Cùng với giá xăng dầu, giá điện luôn là mối quan tâm của người dân, doanh nghiệp. Chính vì thế việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, đã nhận được nhiều ý kiến. Hiểu đơn giản là nếu kiến nghị của EVN được chấp thuận thì cơ chế sẽ tương tự cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.
Kiến nghị được lãnh đạo EVN đưa ra tại Hội nghị triển khai quyết định số 1479 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch huy động nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 nhưng EVN đã nỗ lực cung cấp đủ điện cho mọi nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá than tăng 600% so với đầu năm 2021; trong khi đó giá bán điện vẫn giữ từ năm 2019 đến nay.
Cũng theo lãnh đạo EVN, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn.
Đáng chú ý, theo tính toán của EVN, năm nay EVN có thể lỗ hơn 31.000 tỷ đồng.
Từ đó lãnh đạo EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động.
Điện không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người người dân ngày một tăng mà còn phải phục vụ cho nền kinh tế quy mô ngày càng lớn. Nhu cầu tiêu thụ điện liên tuc tăng theo từng năm. Các nhà máy thủy điện, nhiệt điện vào mùa cao điểm có khi phải hoạt động hết công suất thiết kế. Điện gió, điện mặt trời tuy xuất hiện không lâu nhưng cũng đã có đóng góp.
Trở lại với việc EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, thực tế thì sớm muộn gì điều đó cũng sẽ đến. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm chuyện giá xăng dầu “giật cục”, cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, tránh bất cập sẽ nảy sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng. Lúc đó, “quả bóng trách nhiệm” lại đá từ cơ quan này sang cơ quan khác, người dân và doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi.
Cũng nhân việc kiến nghị đột phá về cơ chế giá điện của EVN, cũng cần nhắc lại tiềm năng vô cùng to lớn về điện của Việt Nam. Về thủy điện, hơn 2.200 con sông suối với quy mô khác nhau, tiềm năng lý thuyết khoảng 300 tỷ kWh và tiềm năng kỹ thuật vào khoảng 123 tỷ kWh. Tổng tiềm năng kỹ thuật của thuỷ điện nhỏ tại Việt Nam nằm trong khoảng từ 1.600 MW - 2.000MW với quy mô đa dạng.
Về điện gió, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW. Đặc biệt, gần 8% diện tích của Việt Nam có tiềm năng gió rất tốt, với tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây.
Về điện mặt trời, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn. Bản đồ bức xạ mặt trời Việt Nam do 3 viện nghiên cứu hàng đầu của Tây Ban Nha lập dựa trên cơ sở số liệu của 171 trạm đo khí tượng thủy văn của Việt Nam đo số giờ nắng… thì tiềm năng năng lượng mặt trời ở Việt Nam; dao động từ 897 - 2108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày.
Nếu như nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường, thì thủy điện, điện gió, điện mặt trời đều là nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Nhưng để phát huy những ưu thế đó lại là vấn đề khác. Những năm qua, việc bùng phát thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên - miền Trung do không được kiểm soát chặt chẽ đã dẫn đến việc rừng bị tàn phá, môi trường tự nhiên thay đổi, kể cả sự đe dọa của những “quả bom nước” mỗi khi mưa to gió lớn. Điện mặt trời cũng tự phát, đến độ đại biểu Quốc hội còn lo lắng rồi đây không biết bỏ những tấm pin mặt trời rất khó phân hủy đi đâu. Trong khi đó, dù đầu tư lớn nhưng điện gió cũng không dễ dàng gì để đấu nối được vào hệ thống.
Vì vậy, cùng với áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, thì cần chiến lược tổng thể mới phát triển ngành điện của đất nước; dẫu biết rằng tháng 10/2022 Bộ Công thương đã hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ.