Cô gái Việt trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu của thế giới: Sự thờ ơ là điều đáng lo ngại

Thanh Xuân 04/05/2020 14:38

Những bức ảnh được chụp trong thời gian qua cho thấy nhiều nơi trên Trái đất đã xanh trở lại, ô nhiễm không khí giảm đi đáng kể. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, đại dịch Covid-19 lần này sẽ định vị lại nhiều thứ, trong đó, buộc con người phải thay đổi mạnh mẽ hành vi, lối sống của mình. Trang Nguyễn - cô gái thế hệ 9x được biết tới là một nhà bảo tồn động vật hoang dã khá nổi tiếng hi vọng, qua đại dịch Covid-19 lần này, người dân hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ động vật hoang dã và những dịch bệnh nguy hiểm có thể bùng lên từ hành động này.

Cô gái Việt trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu của thế giới: Sự thờ ơ là điều đáng lo ngại

PV:Trang Nguyễn vừa có tên trong danh sách “30 Under 30” 2020 do tạp chí Forbes Asia bình chọn, và được BBC bình chọn là 1 trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu thế giới năm 2019. Nhưng nhiều người vẫn muốn biết, điều gì thôi thúc một cô gái 9x như Trang lựa chọn cho mình một con đường, một lối đi để trở thành một nhà bảo tồn động vật hoang dã?

Trang Nguyễn: Mối nhân duyên này bắt đầu khi tôi còn là học sinh tiểu học, bên cạnh chủ đề về phim ảnh, hoạt hình, tôi và người bạn của mình chiều nào đi qua căn nhà cùng xóm cũng tò mò đoán xem chiếc chuồng sắt hẹp và cao được dựng lên trong sân nhà này nhốt con gì. Âm thanh lạ, lúc thì gầm gừ, lúc thì rên rỉ càng thôi thúc sự hiếu kỳ của cô gái 8 tuổi. Cho đến một lần tình cờ biết được con vật bị nhốt trong lồng - một chú gấu. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy chú gấu ở một cự ly gần đến vậy. Tôi thấy chú gấu nằm ngửa ra sân, 4 chân bị trói chặt. Hai người đàn ông lúi cúi gần đó, một người đeo găng tay cao su, người còn lại đang dò dẫm trên ngực chú gấu. Lúc ấy, tôi vẫn chưa thực sự hiểu họ làm những hành động đó với chú gấu để làm gì. Nhưng mùi hôi trộn lẫn với mùi phân và nước tiểu, tiếng rên rỉ và gào thét trong đau đớn, hình ảnh chú gấu bị trói nằm giữa sân ngày hôm đó, cho đến tận bây giờ vẫn luôn hiện lên trong tâm trí. Buổi tối ngày chú gấu bị hút mật, tôi đứng trên sân thượng nhà mình, lặng nhìn về phía căn nhà nuôi giữ chú gấu ấy, thầm xin lỗi chú gấu vì tôi đã không biết phải làm gì và không thể làm được gì. Lời hứa khi lớn lên nhất định sẽ không để con người hành hạ gấu hay bất cứ loài động vật nào theo tôi từ ngày đó.

Có nhiều thời gian sống với núi rừng Việt Nam, chị nhận thấy cách con người đang ứng xử với thiên nhiên như thế nào?

- Con người xem thường, không tôn trọng và ngược đãi thiên nhiên. Đây là điều mà chúng ta không cần phải lên rừng xuống biển mới thấy được. Chỉ cần ở ngay khu phố các bạn ở thôi, trong những năm gần đây có bao nhiêu cây xanh ở Hà Nội bị đốn hạ? Có bao nhiêu sông, ngòi trong thành phố bị lấp bỏ? Có bao nhiêu bài báo kể về những khu vườn quốc gia bị đưa vào kế hoạch xây khu du lịch, nghỉ dưỡng? Chính vì sự coi thường, không tôn trọng và ngược đãi đó mà con người đang phải trả giá vì hành động của mình. Covid-19 chỉ là sự bắt đầu, nếu chúng ta tiếp tục ngạo mạn coi thường thiên nhiên mà không hành động để bảo vệ ngôi nhà duy nhất của mình.

Chị có đặt hi vọng về sự ứng xử của con người sẽ khác đi với thiên nhiên nói chung, với các loài hoang dã nói riêng, sau đại dịch Covid-19?

- Tôi hi vọng những thay đổi tích cực, như dự thảo luật cấm tuyệt đối buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã ở những quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc sẽ thực sự được thực thi nghiêm minh. Cũng hi vọng dịch bệnh lần này khiến người dân hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ động vật hoang dã và những dịch bệnh nguy hiểm có thể bùng lên từ hành động này.

Hành trình bảo tồn động vật hoang dã của chị cũng có nhiều thay đổi về nhận thức, chẳng hạn trước chị nghĩ bảo tồn động vật hoang dã là bảo vệ các động vật trong rừng, nhưng sau đó vấn đề đã trở nên rộng hơn, khi chị hiểu ra việc bảo vệ động vật hoang dã cũng là đang bảo vệ lấy môi trường sống của nhân loại và đang tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Đó có phải là lý do chính để chị đứng ra thành lập và điều hành WildAct?

