Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Nhiều yếu tố cần hoàn thiện

Thu Trang 15/01/2016 11:10

Bộ GD&ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc đổi mới giáo dục quốc dân nói chung và cơ cấu hệ thống giáo dục nói riêng, để thực hiện tốt phải dựa vào nhiều yếu tố.

Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Nhiều yếu tố cần hoàn thiện

Ảnh minh hoạ.

Còn những băn khoăn

Đầu năm 2016, Bộ GD&ĐT có Tờ trình gửi Thủ tướng về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo khung cơ cấu do Bộ GD&ĐT đề xuất, giáo dục cơ bản sẽ gồm 5 năm học tiểu học và 4 năm THCS. Trong 9 năm này, học sinh sẽ học chung một chương trình, được trang bị những kiến thức cơ bản nhất.

Ở 3 năm THPT, học sinh có thể lựa chọn 3 luồng chính gồm: Định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ và định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Mỗi luồng sẽ có một chương trình học riêng, học sinh có quyền chọn một trong 3 luồng này. Học sinh học hết THCS cũng có thể bắt đầu học các trường nghề sơ cấp hoặc trung cấp nếu muốn tham gia thị trường lao động sớm. Như vậy, đến hết năm lớp 9, học sinh phải đủ nhận thức để xác định được mình nên đi theo định hướng nghề nghiệp nào trong tương lai.

Cũng theo khung cơ cấu này, thời gian đào tạo bậc đại học cũng được đề xuất giảm xuống còn từ 3 - 4 năm, trong khi thời gian đào tạo tiến sĩ được tăng lên bằng với đào tạo ĐH. Bên cạnh những ý kiến đồng tình với chương trình học cơ bản kéo dài 9 năm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Bộ GD&ĐT nên tính tới việc chia luồng, cho phép học sinh tự chọn chương trình học theo năng khiếu và sở thích ngay từ bậc THCS.

Từng bước cân đối

Đó là ý kiến phản hồi của Bộ GD&ĐT khi được hỏi về các điều kiện để thực hiện Đề án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo ông Nguyễn Vinh Hiển: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam đang dịch chuyển sang hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân. Dựa trên tinh thần đó, Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Bộ GD&ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ đảm bảo liên thông, liên kết giữa các bậc học, giữa các trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân và tương thích với hệ thống giáo dục quốc tế. Từ đó, người học có thể dễ dàng dịch chuyển giữa các hình thức học tập, giữa các kiến thức khác nhau. Cũng như việc công nhận bằng cấp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới được thuận lợi hơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân học tập trong nước và nước ngoài.

Những nét mới trong Đề án được thể hiện cụ thể ở từng cấp học, như cấp THPT định hướng người học theo 3 hướng. Với định hướng ở cấp THPT, người học có thể tiếp cận nghề nghiệp sớm hơn và phục vụ cho việc đào tạo theo hướng chất lượng cao. Đối với giáo dục bậc cao gồm có CĐ, ĐH và nghiên cứu sinh được điều chỉnh thời gian học tập phù hợp với thực tế hơn. Như nghiên cứu sinh tăng thời gian từ 2 năm lên 3 đến 4 năm vì thực tế với 2 năm không có nghiên cứu sinh nào hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời, Đề án cũng quy định trình độ đầu ra phải tương thích với khung năng lực quốc dân. Khung năng lực quốc dân này sẽ tương thích với khung năng lực UNESCO khuyến cáo và theo tham chiếu khung năng lực của ASEAN. Như vậy, Đề án này sẽ tạo điều kiện xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân chất lượng.

Nói về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu của Đề án, ông Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Việc đổi mới giáo dục quốc dân nói chung và cơ cấu hệ thống giáo dục nói riêng dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác. Đội ngũ giáo viên cũng được cơ cấu lại. Những giáo viên đang giảng dạy như hiện nay sẽ được tập huấn thêm có thể dạy theo chương trình mới. Bởi giáo viên bộ môn Lịch sử dạy Lịch sử, giáo viên bộ môn Ngữ văn vẫn dạy Ngữ văn… Khi xây dựng lại chương trình dạy và học, giáo viên sẽ dạy theo chương trình sách giáo khoa mới. Nhưng điều kiện này sẽ được cân đối trong thời gian tới.

Quan trọng khi thực hiện Đề án là xây dựng giáo trình, tài liệu sách giáo khoa… để tương thích với thời gian học tập của các cấp đã được đề ra, đặc biệt, đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Đồng thời, đổi mới quan niệm dạy và học theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương là chuyển từ trang bị kiến thức cho người học sang nâng cao phẩm chất năng lực người học.

Như vậy, kiến thức cơ bản sẽ được giảm tải và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức của người học trong thực tiễn. Đặc biệt, phải nâng cao năng lực học tập suốt đời cho người học. Để làm được điều này, các trường phải đổi mới phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu về kiểm tra đánh giá phẩm chất năng lực người học.

Về việc xây dựng sách giáo khoa theo hướng phân luồng học sinh THPT, ông Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định: Điều này đã được Bộ GD&ĐT cân nhắc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã chủ trương có nhiều môn học cho học sinh, trong đó có những môn học bắt buộc, môn học tự chọn và có những môn học cũng là bắt buộc nhưng có phân hóa. Nghĩa là trong chương trình giáo dục phổ thông mới có yêu cầu mức độ thấp và có yêu cầu mức độ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Nhiều yếu tố cần hoàn thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO