Có rất nhiều cách để mỗi cá nhân có thể đóng góp việc làm thiện nguyện cho xã hội. Với 100 đại biểu hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh năm 2020, họ chọn cách sẻ chia giọt máu hồng cứu người.
Có rất nhiều cách để mỗi cá nhân có thể đóng góp những việc làm thiện nguyện cho xã hội, giúp ích cho đời. Với 100 đại biểu hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh năm 2020, họ chọn cách sẻ chia giọt máu hồng nhiều lần để cứu người. 100 người sẽ có 100 lý do bén duyên với hoạt động hiến máu nhưng tựu chung đều là những câu chuyện cảm động về tình người, về sự cho đi mà không cần nhận lại.
Cho đi để nhân rộng việc làm ý nghĩa
Là một trong 10 người có số lần hiến máu nhiều nhất trong 100 đại biểu hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc được vinh danh năm 2020, anh Đặng Thanh Phương (49 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh) chưa bao giờ nghĩ và mong muốn được vinh danh khi tham gia hiến máu tình nguyện. Mấy ai biết, lý do để hơn 20 năm qua, anh Phương luôn gắn bó với công tác hiến máu tình nguyện là câu chuyện của một người con luôn mang trong mình nỗi đau, sự tiếc nuối về cái chết của cha.
Cha anh Phương mất khi anh còn nhỏ do không có máu để truyền. Anh Phương cho biết, thời điểm đó, phong trào hiến máu tình nguyện chưa phát triển như hiện nay nên lượng máu dự trữ rất khó khăn, việc mua máu cũng không dễ dàng do người dân vẫn chưa có nhiều thông tin, kiến thức về hiến máu tình nguyện. Không chỉ cha anh mà nhiều người bệnh lúc đó cũng đã mất cơ hội duy trì sự sống do thiếu máu để truyền. Nhiều khi anh nghĩ, nếu cha anh được sống ở thời điểm này, có lẽ mọi chuyện đã khác.
Lần đầu tiên anh Phương tham gia hiến máu tình nguyện là khi anh 26 tuổi, lúc đó, người bạn thân của anh bị bệnh cần truyền máu nên có nhờ anh giúp. Anh Phương cho biết, khi đó anh chỉ nghĩ hiến máu cứu bạn chứ chưa nghĩ gì đến việc hiến máu lâu dài để giúp đỡ những người khác. Một thời gian sau, khi Hội Chữ thập đỏ phường kêu gọi hiến máu tình nguyện, nhớ đến cha, anh quyết định đi đăng ký hiến máu.
Đến nay, sau 22 năm tham gia hiến máu tình nguyện, anh Phương đã có 85 lần hiến máu (trong đó 71 lần hiến máu thường xuyên được công nhận và 14 lần hiến máu khẩn cấp có giấy chứng nhận). Đặc biệt, người đàn ông này luôn cho đi số lượng máu cao nhất (450 ml), đồng thời anh cũng vận động được hàng chục người cùng tham gia hiến máu, trong đó có cậu con trai 22 tuổi của mình.
Anh Phương chia sẻ, hiến máu nhiều thành"nghiền." Hiện nay, cứ sau khoảng 3-4 tháng, anh lại tham gia hiến máu một lần. Để hỗ trợ những người bệnh cần máu, anh cùng một số bạn bè thành lập một nhóm nhỏ, bất cứ khi nào có người cần máu gọi đến thì các thành viên sẽ sắp xếp để đến truyền máu.
Anh Phương tâm sự: "Với tôi, tham gia hiến máu tình nguyện là việc làm rất có ý nghĩa vì biết rằng giọt máu của mình có thể giúp đỡ, góp phần cứu chữa những bệnh nhân cần máu. Mọi người đừng băn khoăn những giọt máu mình cho sẽ được đi về đâu?! Chỉ cần nghĩ "Nếu mình có lương tâm cho người khác thì người khác sẽ có lương tâm cho người khác nữa, để từ đó nhân rộng việc làm ý nghĩa này," anh Phương chia sẻ.