- Không hẳn. WildAct được thành lập vì tôi nghĩ đã đến lúc tôi có thể thực hiện những điều mình muốn làm, muốn truyền tải và phát triển một hướng đi khác với những tổ chức khác rồi. WildAct là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có trụ sở ở Hà Nội và hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã (dĩ nhiên rồi). Chúng tôi có ba chương trình chính: i) Xây dựng năng lực địa phương: phối hợp với các trường đại học, mà chủ yếu là Trường Đại học Vinh tại Nghệ An để đào tạo một thế hệ trẻ những nhà bảo tồn động vật hoang dã công tác trong mảng đấu tranh và phòng chống buôn bán, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép; ii) Phát triển quyền của phụ nữ trong ngành bảo tồn: đấu tranh bình đẳng giới và phòng chống bạo lực về giới (cả thể chất lẫn tinh thần) đối với phụ nữ trong ngành bảo tồn và iii) Giảm ô nhiễm rác thải nhựa: phối hợp với các đơn vị, tổ chức và các đơn vị doanh nghiệp giảm lượng sản xuất và tiêu thụ nhựa không cần thiết.

Nối lại một sợi dây liên kết giữa con người và thiên nhiên khi mà ở nhiều nơi, nhiều chỗ đã bị đứt đoạn, chị và các cộng sự đang gặp khó khăn, trở ngại gì?

- Đó chính là sự thờ ơ của cộng đồng.

Gần đây, người ta nói nhiều đến việc ứng xử hài hòa với thiên nhiên, rồi không phá hủy môi trường sống… Nhưng trong quan sát của chị, có khoảng cách nào không giữa những điều chúng ta đang nói và cách chúng ta đang sống?

- Luôn có một khoảng cách rõ rệt giữa việc hiểu và hành động. Ví dụ có nhiều người hiểu nếu sử dụng nhựa dùng một lần, như ống hút nhựa chẳng hạn, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người (do nhựa phân rã thành hạt vi nhựa, đi vào chuỗi thức ăn, nước uống, thậm chí là không khí để thở), nhưng các bạn vẫn dùng ống hút nhựa, cốc nhựa, dao nĩa nhựa dùng một lần, đơn giản vì nó “tiện”. Từ việc hiểu đến hành động là cả một quá trình rất dài.

Công việc của những nhà bảo tồn như chúng tôi đó là làm sao để mọi người hiểu, và giúp họ thu ngắn khoảng cách giữa chuyện hiểu và hành động. Nói thì đơn giản, làm thì rất khó.

Cô gái Việt trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu của thế giới: Sự thờ ơ là điều đáng lo ngại - 1

Một người còn trẻ, lại là phụ nữ, khi dấn thân vào những hành trình bảo vệ các loài hoang dã Trang gặp những mối nguy hiểm nào?

- Khó khăn thì khá là nhiều. Ví dụ, sẽ chẳng có bố mẹ nào đồng ý cho con gái “đi vào rừng”. Khi đi rừng, sức khỏe của mình cũng không bằng các bạn nam. Tâm sinh lý của phụ nữ cũng là một vấn đề. Có lần tôi ở trong rừng liên tục hơn 3 tháng, để giữ vệ sinh sạch sẽ là chuyện không dễ dàng. Tuy nhiên, là nữ giới cũng có lợi thế riêng, đôi khi sẽ được các bạn nam nhường nhịn, giúp đỡ. Đặc biệt, khi cần cải trang để tiếp cận tội phạm buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã, nữ giới thường ít bị nghi ngờ và lấy được nhiều thông tin hơn. Rồi việc thiếu đi những vật dụng cần thiết, đôi khi là những điều cơ bản trong cuộc sống hiện đại, như toilet, nhà tắm, tivi, internet… cũng là điều khó khăn – nếu sống lâu ở trong rừng vài tháng. Nhưng cũng nhờ những thiếu thốn đó mà tôi nhận thấy hạnh phúc thường đến từ những điều giản dị, và con người chúng ta vẫn có thể sống mà không cần quá nhiều tiện nghi.

Gần đây chị liên tiếp cho ra những cuốn sách giàu tính trải nghiệm “Trở về nơi hoang dã”, “Chang hoang dã - Gấu” và dành 100% lợi nhuận của tác giả để phục vụ cho các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, qua đó như một cách lan tỏa, truyền cảm hứng với cộng đồng. Ý tưởng viết sách đến với chị như thế nào?

- Chang hoang dã là một dự án được ấp ủ từ rất lâu rồi. Tôi có ý tưởng làm sách tranh cho các bạn trẻ về thiên nhiên môi trường từ hồi còn đang đi học, và cũng đã bắt đầu viết nháp những ý tưởng, những câu chuyện để đưa vào sách tranh… Sau đấy khi bắt tay vào làm thì lại được NXB Kim Đồng liên hệ để mời làm sách cho trẻ em, thế là tôi giới thiệu luôn về dự án Chang hoang dã.
Chang hoang dã sẽ là một series chứ không chỉ là một cuốn sách tranh đơn lẻ. Cuốn đầu tiên về Gấu, cuốn thứ hai về Voi… lần lượt tôi sẽ kể câu chuyện của các loài động vật hoang dã, những câu chuyện về công tác bảo tồn rất chân thực mà có lẽ ít người biết tới.

Cảm ơn Trang Nguyễn về cuộc trò chuyện!

Trang Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang. Năm 23 tuổi, Trang nhận học bổng toàn phần của ĐH Cambridge, ngành bảo tồn động vật hoang dã. Năm 2016, Trang dẫn đoàn nghiên cứu và bảo tồn voi Campuchia. Đến tháng 5 cô lọt vào Top 5 mục cống hiến xã hội của giải thưởng “The Women of Future” khu vực Đông Nam Á của The Women of The Future Programme (Anh). Năm 2018, Trang nhận giải thưởng Future for Nature – một giải thưởng dành riêng cho các nhà bảo tồn trên toàn thế giới. Cùng năm này Trang cũng nhận giải Chiến Binh Xanh do Elles Vietnam bình chọn. Mới đây, Trang Nguyễn tiếp tục lọt top “30 Under 30” châu Á 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cô gái Việt trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu của thế giới: Sự thờ ơ là điều đáng lo ngại