thành một mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Còn với những người làm trong công tác thể thao, ngày giải phóng dân tộc cũng gợi lại nhiều kỷ niệm đẹp giống như những bản tình ca…
Trận đấu lịch sử giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Trận cầu lịch sử
11h30, thời khắc xe tăng ta húc đổ cánh cửa Dinh Độc lập của chính quyền Sài Gòn, lá cờ cách mạng tung bay trong nắng cũng là thời khắc lịch sử, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai miền Nam - Bắc không còn chia cắt.
Hơn 1 năm sau, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Hoàng Quốc Việt (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đã giao một nhiệm vụ quan trọng cho Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), đó là tổ chức một chuyến thi đấu giao hữu giữa một đội bóng miền Bắc với các đội bóng phía Nam. Bóng đá miền Bắc vào Nam thi đấu phục vụ đồng bào, quân dân miền Nam ruột thịt.
Vào Nam thi đấu, những trận đấu có ý nghĩa chính trị, xã hội vô cùng đặc biệt, quan trọng lúc bấy giờ, nó vượt qua tầm của những trận đấu bóng đá thông thường.
HLV Mai Đức Chung, người có mặt trong trận cầu lịch sử năm đó chia sẻ về cảm giác biết tin được vào Nam thi đấu: Việc Tổng cục Đường sắt được chọn là có lý do đặc biệt, bởi thời điểm ấy rất mạnh, chỉ đứng sau Thể Công, từng nhiều lần là Á quân và vừa đoạt chức vô địch Công đoàn miền Bắc. Hơn nữa, việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt càng có ý nghĩa và hợp lý khi lúc đó tuyến đường sắt Bắc - Nam sắp khánh thành.
“Cảm giác được vào Nam thi đấu khó tả lắm, có cả sự xúc động, hồi hộp đếm từng ngày một, nhưng cũng có cả nỗi lo lắng. Trước khi lên đường, chúng tôi rất háo hức vì có ai biết Sài Gòn như thế nào và càng không biết bóng đá miền Nam ra sao mà chỉ nghe danh “trụ đồng” Tam Lang, “mũi tên vàng” Tư Lê”.
Trên chuyến bay quân sự mang số hiệu IL12, tâm trạng các thành viên đội bóng đầu tiên của miền Bắc vào Nam cũng ngổn ngang khó tả, vừa háo hức vừa hoang mang. Tình hình miền Nam sau ngày giải phóng vẫn còn nhiều bất ổn. Nhưng cái cảm giác ấy tan biến khi TP Hồ Chí Minh hiện ra dưới ánh nắng rực rỡ.
Tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Cảng Sài Gòn - thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang tiến đến tặng hoa, siết chặt tay thủ quân Tổng cục đường Sắt Phạm Kỳ Thụy, đó là cái bắt tay lịch sử kết nối bóng đá 2 miền Nam - Bắc sau 22 năm chia cách.
“Chủ nhật, 7/11/1976 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá nước nhà như một cột mốc nối liền Bắc - Nam, nối liền suốt 1 chiều dài lịch sử”- HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bồi hồi.
Ông Chung kể rằng, khi trận đấu còn chưa diễn ra, thì đội bóng đại diện cho miền Bắc đã được đồng bào phía Nam quan tâm đặc biệt. Ở buổi tập đầu tiên làm quen sân Thống Nhất của “đội khách” Tổng cục Đường sắt, người dân Sài Gòn đứng vây kín phía cổng vào sân và ngồi chật như nêm trên khán đài. Những cánh tay cố vươn ra khỏi hàng rào ngăn của lực lượng an ninh để được bắt tay, hay đơn giản chỉ là được sờ vào người các cầu thủ miền Bắc. Họ không nghĩ những cầu thủ ở nơi bị giặc Mỹ ném bom suốt nhiều năm, lại cao to, đẹp trai như vậy.
Còn khi đến ngày thi đấu, sân Thống Nhất như một ngày hội thực sự. 19h30 bóng mới lăn nhưng từ 12h trưa, sân vận động với sức chứa hơn 2 vạn chỗ đã chật kín và tới khoảng 4h chiều thì khán giả đã tràn xuống cả đường pitse.
Giọng ông Chung như nghẹn lại khi kể về thời khắc hai đội bước ra sân: “Cầu thủ 2 đội dẫn tay nhau đi từ đường hầm lên trong tiếng vỗ tay vang trời của khán giả, xen lẫn tiếng hát nhộn nhịp theo lời bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Lúc ra sân, ai cũng mắt đỏ hoe vì xúc động. Đến nay, tôi vẫn không thể quên được giây phút lịch sử ấy, khi trọng tài Hồ Thiệu Quang nổi hồi còi khai cuộc”.
Trong không khí cuồng nhiệt và có phần căng thẳng, nhưng đại diện miền Bắc đã chơi một trận cực hay, lấn lướt hoàn toàn Cảng Sài Gòn, với những cái tên rất nổi thời bấy giờ như: thủ môn Lưu Kim Hoàng, trung vệ Tam Lang, hậu vệ Nguyễn Tấn Trung (Trung “sói”), bộ đôi tiền vệ Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Mười, các tiền đạo: Lê Văn Tư (Tư Lê), Nguyễn Văn Ngôn, Trần Văn Xinh.
Trung phong Mai Đức Chung chính là người mở tỷ số vào lưới thủ môn Lưu Kim Hoàng và tiền vệ Lê Thụy Hải ấn định chiến thắng 2 - 0 cho Tổng cục đường Sắt.
