Câu chuyện tưởng như chỉ có trong những câu chuyện cổ tích lại đang diễn ra tại đất nước Mặt trời mọc, khi công chúa Mako mới đây tuyên bố sẽ tổ chức đám cưới với bạn trai là thường dân, bất chấp việc phải rời hoàng cung và mất tước vị theo luật lệ của Hoàng gia nước này.
Nhật hoàng Akihito đã hé lộ về khả năng nhường ngôi. (Nguồn: AP).
Theo bộ luật Hoàng gia, chỉ có nam giới mới được kế vị ngai vàng. Nhật Bản từng trải qua một đợt khủng hoảng vào cuối những năm 1990 đến 2006 bởi cả 2 người con trai của Nhật hoàng đều sinh con gái. Cuộc hoảng chấm dứt sau khi Hoàng tử Hisahito được sinh hạ. |
Khi cô cháu gái lớn nhất của Nhật hoàng Akihito tổ chức đám cưới với nhân viên công ty luật tên Kei Komuro vào năm tới, cuộc sống của cô sẽ có sự thay đổi đột biến. Công chúa Mako, 25 tuổi, sẽ bị mất tước vị và phải rời khỏi hoàng cung để sống chung với chồng của mình ở thế giới bên ngoài.
Mako sẽ nhận được một khoản tiền chi trả một lần, sau đó sẽ cùng chồng tự lo cho cuộc sống của mình. Cô sẽ đi bỏ phiếu, chi trả tiền thuế, đi mua sắm và tự làm các công việc nhà…Nếu cặp đôi sinh con, những đứa con của họ cũng không thuộc về gia đình Hoàng gia Nhật Bản.
Nhưng việc cô bỏ tước vị của mình cũng có nghĩa rằng chỉ còn ít người trong Hoàng gia Nhật đứng ra đảm nhận trách nhiệm. Sự việc cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về gia đình Hoàng gia đang dần thu hẹp, vai trò của người phụ nữ trong đó và việc kế vị trong tương lai.
Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi, từng hé lộ về khả năng ông sẽ thoái vị, và khi những người phụ nữ trong Hoàng gia Nhật tổ chức đám cưới, Hoàng tộc sẽ tiếp tục thu hẹp dần. Hiện chỉ có duy nhất một nam thành viên hoàng tộc trẻ tuổi, Hoàng tử Hisahito, 10 tuổi, và nếu không có gì thay đổi thì cậu sẽ trở thành người kế vị.
“Có khả năng nào đó Hoàng tử Hisahito cũng rời gia đình hoàng gia trong 10 - 15 năm tới”- Isao Tokoro, Giáo sư trường ĐH Kyoto Sangyo, cho hay. “Hệ thống luật cần phải được thay đổi nhanh chóng để chúng ta không mất thêm các thành viên trong Hoàng tộc”.
Theo luật Hoàng gia Nhật Bản ban hành năm 1947, công chúa tổ chức đám cưới với thường dân sẽ phải rời khỏi gia đình Hoàng gia. Cũng chính bộ luật này đã làm giảm số lượng thành viên Hoàng gia của Nhật Bản, khiến 11 trên tổng số 12 nhánh của gia đình Hoàng gia biến mất.
Trước kia, các cô con gái của Nhật hoàng Hirohito cũng từng bị mất tước vị do bộ luật này, cũng giống như công chúa Sayako hiện tại khi cô tổ chức đám cưới với một nhà hoạch định đô thị tên Yoshiki Kuroda năm 2005.
Sự thay đổi địa vị từ một công chúa tới thường dân của Sayako lúc bấy giờ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Nhật Bản. Nhiều bài viết về Sayako lúc bấy giờ nêu rõ việc cô phải học lái xe và học cách đi mua sắm độc lập ngay trước lễ cưới. Cặp đôi này đã dùng khoản tiền mà họ nhận được từ Hoàng gia (khoảng 1,3 triệu USD) để mua một căn nhà.
Tính đến nay, việc đính hôn của công chúa Mako vẫn chưa được chính thức tuyên bố, nhưng cô công chúa trẻ tuổi này dường như đã sớm chuẩn bị hành trang cho mình để sống một cuộc sống độc lập ở thế giới bên ngoài.
Trong lúc theo học tại trường ĐH Công giáo Quốc tế Tokyo, Mako đã bỏ ra 9 tháng để tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại ĐH Edinburgh (Anh) trong khoảng 2012-2013. Một năm sau, cô tiếp tục theo học trường ĐH Leicester và tốt nghiệp ngành học Nghệ thuật. Cô hiện đang là một nghiên cứu sinh tại một Bảo tàng ở Tokyo và đang tiếp tục học để lấy bằng Tiến sỹ.
Công chúa Mako sẽ phải từ bỏ tước vị để tổ chức đám cưới với một thường dân. (Nguồn: AFP).
“Công chúa Mako là sự hiện thân của một thành viên gia đình Hoàng gia, người rất gần gũi với công chúng”- tờ Yomiuri viết trong một bài bình luận. “Là một con người tốt bụng, đáng yêu, cô chắc chắn sẽ xây dựng nên một mái ấm hạnh phúc”.
