Hiện khá nhiều người có cơ địa dị ứng có tâm lý e ngại khi tiêm vaccine Covid-19, đồng thời không biết trước khi tiêm có cần thiết phải test dị ứng không? Nếu có thì xét nghiệm ở đâu?
Về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái (Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) phân tích: Mặc dù tỉ lệ dị ứng vaccine rất thấp, nhưng nhiều người lo lắng. Thực tế, vaccine cũng giống như các thuốc khác đều có tiềm năng gây dị ứng, và bất kỳ thành phần nào của vaccine cũng có thể đóng vai trò là một dị nguyên.
Tuy nhiên không phải ai cũng bị dị ứng vaccine, chỉ có những người có cơ địa dị ứng mới có nguy cơ dị ứng vaccine. Những người có cơ địa dị ứng là những người bản thân hoặc có thành viên trong gia đình mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng vaccine, hen phế quản, viêm mũi dị ứng…
Trong tiêm chủng vaccine nói chung và vaccine Covid-19 nói riêng, Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp hội tiêm chủng Mỹ và nhiều cơ quan y tế trên thế giới không khuyến cáo test dị nguyên với tiêm vaccine, kể cả vaccine Covid-19. Khi tiêm chủng, nhân viên y tế thường khai thác tiền sử bằng việc để người sẽ được tiêm kể ra tình huống họ từng gặp phải. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá có nên tiêm hay không, phải trì hoãn hay cần cẩn trọng...
Thực tế, muốn test dị nguyên chuẩn phải dựa vào thành phần của vaccine và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, test dị nguyên cũng không khẳng định người tiêm sẽ có phản ứng với vaccine đó hay không. Nếu có phản ứng khi test cũng không chứng minh được khi tiêm thực sự sẽ chắc chắn xảy ra phản ứng.
Đặc biệt, test dị nguyên sẽ tiến hành bằng cách tiêm trong da, điều này không đúng với chỉ định tiêm vào bắp của nhà sản xuất. Do đó, khi test dị nguyên tiêm dưới da là làm sai cách, không được nhà sản xuất cho phép. Như vậy, khi xảy ra phản ứng, phản vệ thì đó là lỗi của đơn tổ chức tiêm chủng. Tóm lại, không dùng test dị nguyên để test dị ứng vaccine Covid-19.