Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), đơn vị quản lý và điều hành hệ thống xe buýt TP HCM vừa đưa vào sử dụng ứng dụng “Nào ta cùng đi xe buýt” trên điện thoại thông minh.
Đây là ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách sử dụng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng, việc phát triển các ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh để áp dụng cho xe buýt là không đúng mục tiêu. Tất nhiên nếu có các ứng dụng này sẽ tốt nhưng quan trọng nhất là lịch trình xe buýt, tức là giờ giấc giữa các điểm, chuyến thì xe buýt lại không làm được.
Nguyên nhân đầu tiên khiến người dân TP HCM quay lưng với xe buýt vì thường xuyên không đúng giờ. Người đi làm không chủ động, không xác định được mốc thời gian khi sử dụng xe buýt nên họ phải sử dụng phương tiện cá nhân. Ngoài ra, chất lượng phục vụ cũng như an toàn, văn hoá khi đi xe buýt cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự lựa chọn của người dân. Vì thế, thay vì tập trung trí lực, đầu tư cải thiện các yếu tố trên để kéo người dân đi xe buýt thì đơn vị quản lý lại đưa ra ứng dụng không có nhiều tiện ích thực tế cho người đi xe buýt. Việc xác định các địa điểm, nhà chờ thực tế nếu đã bước lên xe buýt, hành khách sẽ biết và được hệ thống loa, nhân viên xe buýt hướng dẫn. Nghĩa là không cần ứng dụng trên, hành khách cũng có thể dễ dàng biết các thông tin trên ứng dụng. Vì vậy, tốn thêm tiền của xây dựng một phần mềm công nghệ sẽ không phải là điều mà hành khách cần.
Còn nhớ cách đây khoảng 3 năm, đơn vị quản lý xe buýt ở TP HCM cũng cho ra mắt rầm rộ ứng dụng Bus-Map, bản đồ điện tử cập nhật các thông tin về từng tuyến, chuyến, các địa điểm đón/trả của hệ thống xe buýt có trợ giá. Dự án cũng được đông đảo cơ quan truyền thông đưa tin nhưng hiệu quả thực tế đến nay, hầu hết hành khách sử dụng xe buýt ở TP HCM không sử dụng phần mềm bản đồ điện tử này. Nhìn một cách tổng quan, phần mềm “Nào ta cùng đi xe buýt” cũng có nhiều điểm tương đồng với phần mềm Bus-Map cách đây ít năm.
Nói tóm lại, phần đông hành khách đi xe buýt hiện nay vẫn là học sinh, người lao động nghèo, công nhân nên việc sử dụng các ứng dụng thông minh trên điện thoại chưa thực sự cần thiết so với các yêu cầu khác. Rất có thể chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, dự án lại rơi vào quên lãng và tốn tiền tốn của. Mà như thế thì rất không nên.