Sáng nay 28/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục thảo luận tại hội trường, góp ý vào các văn kiện trình Đại hội XIII.
Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã phát biểu tham luận với chủ đề “Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trong tham luận tại Hội trường, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nêu thực tế, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả điều tra hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc; trong đó phần lớn tập trung tại các địa bàn vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tại 2 huyện 30a đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, thuộc vào nhóm các huyện nghèo nhất cả nước.
Lý giải về thực trạng này, ông Đỗ Đức Duy cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đó là: địa hình đồi núi chia cắt mạnh, thường xuyên chịu tác động của thiên tai; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất; trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật; đồng bào dân tộc còn nhiều hủ tục, tập quán, thói quen canh tác lạc hậu; hệ thống cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, tư duy, nhận thức và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo còn hạn chế, bất cập. Một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, ông Đỗ Đức Duy khẳng định, nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 – 2025) xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, trong đó tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 4,0%/năm.
Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị trên cơ sở Nghị quyết được Đại hội thông qua, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó cần thiết kế hợp lý để tránh trùng lắp về đối tượng, nội dung, phương thức hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt chương trình và hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi, trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống và sản xuất của nhân dân.
“Khu vực miền núi phía Bắc, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao so với bình quân chung cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng cao nhất cả nước; sinh kế của người dân chủ yếu gắn với kinh tế lâm nghiệp, đồi rừng”, ông Duy nêu thực tế và cho rằng, để thực hiện mục tiêu vừa giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái đầu nguồn, đề nghị Trung ương nghiên cứu có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội.