Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém

V. Thắng 05/05/2017 08:30

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng nhằm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, tài sản của Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ tạo cơ chế pháp lý đặc thù trong việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Ảnh minh họa.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau 4 năm thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, đến nay về về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống ngân hàng là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ như vướng mắc về thu giữ tài sản, về quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; về phí thi hành án, về kê biên tài sản bảo đảm.

“Các vướng mắc pháp lý hầu hết liên quan đến quy định tại các luật, cho nên để xử lý triệt để các bất cập, khó khăn, vướng mắc này thì cần ban hành luật riêng để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, việc ban hành luật riêng về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là yêu cầu cấp thiết để tạo khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, thể chế hóa chủ trương, chính sách trước đó”- ông Hưng cho hay.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật trên, thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với cơ quan soạn thảo cần thiết phải ban hành một luật riêng với những quy định mang tính đặc thù, đủ mạnh nhằm thực hiện một cách hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát soát đặc biệt và xử lý nợ xấu.

Nhiều thành viên trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, nội dung của dự thảo luật này có liên quan đến nhiều luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thi hành án dân sự. Do đó tờ trình cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ các quy định có liên quan đến các nội dung của dự thảo luật để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh tạo ra lỗ hổng khi thực thi luật.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo quán triệt quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Theo đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, có sức lan toả lớn và giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia, vùng và liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, dự án Luật cần đề xuất các giải pháp sử dụng gián tiếp ngân sách nhà nước và các giải pháp tự thân của các tổ chức tín dụng nhằm đẩy mạnh hoạt động, hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có báo cáo đánh giá đầy đủ, toàn diện về tính tương thích giữa các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là vấn đề khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

TS. Trần Anh Tuấn- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, cần lưu ý đối tượng mà tổ chức tín dụng cho vay. Do đó tổ chức tín dụng phải đánh giá các phương án kinh doanh của họ chính xác.

Ví dụ như họ đi vay để đầu tư thì phải đánh giá phương án đầu tư, thẩm định dự án của họ chuẩn xác, thẩm định rồi đánh giá năng lực của nhà đầu tư, dự án có khả thi bằng tiêu chí khác nhau, rồi thời gian hoàn vốn.

Đó là khâu quyết định vì khi thẩm định phương án đầu tư có khả thi hay không phía ngân hàng cần thu thập về năng lực của chủ đầu tư, và dòng tiền của dự án, dòng tiền phát sinh trong tương lai cho nên đòi hỏi phải có tính dự báo tình hình nguồn thu chi của dự án phát sinh trong tương lai và đòi hỏi thẩm định đúng cái đó.

Trên cơ sở tính khả thi thì tổ chức tín dụng mới quyết định cho vay. Đó là khâu then chốt để giảm thiểu rủi ro giảm thiểu nợ xấu của tất cả các dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém