Năm 2017, Hoành Bồ (Quảng Ninh) có khoảng 1,2% người mù chữ, trong đó đa số từ độ tuổi 35 trở lên. Sau gần một năm triển khai, các lớp xóa mù chữ của huyện đã trang bị cho học viên các kỹ năng đọc, viết cơ bản, trong đó có khoảng 10% học viên đọc, viết tương đối tốt.
Lớp học tại điểm trường Đầu Làng (xã Đồng Sơn, Hoành Bồ).
Ghi từ các lớp xóa mù
Chúng tôi đến điểm trường Khe Càn, xã Đồng Sơn, khi trời vừa sẩm tối. Đã đến giờ học, nhưng lớp xóa mù chữ ở đây vẫn thiếu vài người. Hôm nay lớp ôn bài, cô giáo kiểm tra đọc của từng người. Bà Triệu Thị Tư, 75 tuổi, được giới thiệu là chăm học nhất lớp, móm mém cười để lộ hàm răng đã rụng gần hết. Bà chia sẻ: “Bà với con rể, con gái học chung một lớp. Trước đi bệnh viện cũng không ký được cái tên, từ hôm tham gia lớp học bà đã biết đọc, biết viết rồi nhưng mắt kém nên bà viết chậm lắm”.
Ở điểm trường Đầu Làng, học viên lớn tuổi nhất cũng là một cụ bà 74 tuổi, trẻ nhất là 22 tuổi. Một bạn nữ bước vội ra cửa, trước khi nói với cô giáo bằng giọng còn lơ lớ: “Con mình khóc rồi, chồng vừa gọi, mình về đây”…
Điểm trường Khe Càn và Đầu Làng có 2 lớp xóa mù chữ với 25 học sinh/lớp, nằm trong chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện Hoành Bồ. Cùng với Đồng Sơn, xã Kỳ Thượng có 52 học sinh ở 3 khe, bản: Khe Tre, Khe Lương, Khe Phương tham gia các lớp học nhằm giảm bớt tỷ lệ người mù chữ. Cô giáo Lý Thị Xoan (xã Kỳ Thượng) cho biết: “Hồi đầu đến lớp nhiều học viên xấu hổ, bẽn lẽn, ngại ngùng toàn nói tiếng địa phương. Được vận động, giải thích về cơ hội học tập, việc cần thiết phải nắm bắt thông tin, phải biết chữ trong điều kiện hiện nay mới dần thay đổi, tiến bộ…”.
Cô giáo Phạm Thị Thấn đang hướng dẫn cả lớp đọc bài tại điểm trường Khe Càn.
Ban ngày lo chuyện mưu sinh, đêm đến cắp sách đến lớp học chữ, cần lắm sự quyết tâm và nhận thức đúng đắn từ người học. Vậy nên nội dung chương trình các lớp xóa mù chữ phải sát với kiến thức tiểu học, giáo viên vừa dạy, vừa tuyên truyền thực tế về vấn đề tảo hôn, môi trường, bảo vệ rừng, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa dân tộc, tình cảm gia đình, quê hương... Nhiều năm trước đây, các xã miền núi, vùng cao của huyện cũng đã có nhiều lớp bổ túc, lớp xóa mù chữ. Nhưng nguy cơ tái mù chữ luôn là vấn đề đáng lo ngại khi trong sinh hoạt, đa số người dân chỉ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Bởi vậy, dạy chữ đã khó, giữ cái chữ ở lại với bà con lại càng khó hơn.
Nỗ lực bền bỉ
Đến với các lớp học, chúng tôi mới hiểu, để duy trì được lớp học cho đến nay, các thầy, cô giáo đứng lớp không chỉ yêu nghề, quý người, mà còn phải biết thích nghi, thấu hiểu bà con.
Không có được thuận lợi về hai ngôn ngữ, cô giáo Phạm Thị Thấn, Trường Tiểu học thị trấn Trới mới chuyển công tác lên Đồng Sơn được một năm cũng không coi đó là khó khăn. Cô hồ hởi khoe: “Dạy chữ cho bà con lớn tuổi là một công việc rất có ý nghĩa. Các cô bác, anh chị đã biết đọc báo, đọc sách nâng cao kiến thức và tìm kiếm thông tin phục vụ cuộc sống qua ti vi, điện thoại. Ước mơ của bà con giản đơn, nhiều lúc thấy thương lắm”. Được biết, cô Thấn là một cô giáo đi đầu trong phong trào vận động học viên lớp xóa mù chữ, cô có phương pháp dạy dễ hiểu, biết cách động viên bà con cố gắng học tập.
Mẹ địu con đi học xóa mù chữ.
Nụ cười của bà Triệu Thị Tư khi tham gia lớp học.
Với tinh thần trách nhiệm, kiên trì, gần gũi, các thầy cô hiểu hơn về tâm tư tình cảm, nguyện vọng, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Đây chính là sợi dây gắn kết, là cơ sở để các cô hoàn thành nhiệm vụ của mình tại địa phương với lòng nhiệt tình, sự tận tâm.
Tôi chợt nhớ câu chuyện với anh Bàn Tài Đức (thôn Khe Tre, xã Kỳ Thượng): “Xã em có 4 cặp vợ chồng cùng đi học chữ. Em từng bị mắng là “mù” khi hỏi đường, hóa ra là có biển chỉ dẫn ngay trước mặt. Giờ thì em đã đọc được rồi đấy…”.
Việc biết cái chữ ở những vùng khó khăn như xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng của Hoành Bồ là khởi nguồn cho việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trình độ dân trí… Các phong tục, tập quán lạc hậu dần bị bài trừ, xóa bỏ khi học vấn đi lên, giúp cho xã hoàn thành tốt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. Không chỉ thế, việc triển khai các mô hình kinh tế mới cũng thuận lợi hơn nhằm nâng cao đời sống cho bà con vùng khó.