“Khi tôi ghi bàn thắng đầu tiên ở phút 28 thì cả Thống Nhất cùng đồng loạt đứng lên vỗ tay kéo dài hơn 5 phút, trọng tài Hồ Thiệu Quang phải nén cảm xúc mới nổi còi cho trận đấu tiếp tục”.
“Cả chúng tôi lẫn khán giả chẳng ai quan tâm đến bàn thắng và đội Cảng Sài Gòn cũng chẳng ai buồn với thất bại vì hôm ấy. Việc chúng tôi có mặt trong không khí của trận cầu lịch sử ấy đã là người chiến thắng rồi. Anh em chúng tôi nhiều người đã khóc lúc ra sân khi nghĩ đến biết bao người đã nằm xuống để có một trận bóng lịch sử giữa hai miền sau ngày đất nước thống nhất”- ông Chung “xe ca” nói mà đôi mắt rưng rưng như muốn khóc.
Cùng có mặt trong trận cầu lịch sử và còn ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 2 - 0 cho đội Tổng cục đường Sắt trước Cảng Sài Gòn, ông Lê Thụy Hải xúc động kể lại: “Tất cả mọi kỉ niệm trong đời, cái gì cũng có điều đáng nhớ và đáng quên. Nhưng với tôi, trận cầu lịch sử năm đó thực sự để đời. Bóng đá là để người ta xích lại gần nhau. Tôi còn nhớ như in khi kết thúc 90 phút thi đấu, dù đội chủ nhà thua 0 - 2, nhưng khán giả miền Nam đều rất vui sướng hạnh phúc. Những lời hát của bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” liên tục vang lên, cùng các tiếng hò reo, cổ vũ cho cầu thủ hai đội. Giờ cứ đến ngày 30/4, tôi lại thấy nhớ”.
Ông Mai Đức Chung và cuộc tái ngộ 2 năm trước với Cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Những giai thoại thể thao
7 tháng sau ngày 30/4/1975, hoạt động bóng bàn tại TP Hồ Chí Minh đã được khôi phục. Trong khi nhiều môn thể thao khác chưa đủ sức vươn ra tầm châu Á thì bóng bàn đã sánh vai cùng nhiều cường quốc năm châu, từng vô địch ASIAD, giải châu Á, HCĐ thế giới... với những cái tên như Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu...
Ông Trần Văn Mỹ, nguyên là Trưởng bộ môn bóng bàn Sở TDTT TP Hồ Chí Minh từ năm 1976 đến năm 1992 và cũng là HLV đội tuyển TP Hồ Chí Minh, kể lại: “Ngay những ngày đầu khi đất nước thống nhất, tôi đã nhanh chóng cùng đồng nghiệp khôi phục hoạt động bóng bàn, tập trung tổ chức phong trào rộng khắp và chú trọng huấn luyện lớp trẻ”.
Giống như bóng đá, bóng bàn cũng có trận đấu để đời giữa hai miền Nam - Bắc. Đó là cuộc đọ sức giữa các VĐV hàng đầu miền Nam với những tay vợt xuất sắc phía Bắc. Sau đó hai đội cùng đi khắp các miền Tổ quốc để giao lưu, cổ vũ phong trào bóng bàn.
Tháng 3/1978, gần 100 tay vợt cả nước đã có mặt tại Quy Nhơn để dự tranh giải vô địch bóng bàn toàn quốc đầu tiên. Ở giải này, 2 tuyển thủ miền Bắc Nguyễn Ngọc Phan và Nguyễn Thị Mai đã giành HCV.
Đáng chú ý, trận chung kết giữa Vương Chính Học- niềm tự hào của miền Nam, và Nguyễn Ngọc Phan của miền Bắc. Người hâm mộ TP Hồ Chí Minh kéo ra Quy Nhơn đông như trẩy hội. Còn tại TP Hồ Chí Minh, bên ngoài tòa soạn Tin Sáng, người ta dùng hai loa phát lời bình luận trực tiếp từ Quy Nhơn. Và người hâm mộ hồi hộp theo dõi từng lời bình luận.
Vương Chính Học nhanh chóng thất thủ trước Nguyễn Ngọc Phan 3 ván trắng. Giới chuyên môn phía Bắc khi đó biết rằng Chính Học gục ngã vì cao thủ miền Bắc có một thứ vũ khí bí mật, đó là cây vợt phản xoáy “xuất quỷ nhập thần”.
Chiếc cúp vô địch năm 1978 này, đối với ông Phan, vẫn là kỷ vật ông trân trọng nhất, bởi đây không những là kỷ vật ý nghĩa của riêng ông mà còn là kỷ vật lịch sử của thể thao Việt Nam sau khi đất nước thống nhất.
Với môn xe đạp, sau năm 1975, các cua-rơ chính là những người đầu tiên xuống đường cổ động phong trào. Chỉ sau gần 1 năm, các giải đua xe đạp đã được tổ chức rầm rộ ở miền Nam. Những cái tên nổi danh thời đó có thể kể đến Vua nước rút châu Á Nguyễn Văn Châu, 2 cua rơ từng dự Thế vận hội Mexico 1968 Bùi Văn Hoàng -Trương Kim Hùng, tuyển thủ trẻ miền Nam Huỳnh A… Tất cả đã đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào xe đạp nước nhà sau ngày thống nhất.