Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) mở ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế, song bên cạnh đó còn rất nhiều thách thức. “Hàng rào kỹ thuật” là một trong những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Trao đổi với ĐĐK, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, phải thay đổi cơ chế chính sách để thích ứng với điều kiện mới.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.
PV:Thưa ông, việc chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sẽ mở ra những cơ hội lớn, nhưng đồng nghĩa chúng ta cũng phải thay đổi thể chế về kinh tế để thực hiện các hiệp định. Vậy theo ông chúng ta cần có những thay đổi nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Khi chúng ta ký kết 2 hiệp định về tự do thương mại và bảo hộ đầu tư với EU có rất nhiều điểm thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là bước thử thách lớn đối với nền kinh tế và phát triển các cơ chế chính sách để có thể cân bằng trong hoạt động giao thương quốc tế của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, một mặt chúng ta cần hoàn thiện các cơ chế chính sách để có cơ chế phù hợp với những điều khoản đã cam kết với EU tại 2 hiệp định này. Từ tự do kinh tế, tiếp cận thị trường, lao động, cho đến sở hữu trí tuệ cũng phải thay đổi. Thứ hai, phải thay đổi cơ chế chính sách để thích ứng với điều kiện mới vì thuế quan được hạ thấp tối đa theo lộ trình hai bên đã thống nhất. Họ có ưu tiên cho chúng ta khi giảm nhanh và nhiều hơn các dòng thuế quan, nhưng ta cũng phải có lộ trình giảm tương ứng.
Các biện pháp liên quan đến việc đảm bảo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, không vi phạm các điều cam kết trong các hiệp định với EU và các quốc gia chúng ta đã ký kết các hiệp định nói riêng là bài toán khó khăn.
Nhiều nước đã dựng lên các thủ tục, hay điều kiện để tạo ra rào cản, vậy chúng ta cũng nên đưa ra những thủ tục hay điều kiện nhất định, thưa ông?
- Thủ tục hành chính cũng là rào cản được các quốc gia đưa ra. Trong thực tế để bảo vệ hàng hóa trong nước, có một số nước đã dùng thủ tục hành chính như kiểm tra kỹ hơn, gây mất thời gian, làm chi phí lưu kho lưu bãi cao hơn. Nhưng rõ ràng thủ tục hành chính họ đưa ra có cái lý và có cơ sở khoa học, còn thủ tục hành chính của ta vẫn còn gây phiền hà, rắc rối cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Chúng ta đang giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính. Vì đây là vấn đề ngay các doanh nghiệp trong nước còn đang than phiền chứ chưa nói đến doanh nghiệp nước ngoài. Do đó hiện chúng ta đang tìm cách giảm thiểu tác động của thủ tục này đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Khi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Cecilia Malmström, Cao ủy Phụ trách Thương mại của EU đã đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần có những bước cải cách hành chính để thực hiện các cam kết trong quá trình thực thi. Vậy theo ông trong bối cảnh đó làm sao để vừa đảm bảo thực hiện cam kết nhưng có thể bảo hộ được hàng trong nước?
- Thủ tục hành chính của ta vẫn còn gây cản trở cho sản xuất kinh doanh đối với cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, là bức xúc của doanh nghiệp. Nó tác động tới kim ngạch xuất, nhập khẩu vì thế cho nên họ yêu cầu ta gỡ bỏ. Hiện ta đang cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, vừa đảm bảo tính giám sát quản trị của các cơ quan quản lý và thực thi của người chấp hành. Vì có nhiều quy định của ta diễn ra trong thể chế kinh tế cũ, chủ yếu là nền kinh tế bao cấp, coi khu vực nhà nước đứng đầu. Cái gì khu vực nhà nước làm được thì thoải mái còn không làm được lại đưa ra các thủ tục, gây khó khăn cho chủ thể khác.
Bây giờ ta đang cắt giảm các điều kiện kinh doanh, mấy năm qua cắt mấy nghìn điều kiện kinh doanh nên việc quản lý tốt hơn. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã cắt giảm các thủ tục không cần thiết, từ đó nâng cao tính minh bạch, công khai trong việc chấp hành. Việc giảm các thủ tục còn có ý nghĩa khiến cho cán bộ không thể dựa vào đó gây khó dễ, tạo những điều kiện vòi vĩnh, hoặc thực thi không nghiêm minh. Vì thế cần có những bước cải cách hành chính, bỏ những điều kiện không cần thiết để thực thi các hiệp định.
Trân trọng cảm ơn ông!