Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Luật hiện hành không quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, vì thế người lao động không hưởng trợ cấp dưới hình thức này.
Theo quy định của Luật Việc làm 2013, hiện nay, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng… Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Mức tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng, đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng người lao động phải trực tiếp đến đăng ký tình trạng việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở LĐTBXH nơi cư trú. Nếu người lao động không đến đăng ký, thì sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với quy trình giải quyết như vậy, cử tri cho rằng thủ tục chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi nghỉ việc còn rườm rà và phải đi lại nhiều lần, gây mất thời gian. Vì thế, cử tri đề nghị Bộ LĐTBXH chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục để người lao động thuận lợi trong việc nhận chế độ của mình. Đồng thời, đề nghị cho phép người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp một lần.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ LĐTBXH cho biết, theo quy định tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương, nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.
Theo Bộ LĐTBXH, hiện nay, người lao động có thể nhận tiền trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM hoặc bằng hình thức tiền mặt (do người lao động lựa chọn), nên không cần phải đi lại nhiều lần. Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chỉ phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng, để cán bộ Trung tâm có những hỗ trợ kịp thời về việc làm và học nghề.
Qua đó, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, đồng thời kiểm soát được tình trạng việc làm của người lao động, tránh việc lạm dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cũng theo Bộ LĐTBXH, Luật Việc làm không quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, vì thế người lao động không hưởng trợ cấp dưới hình thức này.
Liên quan đến mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2024. Bộ LĐTBXH cho biết, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tối đa còn phụ thuộc vào khu vực hưởng. Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở.
Năm 2024, mức lương cơ sở hiện đang được áp dụng là 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Như vậy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tối đa của năm 2024 ở khu vực này được tính như sau: 5 X 1,8 triệu đồng = 9 triệu đồng.
Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Tương ứng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt là không quá 23,4 triệu đồng đối với vùng I; không quá 20,8 triệu đồng đối với vùng II; không quá 18,2 triệu đồng đối với vùng III; không quá 16,25 triệu đồng đối với vùng IV.