Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là yếu tố hàng đầu giúp các ngân hàng tăng tốc độ xử lý giao dịch, hạn chế rủi ro, an toàn, bảo mật. Những ngân hàng có hệ thống công nghệ hiện đại sẽ có lợi thế, tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Cũng chính nhờ ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có bước tiến vượt trội và được đánh giá ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực thanh toán trong nước, lĩnh vực p
Từ ba giai đoạn tăng tốc CNTT của BIDV
Gần 20 năm qua, Trung tâm Thanh toán (trước đây là Phòng Thanh toán tập trung) dành nguồn lực đáng kể để thiết kế các chương trình, hệ thống thanh toán của BIDV từ thấp đến cao, từ phân tán đến tập trung, từ nghiệp vụ cơ bản thanh toán trong nội bộ đến kết nối với hệ thống bên ngoài. Thực tế này góp phần đưa BIDV trở thành một trong những ngân hàng có hệ thống CNTT hiện đại nhất trong lĩnh vực thanh toán.
Quá trình ứng dụng CNTT được thể hiện qua việc phát triển các hệ thống thanh toán tại BIDV qua các giai đoạn như: Giai đoạn 1997-2001, BIDV xây dựng chương trình Thanh toán tập trung (gọi tắt là T4) thay thế chương trình Thanh toán liên hàng cũ, lần đầu tiên BIDV tập trung được tài khoản thanh toán VND của chi nhánh tại Trụ sở chính.
Cơ chế hoạt động của T4 là xử lý tập trung và đối chiếu phân tán tại các chi nhánh cuối ngày giao dịch. T4 ra đời khắc phục được nhiều hạn chế của chương trình Thanh toán liên hàng cũ. Giai đoạn 2002 - tháng 10/2005, với yêu cầu phát triển hoạt động thanh toán và quản lý thanh toán, chương trình T5 ra đời thay thế T4 với nhiều ưu điểm hơn như: Tài khoản thanh toán của chi nhánh là đa tệ, kết nối được với các hệ thống thanh toán bên ngoài…
Năm 2003, BIDV triển khai thành công corebanking mới (SIBS) với 10 hệ nghiệp vụ đã mở ra một thời kỳ mới trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của BIDV theo mô hình ngân hàng thương mại. Hệ thống corebanking mới cho phép cung cấp hàng trăm sản phẩm dịch vụ tiện ích tại nhiều kênh phân phối, quản lý hoạt động tập trung tại Hội sở chính… là tiền đề căn bản trong kiểm soát rủi ro hoạt động của BIDV.
Giai đoạn từ tháng 11/2005 đến nay: Trên cơ sở hệ thống corebanking hiện đại, tập trung cơ sở dữ liệu, các chương trình, hệ thống thanh toán của BIDV lần lượt được phát triển mạnh mẽ. Có thể kể qua 1 số chương trình cung cấp sản phẩm thanh toán được đánh giá cao trên thị trường như: Thanh toán song phương, Thanh toán đa phương, Homebanking, BIDV@securties...; nhiều chương trình hỗ trợ rất tốt cho hoạt động tác nghiệp do tính tự động xử lý cao như Gateway, IQS, IMAP, Swift Editor, RM Filer…
Đến Ngân hàng điện tử Việt Nam tiêu biểu
Qua các giai đoạn kể trên, BIDV đã đạt hiệu quả cao, thể hiện cụ thể trên nhiều phương diện. Số lượng, doanh số chuyển tiền được tăng nhanh, tỷ trọng đóng góp vào nguồn thu dịch vụ ngày càng lớn. Doanh số, số lượng giao dịch thanh toán chuyển tiền đi, đến của toàn hệ thống đều tăng trưởng qua từng năm, đóng góp bình quân hơn 20%/năm vào tổng cơ cấu thu dịch vụ ròng của toàn hệ thống.