Nhưng chắc chắn người dân Nhật sẽ nhớ tới cô với địa vị công chúa hiện tại. Theo tờ Asahi, công chúa Mako hiện đang là người bảo trợ của 2 tổ chức, cô cũng từng đại diện cho gia đình Hoàng gia Nhật đi thăm nhiều nước và đóng vai trò quan trọng trong Hoàng gia. Giờ đây, trách nhiệm chính thức của cô trong Hoàng gia sẽ được chia sẻ trong số các thành viên ít ỏi còn lại.
Ở thời điểm hiện tại, Hoàng gia Nhật Bản có 19 thành viên, 7 trong số này là phụ nữ chưa tổ chức đám cưới, và họ sẽ phải rời khỏi gia đình Hoàng gia nếu cưới một thường dân. 11 thành viên khác đã trên 50 tuổi, và người còn lại là Hoàng tử Hisahito. Cậu là người trẻ nhất trong số 4 người con trai có khả năng kế vị. 3 trong số này- Hoàng thái tử Naruhito, anh của ông, Hoàng tử Akishino và Hoàng tử Hitachi được cho là sẽ không sinh thêm con cái nữa.
Điều này đồng nghĩa với việc Hoàng tử Hisahito, dù còn nhỏ tuổi, sẽ phải gánh vác trách nhiệm của Hoàng gia Nhật Bản trong tương lai.
Hiện tại, một bộ luật cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị đang được chuẩn bị. Trong một bài bình luận, tờ Yomiuri nói rằng “sự hình thành các nhánh nữ trong Hoàng tộc nên được đưa vào” bộ luật trên và thảo luận như một “biện pháp thực tế để duy trì số lượng thành viên Hoàng gia”.
Tuy nhiên, đề xuất này dường như lại không được những người có tư tưởng bảo thủ ở Nhật chấp thuận.
“Tất cả đều bắt nguồn từ khái niệm một huyết thống nam chặt chẽ. Điều khiến Nhật Bản đặc biệt chính là một hoàng tộc huyết thống nam được truyền qua nhiều đời, bắt đầu từ Nhật hoàng Jimmu từ năm 660 trước CN”- Giáo sư Ken Ruoff, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc ĐH Portland và là một chuyên gia và Hoàng gia Nhật, nhận định.
Nhật Bản từng có người đứng đầu Hoàng gia là nữ trong quá khứ, dù 250 năm qua không có trường hợp nào khác. Thông thường, các thành viên nữ hoàng tộc được xem là người cai quản gia đình cho đến khi ngai vàng được kế vị bởi một thành viên nam.
Trước khi đợt thay đổi bộ luật Hoàng gia năm 1947 diễn ra thì gia đình Hoàng gia Nhật lớn hơn rất nhiều, có nghĩa rằng nếu một nhánh Hoàng gia không sinh được con trai thì vẫn còn nhiều lựa chọn ở các nhánh khác. Nhưng ngày nay tình thế đã thay đổi.
Vào thời kỳ trước khi Hoàng tử Hisahito được sinh ra, khi không còn thế hệ trẻ nào để nối ngôi, có một cuộc tranh luận gay gắt ở Nhật Bản liên quan tới vấn đề thay đổi bộ luật Hoàng gia để cho phép các nữ thành viên hoàng tộc được kế vị. Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ, ông Junichiro Koizumi, đã ủng hộ việc này, nhưng sau khi Hoàng tử Hisahito ra đời, đề xuất này đã thất bại.
Thủ tướng hiện tại của Nhật Bản, ông Shinzo Abe, lại là một chính trị gia có quan điểm tôn trọng niềm tự hào dân tộc, truyền thống và lòng yêu nước.
“Thủ tướng Abe đã giành nhiều thời gian để nói về mong muốn biến Nhật Bản thành một xã hội cởi mở hơn với phụ nữ, nhưng ông lại phản đối việc thay đổi bộ luật Hoàng gia để cho phép một nữ thành viên hoàng tộc kế vị ngai vàng”- Giáo sư Ruoff nói.
Một đề xuất khác để vực dậy gia đình Hoàng gia Nhật Bản chính là khôi phục lại tước vị cho các nhánh bị mất trong năm 1947. Theo tờ Yomiuri, đề xuất này vẫn không nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Tuy nhiên, cũng có nhiều luồng ý kiến dư luận ủng hộ việc cho phép một nữ thành viên Hoàng gia kế vị. Theo một bản thăm dò do hãng Kyodo News thực hiện trong tháng 5 khi 86% người tham gia ủng hộ việc có một Nhật hoàng là nữ trong khi 59% ủng hộ lựa chọn người kế vị từ một nhánh nữ trong Hoàng gia.
Nhưng dù điều gì xảy ra thì tương lai của công chúa Mako dường như sẽ đầy hứa hẹn, và quan trọng hơn là người dân Nhật Bản đang đặt ra câu hỏi rằng đến bao giờ vị Hoàng tử mới 10 tuổi của họ đủ sức để gánh vác trọng trách của gia đình Hoàng gia Nhật.