Từ việc một số người dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, một vài chung cư ở Hà Nội đã thông báo ngừng thu gom rác. Chuyện tưởng nhỏ hóa ra không nhỏ chút nào. Lâu nay vấn đề rác thải tại các đô thị đã được cảnh báo, nhất là việc tìm chỗ nào để… đổ rác, cũng như xử lý rác thải ra sao. Câu chuyện người dân “phong tỏa” đường vào bãi rác Nam Sơn mới chỉ 3 ngày, nhưng đã khiến nhiều nơi trong nội thành Hà Nội khó “giải tỏa” rác.
Xử lý rác theo cách chôn lấp đã không còn phù hợp, mà phải xử lý bằng công nghệ.
Tại một khu chung cư ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), quản lý chung cư đã thông báo: Tạm ngừng phục vụ thu gom rác tại các tầng kể từ 12 giờ ngày 3/7 cho đến khi có kế hoạch thu gom rác trở lại. Đề nghị cư dân thu gom rác bỏ vào túi ni lon buộc kín, tránh phát tán mùi hôi, thối trong thời gian chưa được thu gom, xử lý và vận chuyển để tại phòng thu gom rác các tòa nhà.
Tạm ngừng là tạm ngừng thế nào? Bao giờ thu gom rác trở lại? Cũng không phải lỗi tại quản lý chung cư vì chính họ cũng lúng túng không biết xử lý ra sao. Đã có đơn vị chuyên thu gom rác hàng ngày, không lẽ lại đứng ra thuê người khác đổ hộ rác. Nhưng không dọn được, chỉ vài ngày thôi thì mọi chuyện sẽ rất khác. Ô nhiễm môi trường là cái chắc.
Theo cơ quan chức năng, rác thải sinh hoạt tại 4 quận nội thành Hà Nội là Ba Đình (300 tấn/ngày đêm), Hoàn Kiếm (215 tấn/ngày đêm), Hai Bà Trưng (350 tấn/ngày đêm), Đống Đa (430 tấn/ngày đêm) sẽ căn cứ vào tình hình, tập kết tại các điểm trung chuyển ở Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Rác thải sinh hoạt phát sinh ở quận Long Biên (313 tấn/ngày đêm) sẽ tập kết tạm thời ở Khu xử lý rác Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm). Rác thải sinh hoạt phát sinh ở quận Thanh Xuân (455 tấn/ngày đêm), huyện Hoài Đức (165 tấn/ngày đêm) sẽ xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội của HTX Thành Công. Rác thải sinh hoạt tại các quận Hà Đông (455 tấn/ngày đêm), Nam Từ Liêm (265 tấn/ngày đêm), Bắc Từ Liêm (250 tấn/ngày đêm), Tây Hồ (197 tấn/ngày đêm), Hoàng Mai (453 tấn/ngày đêm), Cầu Giấy (320 tấn/ngày đêm) sẽ chở đến xử lý chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội. Rác thải sinh hoạt của huyện Thanh Trì (210 tấn/ngày đêm), Gia Lâm (186 tấn/ngày đêm), Đông Anh (178 tấn/ngày đêm), Sóc Sơn (159 tấn/ngày đêm), Mê Linh (115 tấn/ngày đêm) sẽ lưu giữ tại các điểm tập kết rác của mỗi địa phương.
Như vậy, cũng có nghĩa là chưa xác định được thời hạn bãi rác Nam Sơn hoạt động trở lại.
Ở khía cạnh khác, nhìn vào những con số trên mới thấy mỗi ngày một lượng rác thật sự khổng lồ, nếu không có giải pháp giải quyết căn cơ thì tình hình sẽ rất phức tạp.
Thực tế cho thấy, thời gian qua không chỉ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… mà nhiều đô thị khác cũng bí đất để làm bãi rác. Dân số tăng lên nhanh chóng, mức sinh hoạt cũng tăng lên nên từ đó có… nhiều rác hơn. Rồi rác từ xây dựng, rác bệnh viện… ngày càng nhiều loại rác và lượng rác. Nhưng đất chỉ có thể, không thể “nở” ra được nên chỗ để chứa rác cũng vì thế mà khó khăn. Người dân sống gần khu vực bãi rác rất khổ sở vì rác ngày ngày ùn ùn đổ về. Xe chạy rơi vãi rác. Cái mùi rất đặc trưng chỉ có thể gọi là “mùi bãi rác” khiến không khí rất khó tả. Người dân có lý khi lo sợ “sống chung với rác” lâu ngày sẽ sinh bệnh. Do đó, ở một số nơi, người dân đã chặn đường xe rác, nhằm gây áp lực lên chính quyền phải di dời bãi rác đi nơi khác; hoặc là đền bù để dân chuyển đi nơi khác.
Tuy nhiên, việc chặn xe rác, đòi di dời bãi rác ở một số nơi đã biến thành việc chống người thi hành công vụ, dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc. Có thể nêu ra đây một vụ việc khá điển hình: Ngày 21/11/2018, TAND huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã mở phiên tòa xét xử 6 bị cáo về tội “giữ người trái pháp luật” và “gây rối trật tự công cộng” trong vụ phản đối xây dựng dự án khu xử lý rác thải rắn tại thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vào tháng 5/2018. Các bị cáo phải chịu án do trước đó (ngày 3/5/2018) đã có các hành vi giữ trái phép một cán bộ Công an huyện Yên Phong đến làm việc liên quan đến dự án xây dựng khu xử ý rác thải rắn tại thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong); đồng thời chặn giữ 2 xe ô tô của Công an huyện Yên Phong tại ngã tư đường giao thôn Ngô Xá và Phù Cầm từ trưa ngày 3/5/2018 đến sáng ngày 6/5/2018. Cuối cùng, Tòa tuyên phạt 1 bị cáo 66 tháng tù giam, 3 bị cáo bị tuyên phạt 24 tháng tù giam, 1 bị cáo bị tuyên phạt 36 tháng tù giam.
Đó là vụ việc hy hữu và rất đáng tiếc. Chốt lại, vấn đề xử lý rác, bãi rác không thể coi là chuyện… để mai tính, mà phải tính ngay, tính lâu dài. Thực ra, không chỉ chỗ xây dựng bãi rác, mà rất quan trọng còn là việc xử lý rác thế nào chứ không để lưu cữu từ tháng này sang tháng khác. Mà việc này, cùng với ý thức “phân loại rác tại nguồn” của người dân, thì quan trọng là trách nhiệm của chính quyền mỗi địa phương về chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ này.