Đau đáu vì sức khỏe cộng đồng
Cũng từng chứng kiến sự ra đi của người khác do không đủ máu để truyền và với chung mục đích sẻ chia những giọt hồng đến với người bệnh cần máu, bà Trần Thị Mai (54 tuổi, Khánh Hòa) đã có 95 lần thực hiện nghĩa cử cao đẹp này kể từ lần hiến máu đầu tiên vào năm 2000. Bà Mai cũng là người có số lần hiến máu nhiều nhất trong 100 đại biểu hiến máu tình nguyện được tôn vinh năm nay và là một trong số ít người được tôn vinh lần thứ 2 với nghĩa cử cao đẹp này.
Cơ duyên để bà Mai gắn bó với công tác hiến máu tình nguyện là khi bà chăm cha nằm viện và chứng kiến sự ra đi của cụ già cùng phòng do không có máu để truyền. Hình ảnh đó đã khiến bà Mai nhiều đêm trăn trở và quyết định tham gia hiến máu tình nguyện khi được Hội Chữ thập đỏ phường vận động tham gia hiến máu năm 2000.
Quyết định của bà Mai khi đó vấp phải sự phản đối gay gắt của mẹ và sự không ủng hộ của chồng do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe của bà. Với suy nghĩ "mình có sức khỏe, làm được gì giúp đỡ người khác thì nên làm," bà đã vượt qua áp lực của gia đình, quyết định đi hiến máu ở tuổi 34.
Sau lần hiến máu thứ nhất, thấy sức khỏe bình thường, bà Mai tiếp tục đi hiến máu lần hai, lần ba… mãi thành quen, gia đình không còn phản đối gay gắt. Nhưng phải tới năm 2007 khi biết chính bà là người hiến máu cho mẹ làm phẫu thuật khẩn cấp do tai nạn bị gẫy xương đùi, mọi người mới hoàn toàn ủng hộ. Đến nay, 20 năm trôi qua, người phụ nữ này đã có 95 lần hiến máu, tiểu cầu. Trong đó, không ít lần bà hối hả lên xe khách vượt quãng đường xa để hiến máu, hiến tiểu cầu cứu người khẩn cấp.
Bà Mai cho biết, hiện mỗi năm bà đều đặn hiến máu 4 lần và hiến tiểu cầu, "95 lần hiến máu không phải là điểm dừng, tôi sẽ luôn luôn giữ gìn sức khỏe thật tốt để hiến máu thường xuyên, liên tục và được nhiều hơn nữa," bà Mai quả quyết.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa, bà Mai còn vận động, tuyên truyền cho hàng trăm lượt cán bộ, hội viên và nhân dân phường Cam Nghĩa tham gia hiến máu tích cực.
Bà Mai chia sẻ, năm 2002 khi bà mới về làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa, việc tuyên truyền rất khó khăn vì người dân rất e ngại hiến máu và chưa hiểu đúng về hoạt động này… Bằng chính kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân bà Mai đã tuyên truyền, thuyết mục mọi người: Hiến máu không ảnh hưởng sức khỏe mà còn là cơ hội để mình kiểm tra sức khỏe, được xét nghiệm xem có mắc các bệnh lây truyền như viêm gan A,B,C, ký sinh trùng sốt rét, HIV hay không…
Đặc biệt, hiến máu giúp sàng lọc máu cũ, sản sinh máu mới giúp cơ thể khỏe mạnh, da dẻ mịn màng hơn và quan trọng, hiến máu là góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người, trong đó có cả những người thân yêu của mình…
Kết quả, phường Cam Nghĩa luôn luôn là lá cờ đầu trong công tác vận động hiến máu và hiến máu tình nguyện của thành phố Cam Ranh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung; đặc biệt người thân của bà từ chỗ phản đối đến nay đã tích cực tham gia hưởng ứng phong trào, đóng góp được 70 đơn vị máu.
Không chỉ tham gia hiến máu tình nguyện, bà Mai còn tích cực phối hợp với các chi hội, tổ dân phố tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV; người lang thang cơ nhỡ; người già neo đơn không nơi nương tựa hoặc những người bị bệnh hiểm nghèo; tai nạn đột xuất; nạn nhân chất độc da cam…
Với những đóng góp của mình, bà đã vinh dự được tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 2 (2005); dự Đại hội Chữ thập đỏ Việt Nam (2012); 100 gương mặt hiến máu tiêu biểu (2014 và 2020); được nhận nhiều bằng khen của Trung ương và địa phương về tấm gương tiêu biểu trong hoạt động hiến máu tình nguyện.