Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Cần sớm áp dụng cơ chế khu thương mại tự do
Góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, bày tỏ quan điểm đồng tình với việc sớm thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, trong 30 chính sách, có 9 chính sách về mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, trong đó có 5 chính sách hoàn toàn mới.
Ông Ngân đánh giá, cơ chế thành lập Khu thương mại tự do là cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt là những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21 khu và Philippines, Malaysia, Indonesia. Hơn 30 năm qua, các khu thương mại tự do hoạt động rất hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó. Bởi vậy thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng là cần thiết.
Theo ông Ngân, Việt Nam có bờ biển dài rất đẹp, đã quy hoạch 34 cảng biển quốc tế. Đây là những điểm rất thuận lợi nên ủng hộ Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm. Tuy nhiên để khu thương mại tự do có thể phát triển được, điều quan trọng nhất là hạ tầng, phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại. Đồng thời, phải phân cấp trọn gói để Đà Nẵng có thể thực hiện được.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) cho rằng, đối với khu thương mại tự do, đây là mô hình kinh tế đã khá phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng, thí điểm. Do đó việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng nhằm tạo bước đột phá mới cho Đà Nẵng nói riêng, đồng thời để khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế mới đối với nước ta nói chung trong thực tiễn.
Tuy nhiên, theo ông Thông, do thể chế và đặc điểm chính trị, nhu cầu phát triển thương mại của nước ta có sự khác biệt so với các nước khác. Và đây cũng là mô hình chưa có tiền lệ ở nước ta nên trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để vừa làm, vừa kịp thời đánh giá kinh nghiệm. Đặc biệt, là định lượng được các tác động của chính sách này nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn đến khi triển khai thực hiện.
Cũng bày tỏ tán thành với chính sách cho phép đầu tư xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng, ĐB Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH Nghệ An) cho hay, đây là một nội dung mới, chưa có quy định hay chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Vì vậy đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần đi trước một bước, nghiên cứu để có các chính sách cụ thể, ưu tiên về thương mại, thuế nhằm hoạt động có hiệu quả, đúng với tính chất và mục đích của khu thương mại tự do.
ĐB Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho rằng Đà Nẵng không nhiều đất đai, giá trị rất cao nên khi thu hồi đất để phục vụ cho khu trung tâm thương mại tự do thì cần tính tới vấn đề lợi ích của người dân. Đặc biệt, cần áp dụng theo giá đền bù mới theo Luật Đất đai mới. Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất phải tính toán làm sao cho phù hợp với điều kiện của Đà Nẵng.
Đánh giá đầy đủ về nợ xây dựng cơ bản
Cho ý kiến về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị phải đánh giá toàn diện đầy đủ về bức tranh nợ xây dựng cơ bản, hiện chưa có xu hướng giảm, lại xuất hiện mới. Bởi riêng năm 2022, báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho thấy đã phát hiện thêm hơn 4.000 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản, nếu không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới. Nhiều chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn, hoặc thúc đẩy nhanh hơn công tác này dẫn đến tình trạng cách bố trí vốn, phân bổ vốn chưa chú trọng đến xử lý nợ xây dựng cơ bản, mặc dù đây là một trong những nguyên tắc phải được ưu tiên.
Bà Mai cho rằng, phân bổ vốn có trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ, cũng như còn thiếu kiên quyết, còn nể nang trong phân vốn xây dựng cơ bản, đầu tư công. Chúng ta xác nhận có số nợ nhưng không ưu tiên phân loại, chú trọng vào phân loại những nội dung nào thuộc trách nhiệm của nhà nước, thuộc trách nhiệm của các bộ, ban ngành, Chính phủ, của Quốc hội để bố trí vốn, có nội dung nào thuộc trách nhiệm của các địa phương. Có những vấn đề đi giám sát thấy rằng không phải khoản nào cũng thuộc trách nhiệm của địa phương, có cả trách nhiệm của trung ương. Do đó cần giải trình rõ báo cáo nội dung này trước Quốc hội vì đây là vấn đề đang tái diễn trở lại bức tranh từ năm 2015 trở về trước khi nợ về xây dựng cơ bản rất nghiêm trọng. Khi sửa Luật Đầu tư công năm 2014 đã đưa vào hành vi cấm, nên đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ và làm rõ trách nhiệm, nếu không vấn đề này sẽ tái diễn.
“Chúng ta không thể bỏ qua những điều mà chúng ta đã ghi vào luật, nếu không pháp luật có những điều khoản không được thực thi một cách đầy đủ và không nghiêm túc” - bà Mai nói.
ĐB Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) cho rằng, số liệu báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành liên quan thực hiện vốn NSNN còn một số bất cập. Số liệu báo cáo dự toán NSNN năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách. Đặc biệt số quyết toán chi NSNN giảm 407.317 tỷ đồng, số bội chi NSNN giảm 49.317 tỷ đồng. Như vậy giảm nhiều so với dự toán.
Từ phân tích trên, bà Lan nhìn nhận rằng, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán NSNN, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán NSNN các năm sau.
“Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về NSNN và các cơ quan đơn vị liên quan hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện NSNN thực chất hơn” - bà Lan nói.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, có một số khoản chi ngân sách đạt thấp so với dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao. Số chuyển nguồn sang năm sau rất lớn, quyết toán chi NSNN năm 2022 bằng 86,7% so với dự toán. Chi đầu tư phát triển đạt trên 71%, chi thường xuyên không đạt dự toán, số chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 rất lớn và tăng nhiều so với năm 2021. Chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo và dạy nghề chỉ đạt 56,9% dự toán. Chi cho y tế, gia đình chỉ đạt trên 43%. Những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu do lập dự toán chi ngân sách không sát với thực tế, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, chuẩn bị dự toán đầu tư, lập kế hoạch vốn, giao vốn chậm. Nên cần có giải pháp để khắc phục.
Giải trình về số chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chuyển nguồn ngân sách từ 2022 sang 2023 trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%, chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%, tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%, kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nhà nước chiếm 0,87%.
Theo ông Phớc, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn. Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật.
Đối với vấn đề chuyển nguồn, ông Phớc cho rằng, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm để số chuyển nguồn giảm đi.
THÔNG CÁO SỐ 18 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV
Thứ sáu, ngày 7/6, Quốc hội tiếp tục làm việc ngày thứ 16 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các nội dung: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra. Sau đó Quốc hội họp riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo VPQH