Việc Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 712 về chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức - ngoại ngữ 1 hệ 10 năm thí điểm, lập tức nhận được nhiều ý kiến từ dư luận xã hội. Trong phần đặc điểm môn học, văn bản này nêu rõ: Môn Tiếng Hàn, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Tương tự, môn Tiếng Đức cũng là ngoại ngữ 1 được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12.
Đang thực hiện thí điểm
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành-Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT nhấn mạnh: Theo Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT ngày 9/2/2021, hai môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.
Mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ. Học sinh kết thúc tiểu học (lớp 3, 4, 5) đạt bậc 1 (tương đương A1 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ/ CEFR), học sinh kết thúc THCS (lớp 6, 7, 8, 9) đạt bậc 2 (tương đương A2 theo CEFR), học sinh kết thúc THPT (lớp 10, 11, 12) đạt bậc 3 (tương đương B1 theo CEFR).
Nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản. Mục tiêu là học sinh kết thúc lớp 6 đạt bậc 1; kết thúc THCS (lớp 9) đạt bậc 2; kết thúc THPT (lớp 12) đạt bậc 3. Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GDĐT.
Đại diện Bộ GDĐT cho biết, thông tin đang lan truyền trên mạng cho rằng “Tiếng Hàn, Tiếng Đức được coi là ngoại ngữ 1, nên sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12” là không chuẩn xác. Cụm từ “bắt buộc” trong quyết định 712 của Bộ GDĐT không có nghĩa môn Tiếng Hàn hay Tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3.
Đây chỉ là một trong những ngoại ngữ được chọn làm ngoại ngữ 1. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình GDPT. Theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, Bộ GDĐT cho phép học sinh được chọn một trong 4 ngoại ngữ sau làm ngoại ngữ 1 gồm Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung.
Năm 2011, Bộ tiếp tục cho phép Tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 được dạy trong trường phổ thông. Như vậy, kể từ thời điểm ngày 9/2/2021 Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 712, nghĩa là Bộ GDĐT thí điểm thêm Tiếng Hàn và Tiếng Đức vào nhóm ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông để học sinh có thể lựa chọn.
Theo Bộ GDĐT, nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới; hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức, tiếng Hàn thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Việc này giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về các nền văn hóa khu vực các quốc gia nói tiếng Đức, tiếng Hàn.
Từ đó góp phần hình thành thái độ và tình cảm tích cực đối với các nền văn hóa này để họ thêm trân trọng giá trị văn hóa Việt Nam.
Sau khi học xong, các em có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh sử dụng ngoại ngữ trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập…
Bảo đảm các điều kiện mới được dạy
Thông tin từ Bộ GDĐT khẳng định, việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, sau đó bổ sung môn Tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có Tiếng Đức, Tiếng Hàn).
Sau thời gian thí điểm dạy Tiếng Hàn, Tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn Tiếng Hàn, Tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GDĐT quyết định thí điểm dạy Tiếng Hàn, Tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu.
Đây cũng là nội dung thoả thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, CHLB Đức về việc dạy Tiếng Hàn, Tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam. Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GDĐT. Bộ sẽ giám sát quá trình thực hiện này để bảo đảm tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.
Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GDĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học Tiếng Hàn, Tiếng Đức chính thức trở thành ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.
Được biết, hiện nay đã có một số trường trung học tại Hà Nội, TP HCM dạy Tiếng Hàn, Tiếng Đức cho học sinh. Ví dụ: Từ năm học 2015-2016, Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, TPHCM đã hợp tác với Trung tâm Hàn Quốc học (Sejong) thuộc Trường ĐH Sư phạm TP HCM dạy Tiếng Hàn cho học sinh.
Còn tại Trường PTTH Marie Curie, ngày 18/8/2014, Trung tâm Hàn Quốc học (Trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG TP HCM) phối hợp với Trung tâm Giáo dục Ngôn ngữ Tiếng Hàn đã tổ chức khai giảng hai lớp Tiếng Hàn Sơ cấp dành cho các bạn học sinh ở trường này.
Tương tự, tại Trường PTTH Trần Đại Nghĩa (TP HCM), nằm trong khuôn khổ Dự án “Đưa tiếng Hàn xuống trường phổ thông”, từ năm 2014, Trung tâm Hàn Quốc học đã tổ chức khai giảng lớp Tiếng Hàn trình độ Sơ cấp cho các bạn học sinh có nhu cầu học thêm một ngoại ngữ… Tại Hà Nội, Trường THCS Đống Đa mỗi năm học có 2 lớpTiếng Đức mới. Một lớp sẽ được chia làm 2 nhóm và học 4 tiết mỗi tuần; Trường THPT Kim Liên, các học sinh từ lớp 10 có thể chọn tiếng Anh, Nhật hoặc Đức làm ngoại ngữ 2…
Sau khi ban hành Quyết định 712, với việc ban hành thêm Tiếng Hàn và Đức, hiện ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông sẽ có 7 thứ tiếng gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức. Các trường sẽ bắt buộc chọn dạy 1 trong 7 thứ tiếng trên.