Văn hóa

Chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của chàng trai khiếm thị

Hoàng Vân 25/04/2024 14:54

Không có đôi mắt sáng nhưng Huỳnh Hữu Cảnh (sinh năm1985, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) đã phấn đấu trở thành thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Flinder của Úc. Với nghị lực của mình, Hữu Cảnh không chỉ đạt thành tích cao trong học tập mà còn tìm kiếm được một nửa yêu thương của mình.

img_5371.jpeg
Anh Cảnh chia sẻ biến cố của mình tại chương trình.

Sinh ra là một chàng trai khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa, tai nạn năm 8 tuổi do đào trúng bom đã lấy đi đôi mắt của Cảnh. Là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em, tai nạn đó khiến Cảnh và cả nhà xót xa tột cùng.

Chỉ trong một khoảnh khắc, xung quanh bao phủ bởi màn đêm đen, đi đâu cũng phải có người dắt khiến cậu bé Cảnh khi đó sợ hãi và hoang mang tột độ. Càng lớn, nỗi buồn của Cảnh càng dâng lên khi mọi việc phải phụ thuộc vào người khác, không thể nhìn, không thể thấy người thân đang làm gì, người đối diện ra sao…, tất cả chỉ còn là cảm nhận.

Không thể nhìn thấy gì, Hữu Cảnh phải bỏ dở việc học giữa chừng. Thời điểm đó, bố mẹ Cảnh còn chưa biết đến các trường khiếm thị để cho con trai theo học. Năm 1997, qua đài phát thanh, Cảnh mới biết đến trường Trẻ em khuyết tật ở TP Long Xuyên tuyển sinh và thuyết phục cha mẹ cho đi học.

Đến năm 12 tuổi, chàng trai 8X mới bắt đầu chương trình lớp 1 bằng chữ nổi. Bao nhiêu lâu không được học, giờ đây được tiếp xúc với con chữ theo cách đặc biệt, Cảnh như được tiếp thêm động lực sống, quyết tâm học hết cấp 3 dù hành trình này khá nhiều gian nan, vất vả.

Với sự nỗ lực kiên trì và khát khao học hỏi, may mắn đã mỉm cười khi Hữu Cảnh được tuyển thẳng vào ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đó, ước mơ về tri thức của anh tiếp tục được chắp cánh.

Từ đây chiếc máy tính đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của Hữu Cảnh, nhờ vào phần mềm đọc chữ nổi cho người khiếm thị, anh dễ dàng tiếp cận kiến thức như các bạn mắt sáng. Hiểu rõ những nguy cơ va chạm trên đường với người khiếm thị, nhất là lúc trời tối, Hữu Cảnh luôn ấp ủ làm một cây gậy hỗ trợ các tín hiệu cảnh báo tốt hơn giúp những người xung quanh phát hiện và tránh đụng phải người khiếm thị khi đi lại trên đường.

Năm 2011, đề tài "Gậy có gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị" đã giành giải Nhất cuộc thi Eureka của Thành đoàn TP.HCM, giải Nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam lần 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Những tưởng tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và tài năng đó sẽ mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho chàng trai 8X, thế nhưng Hữu Cảnh lại vẫn khó xin được việc làm ở TP.

Năm 2014 anh Cảnh quyết định về quê và có cơ hội công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang. Không chỉ có việc làm mà trên chính mảnh đất quê hương, anh đã tìm được một nửa yêu thương của cuộc đời mình trong một buổi diễn văn nghệ từ thiện gây quỹ cho những mảnh đời khó khăn đầu năm 2017.

Anh Hữu Cảnh gặp chị Huỳnh Tố Nga – người bạn đời mà anh nghĩ “phải có duyên ngàn kiếp” mới được người như chị. Với tư cách hội viên của Hội Người mù tỉnh Kiên Giang, anh Cảnh đến buổi văn nghệ để đàn và hát. Trong khi đó, chị Nga, nữ phát thanh viên của Đài Phát thanh huyện An Minh đảm nhiệm vai trò hỗ trợ các bạn khiếm thị. Lời ca, tiếng đàn của chàng trai khiếm thị, khiến chị Nga cảm mến ngay lần đầu tiên.

Sau nhiều lần gặp gỡ cả hai anh chị cứ lặng lẽ quan tâm, giúp đỡ nhau. Không ai thổ lộ tình cảm nhưng họ hiểu không thể sống thiếu người kia. Và rồi anh Cảnh đánh liều cầu hôn qua điện thoại: “Tháng sau cưới nhé”. Lý do lời cầu hôn gấp gáp như vậy là vì “tháng sau” chính là thời điểm Hữu Cảnh lên đường đi du học tại Úc, và trên hành trình đặc biệt ấy, anh luôn muốn có chị Nga đồng hành. Dù người thân của chị Nga nhiều lần phản đối, nhưng sự đồng cảm và yêu thương đã dẫn lối cho hai trái tim cùng nhịp đập.

Trở về nước, anh Cảnh tiếp tục công tác trong lĩnh vực giáo dục để giúp những người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó anh còn thành lập các dự án thiện nguyện, trao xe lăn, Hạt gạo yêu thương… cho các em nhỏ mồ côi. Chưa dừng lại ở đó, Hữu Cảnh còn tích cực tham gia các hoạt động truyền cảm hứng.

Năm 2023, anh cùng đồng đội tham gia giải chạy Marathon và xuất sắc trở thành đội khuyết tật đầu tiên hoàn thành thử thách Ironman 70.3, ghi tên vào lịch sử Ironman và kỷ lục Guinness Việt Nam. Kết quả ấy không chỉ là thành tích vô cùng tuyệt vời, mà còn mang thông điệp truyền cảm hứngsống mạnh mẽ đến những người khuyết tật trên khắp đất nước: “Họ có thể làm mọi thứ”.

​Cho đến thời điểm hiện tại, chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của anh Cảnh và chị Nga đã đón trái ngọt là một bé trai kháu khỉnh, anh chị vẫn tiếp tục công việc tư vấn và hỗ trợ cho cộng đồng người khuyết tật. Mong ước của anh Cảnh là truyền được cảm hứng và giúp đỡ được nhiều hơn nữa những người có hoàn cảnh không may trong cuộc sống.

Hành trình nỗ lực ấy sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề “Những bước đường xa” sẽ lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 27/4/2024 trên kênh VTV1.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của chàng trai khiếm thị