Số lượng giao dịch, doanh số tăng đều qua các năm, năm 2015 gấp hơn 2 lần năm 2011. Tốc độ tăng trưởng bình quân của hoạt động thanh toán chuyển tiền (số lượng, doanh số tăng bình quân 20.24%/năm). Thu phí dịch vụ thanh toán năm 2013, 2014, 2015, thu dịch vụ đều tăng trưởng trên 10%, riêng 2015 tăng trưởng 20.6%. Đặc biệt, thu dịch vụ chuyển tiền trong nước và quốc tế chiếm hơn 80% so với thu dịch vụ từ các sản phẩm thanh toán khác của các đơn vị thuộc khối kinh doanh.
Về đáp ứng nhu cầu chuyển tiền của khách hàng. Hệ thống thanh toán của BIDV hiện nay cho phép đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ qua các kênh phân phối: Giao dịch tại quầy, ATM, IBMB với nhiều phương tiện thanh toán: Séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ… với tốc độ thanh toán nhanh, an toàn và chính xác.
Các chuyên gia CNTT BIDV đã thiết kế được sản phẩm dịch vụ với các đặc điểm, tiện ích dành riêng cho từng đối tượng khách hàng: Khách hàng cá nhân (Mobile banking…), khách hàng doanh nghiệp (Thanh toán lương tự động, Thu chi hộ điện tử…), Định chế tài chính (Thanh toán đa phương, Thanh toán song phương, Thanh toán điện tử song phương tập trung…). Thanh toán đa phương và song phương là những sản phẩm thanh toán nổi trội cả về dịch vụ và công nghệ, chiếm hơn 50% số lượng giao dịch thanh toán chuyển tiền trong nước. Hiện BIDV có 22 khách hàng định chế tài chính, thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn tiền gửi từ các định chế tài chính, tiết kiệm hàng tỷ đồng phí chuyển tiền BIDV phải trả cho các ngân hàng đại lý.
Dịch vụ chuyển tiền quốc tế (CTQT) của BIDV cũng mở rộng trên nền CNTT phát triển. Có quan hệ đại lý với hơn 1.600 định chế tài chính trên khắp thế giới, BIDV cung cấp dịch vụ CTQT cho tất cả các đối tượng khách hàng. Dịch vụ CTQT của BIDV đang dần khẳng định vị thế của mình trong top 3 các NHTM trong nước lớn tại Việt Nam.
Dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng của BIDV qua IB được đánh giá tốt nhất về quy trình xử lý, do tự động hoàn toàn. Thực tế này đã giúp BIDV 2 lần liên tiếp được nhận giải thưởng Ngân hàng điện tử Việt Nam tiêu biểu. Khách hàng đều đánh giá cao chất lượng và tốc độ giao dịch chuyển tiền của BIDV, đặc biệt là các ĐCTC (là khách hàng khó tính) sử dụng dịch vụ thanh toán đa phương của BIDV. Trong nhiều năm qua, BIDV liên tiếp được tặng giấy chứng nhận ngân hàng có chất lượng thanh toán tốt nhất của BNY, Wellfargo, HSBC, CitiBank, Bank of American...
Về khả năng xử lý tự động, giảm thao tác thủ công trong tác nghiệp và hậu kiểm. Với các chương trình thanh toán có hàm lượng công nghệ cao và đa dạng tiện ích, quy trình xử lý các giao dịch chuyển tiền đi/đến được đơn giản hóa, là cơ sở quan trong trọng để tập trung xử lý và kiểm soát tại Trụ sở chính, hạn chế nhiều tác nghiệp thủ công. Có thể điểm qua một số chương trình thành công như IMAP tự động hơn 90%; Swift Editor tự động gần 80%, IQS xử lý tự động đối với điện tra soát liên ngân hàng…
Ngoài ra, CNTT còn giúp BIDV quản lý dữ liệu tập trung; kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro. Ứng dụng các chương trình thanh toán hiện đại giúp Trụ sở chính BIDV quản lý được dữ liệu chuyển tiền của toàn hệ thống, thuận tiện trong kiểm soát, hướng dẫn chi nhánh chấn chỉnh sai sót và khai thác thông tin chuyển tiền của chi nhánh, kịp thời thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu quản lý của lãnh đạo…Với việc tập trung dữ liệu và sự hỗ trợ của một số chương trình, Trụ sở chính có thể quản lý và giám sát hoạt động nghiệp vụ toàn hệ thống.